Chiều ngày 30/8, TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tuyên phần thắng cuộc thuộc về ngư dân Trần Văn Liên và yêu cầu Công ty Bảo Duy bồi thường thiệt hại với số tiền 2,8 tỷ đồng (bằng tổng số tiền mua máy lắp tàu).
Quang cảnh buổi xét xử vụ ngư dân Liên kiện doanh nghiệp đóng tàu 67.
Như Đại Đoàn Kết đã có bài “Xử vụ ngư dân kiện doanh nghiệp đóng tàu 67” (ngày 30/8/2017), phản ánh vụ việc, ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) khởi kiện các công ty đóng tàu 67, sau khi hoàn thiện tàu mới chạy thử nghiệm đã dẫn đến sự cố chết máy, tàu nằm bờ gần 2 năm qua khiến ông điêu đứng.
Cụ thể, tại phiên toà chiều ngày 30/8, TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên với hai doanh nghiệp gồm: Công ty CP đóng tàu Bảo Duy, trụ sở tại Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị bán máy) có trụ sở tại Hà Nội và cùng ngày HĐXX đã tuyên phần thắng cuộc thuộc về ngư dân Trần Văn Liên.
Theo cáo trạng, ngư dân Trần Văn Liên đã có hợp đồng với Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy để đóng tàu và Công ty CP Tập đoàn Liên Á cung cấp máy móc và kỹ thuật cho tàu.
Sau khi tàu hoàn thành, các bên đã có 2 lần thử tàu vào ngày 26 và 28/3/2016. Tại mỗi lần thử tàu đều có mặt kỹ sư của Công ty Liên Á và lúc này máy vẫn chạy bình thường. Đến tối 29/3/2016, khi không có kỹ thuật máy của Công ty Liên Á nhưng Công ty Bảo Duy tự ý thuê tài công đưa tàu ra biển để chuẩn bị thử đường dài thì lúc tàu bị hỏng máy.
Sau khi sự cố xảy ra, các bên đã nhiều lần hòa giải, hỗ trợ ngư dân Liên sớm có máy mới nhưng không đi đến kết luận cuối cùng, nên ngư dân Trần Văn Liên đã khởi kiện Công ty Bảo Duy và Liên Á ra tòa buộc hai bên có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại lại máy hỏng cho ông.
Với các chứng cứ rõ ràng, HĐXX TAND TP Tam Kỳ đã tuyên phần thắng thuộc về ngư dân Trần Văn Liên và yêu cầu Công ty Bảo Duy- đơn vị đóng tàu phải bồi thường thiệt hại với số tiền 2,8 tỷ đồng (tổng số tiền mua máy) cho ngư dân Liên vì máy chính hỏng lỗi chính thuộc về Công ty Bảo Duy do tự ý cho tàu chạy thử khi không có kỹ thuật máy của Công ty Liên Á.
HĐXX còn yêu cầu Công ty Bảo Duy phải hoàn trả lại án phí cho ngư dân Liên đã nộp trước đó.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc Công ty Liên Á tại phiên toà.
Sau khi HĐXX tuyên án, ngư dân Trần Văn Liên rất phấn khởi vì vụ án đã được xét xử công minh, khách quan, đòi lại công lý cho ông.
Nhưng ông Liên cho rằng, đây mới chỉ là đến số tiền mua máy, còn thiệt hại của ông chưa được tính, do đó ông khẳng định: “Dù thắng cuộc, nhưng tôi tiếp tục kiện, vì đây mới là vụ kiện đòi việc lắp máy chính để bàn giao tàu cho tôi sớm vươn khơi bám biển thôi. Còn gần hai năm tàu nằm bờ tôi thiệt hại nặng nề cho nên tôi sẽ tiếp tục khởi kiện Công ty Bảo Duy để yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất lâu nay, tiền lãi suất ngân hàng và tiền tôi đã hợp đồng lao động với chục ngư dân.
Ngoài ra, tôi còn buộc đơn vị đóng tàu phải bồi thường hợp đồng đóng tàu trước đó khi không bàn giao tàu đúng thời hạn như đã ký ban đầu. Điều này được thể hiện rõ trong hợp đồng, nếu đơn vị không bàn giao đúng tiến độ sau 15 ngày trở đi thì đơn vị phải bồi thường mỗi ngày 2 triệu đồng cho chủ tàu. Tôi sẽ tiếp tụ theo vụ kiện này đến cùng”.
Trước đó như Đại Đoàn Kết đã liên tục phản ánh về những con tàu cá, trong đó có tàu sắt được đóng theo Nghị định 67 tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, trong đó có tàu ông Liên gần 2 năm nay vẫn án minh bất động tại bờ biển Thọ Quang (TP Đà Nẵng).
Điều đáng nói, Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” ra đời, phải khẳng định rằng đây là một chính sách đúng đắn của Nhà nước và sự ra đời của nó đã làm ngư dân rất hào hởi. Bởi vì đây cũng là cơ hội để họ vươn ra biển lớn. Có điều kiện để cải hoán, đóng mới, nâng cấp tàu có công suất cao để vươn khơi xa. Thế nhưng trước những gì đã xảy ra với tàu vỏ sắt khiến ngư dân thất vọng.