Sau vụ tấn công khủng bố bằng bom tự sát kinh hoàng ở Manchester (nước Anh) khiến 22 người thiệt mạng, 59 người bị thương, người ta không khỏi đặt ra câu hỏi: Tại sao một kẻ đã từng lọt vào tầm ngắm của các cơ quan an ninh lại không bị ngăn chặn trước khi gã hành động?
Cảnh sát vũ trang Anh tuần tra trên đường phố Manchester sau vụ tấn công khủng bố hôm đầu tuần.
Những kẻ tấn công bị bỏ sót
Đây là câu hỏi từng được đặt ra không chỉ ở nước Anh mà ở nhiều quốc gia từng phải hứng chịu các vụ tấn công khủng bố nhằm vào “mục tiêu mềm”, và Anh là trường hợp mới nhất trong số này.
Gần đây nhất, nghi phạm trong vụ khủng bố tòa nhà Quốc hội Anh hôm 22/3, Khalid Masood, là công dân Anh, từng nằm trong danh sách theo dõi của lực lượng an ninh và tình báo (MI5) cách đây nhiều năm- thông tin được Thủ tướng Anh Theresa May tiết lộ trong một cuộc họp với Hạ viện Anh tuy nhiên đến sau khi gây án, điều này mới được tiết lộ, trong khi các cơ quan an ninh không thể chặn trước được hành động khủng bố của tên này.
Chưa hết bàng hoàng từ sau vụ việc xảy ra tại Westminster, London, người dân thành phố Manchester tiếp tục chứng kiến vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại nhà thi đấu thành phố này, khiến 22 người thiệt mạng và gần 60 người bị thương. Các thông tin sau vụ việc cho hay nghi phạm tấn công cũng là kẻ từng lọt vào radar theo dõi của các cơ quan an ninh, khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi rằng tại sao hành động của gã không bị ngăn chặn từ trước…
Để đưa ra câu trả lời cho điều đó, mọi người cần hiểu rõ rằng quá trình xác định mục tiêu theo dõi và ngăn chặn trước một âm mưu khủng bố là điều hết sức phức tạp và khó khăn.
Trong trường hợp vụ tấn công ở Manchester vừa qua, đến nay, vụ điều tra nhằm vào kẻ đánh bom tự sát Salman Abedi đã đi theo rất nhiều hướng, và toàn bộ bản chất của công việc theo dõi một kẻ tình nghi trước khi hắn hành động rất phức tạp. Nó đôi lúc chỉ trong vài giờ, nhưng đôi lúc có thể kéo dài đến vài tuần lễ.
Chỉ riêng điều này đã cho thấy các cuộc điều tra chống khủng bố mà MI5 cùng lực lượng cảnh sát Anh phải thực hiện khó dự đoán thế nào.
Trong những năm gần đây, người ta ngày càng hiểu rõ hơn về mức độ bí mật của các chiến dịch lần tìm dấu vết đồ sộ như thế này. Theo các hãng truyền thông Anh, có thời điểm, cơ quan tình báo MI5 phải tiếp nhận trên 500 vụ điều tra có liên quan tới 3.000 “mục tiêu tiềm tàng” (gọi tắt là SOI).
Khối lượng công việc này được cho là hơi quá tải đối với nguồn lực của MI5 bởi họ chỉ có tổng cộng khoảng 4.000 nhân viên.
Thêm vào đó, không phải tất cả các nhân viên tình báo MI5 đều được huấn luyện để có khả năng ẩn náu, thực hiện các nhiệm vụ ngầm, theo dõi…vậy nên khó có thể tưởng tượng nổi việc họ phải theo dõi tới 3.000 SOI trong cùng một thời điểm. Do hạn chế về nguồn lực nên cơ quan này liên tục phải thay đổi các mục tiêu ưu tiên. Điều này cũng rất khó khăn bởi chỉ cần một quyết định chuyển mục tiêu sai lầm có thể dẫn tới hậu quả khó lường.
Trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào mạng lưới giao thông của thủ đô London ngày 7-7-2005, MI5 đã thực sự lao vào một cuộc khủng hoảng sau khi báo giới đưa tin rằng cơ quan này từng phối hợp với cảnh sát West Yorkshire để lập ra 6 đường dây tình báo theo dõi kẻ chủ mưu của vụ tấn công…nhưng kết quả là vẫn không ngăn chặn được hành động khủng bố này.
MI5 sau đó tuyên bố sẽ cải thiện hệ thống của mình. Lúc bấy giờ đã có một cuộc tái tổ chức rầm rộ trong nội bộ cơ quan này và mạng lưới chống khủng bố nhằm tạo nên một đường dây chia sẻ thông tin tình báo mạnh mẽ trong khu vực.
Kẻ tấn công tự sát Salman Abedi đã lọt khỏi tầm ngắm của các cơ quan tình báo.
Lượng công việc khổng lồ ở MI5
Nhờ vào mạng lưới đó mà kể từ năm 2013 đến nay, có 18 âm mưu tấn công khủng bố bị MI5 và cảnh sát Anh triệt phá, đạt tỷ lệ triệt phá âm mưu tấn công lớn nhất so với các nước còn lại của châu Âu. Thế nhưng, do sự trỗi dậy của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng tình trạng nội chiến ở Syria, khối lượng công việc mà MI5 tiếp nhận đã tăng đột biến, khiến cho tỷ lệ thông tin bị bỏ lỡ tăng cao hơn.
Được biết, mọi tin tình báo mà hệ thống MI5 tiếp nhận – có thể là từ các cuộc chặn điện thoại, tin nhắn, hay thông báo từ phía người dân và nhiều nguồn khác – đều cần phải được xét duyệt để lần ra các đầu mối điều tra. Và từ năm 2014, người ta đã biết được thêm về các danh mục điều tra an ninh ưu tiên nhờ vào một bản báo cáo hết sức chi tiết mà Hội đồng An ninh và Tình báo Anh công bố.
Trong văn bản này, thành phố Manchester được liệt vào dạng “ưu tiên số 1” của MI5 bởi có thông tin tình báo “đáng tin cậy” về khả năng có âm mưu tấn công khủng bố tại đây. Các tiêu chí để đặt Manchester vào mục ưu tiên bao gồm: Thông tin về những kẻ có kế hoạch ra nước ngoài chiến đấu, nhưng kẻ rót vốn, các nghi phạm được huấn luyện trên lãnh thổ Anh, những kẻ làm giấy tờ giả mạo, những kẻ từng là mối đe dọa có khả năng tham gia âm mưu…
Trong trường hợp các lãnh đạo an ninh nhận định rằng có thể có kẻ chế tạo bom trong danh sách này- như trong trường hợp vụ điều tra tấn công khủng bố ở Manchester họ sẽ đổ mọi người lực vào để triệt phá âm mưu này. Giới phân tích, các đơn bị theo dõi và các đội đặc nhiệm sẽ lập tức được lệnh tập trung cho vụ việc được ưu tiên.
Lợi ích của hệ thống xử lý tự động mà MI5 đang áp dụng này rõ ràng không phải bàn cãi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mà các nguồn lực của họ đã tập trung vào các cuộc điều tra không hề có kết quả, và cuối cùng chỉ để nhận ra rằng một nguồn tin tình báo là vô giá trị.
Như trong một trường hợp giả định, có ai đó gọi điện tới báo với MI5 rằng họ nghe thấy ông X nói những điều đáng sợ và đang mua dung dịch tẩy trắng tóc- một chất hóa học có thể sử dụng để chế tạo bom. Một tuần sau, sau khi bỏ ra vô số nguồn lực để tìm hiểu sự việc, hóa ra ông X đang mở một cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp và cuộc gọi báo tin kia đến từ một cựu nhân viên từng có hiềm khích với ông.
Ví dụ trên cũng là một trong vô số những thách thức mà MI5 phải đối diện hàng ngày trong lúc đánh giá các nguồn tin tình báo mà họ nhận được.
Khía cạnh quốc tế
Kể từ khi vụ điều tra tấn công khủng bố ở Manchester bắt đầu hôm đầu tuần này, nó ngày càng làm cạn kiệt mọi nguồn lực chống khủng bố của nước Anh. Điều này là do vụ việc có liên quan tới cả khía cạnh quốc tế, bởi có các mối liên hệ giữa kẻ tấn công và những nhóm người ở Libya.
Mỗi phát hiện tưởng chừng như nhỏ nhặt- như một tài sản tại nhà riêng của kẻ tấn công hay một chiếc điện thoại của gã đều buộc Đơn vị Chống khủng bố North West của Anh phải mở ra hẳn một nhánh điều tra mới. Và một số trong đó cuối cùng cũng sẽ biến thành một cuộc điều tra độc lập.
Cuối cùng, mỗi đầu mối này sẽ được phân tích kỹ càng để đưa ra kết luận, dù theo cách này hay cách khác, để phục vụ cho cuộc điều tra tổng thể.
Abedi từng bị báo từ đường dây nóng
Tất cả những điều trên cuối cùng vẫn mang chúng ta trở lại với câu hỏi lớn trong vụ điều tra tấn công khủng bố ở Manchester: Liệu cơ quan an ninh đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn Salman Abedi từ trước?
Theo các thông tin báo chí Anh đưa mới đây thì kẻ đánh bom này đã từng lọt vào tầm ngắm của chính quyền theo một hình thức nào đó. Hãng tin BBC dẫn một số nguồn tin từ cộng đồng Hồi giáo cho hay, một số người trong cộng đồng này đã gọi tới đường dây nóng của lực lượng chống khủng bố Anh để báo cáo về tư tưởng cực đoan của Abedi.
Và theo các nguồn tin tình báo Anh thì Abedi nằm trong danh sách những kẻ từng là SOI, có nghĩa đã bị loại khỏi danh sách “ưu tiên” của MI5 và các đối tác. Điều khó hiểu là tại sao kẻ này lại bị MI5 hạ mức ưu tiên?
Theo giới chuyên gia, có khả năng các cuộc gọi tới thông báo về hành vi bất thường của Abedi còn thiếu chi tiết, kẻ này được cho là thiếu khả năng hành động, hoặc do còn quá ít đầu mối để MI5 mở một cuộc điều tra toàn diện trong khi họ còn cả tấn mục tiêu khác cần phải theo dõi… Câu hỏi này đến nay vẫn chưa được giải đáp.