Vụ ly hôn Trung Nguyên: Bà Thảo đề nghị công khai phiên giám đốc thẩm

T.B. 02/10/2020 19:19

Ngày 2/10/2020, bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để xem xét hủy toàn bộ đối với hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm trong vụ ly hôn của gia đình Trung Nguyên, đồng thời đề nghị tổ chức phiên giám đốc thẩm công khai nhằm tránh những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng đã từng xảy ra trong cả hai phiên tòa trước. 

Đề nghị hủy án vì vi phạm thủ tụng tố tụng nghiêm trọng tại 2 phiên tòa

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, ngày 11/4/2019, Viện VKSND TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định kháng nghị và chỉ ra 11 điểm sai phạm nghiêm trọng, đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM hủy bản án sơ thẩm.

Cụ thể 11 sai phạm được chỉ ra như: Tòa đã không thu thập đầy đủ chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự, không tổ chức đối chất, tiếp cận công khai chứng cứ, sử dụng những chứng cứ không chính xác.v.v.

Những sai phạm này không những gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà Thảo mà còn khiến dư luận bức xúc về trình độ và sự công tâm của hội đồng xét xử, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân vào công lý.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm tháng 12/2019, lại một lần nữa nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, về áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan trong việc xét xử, xác định và phân chia khối tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên lại tiếp tục lặp lại, trong đó nghiêm trọng nhất là tước toàn bộ quyền cổ đông và quyền kinh doanh hợp pháp của bà Thảo tại Trung Nguyên - nơi bà vẫn đang là đồng sáng lập và đồng sở hữu.

Vì thế, một lần nữa, ngày 31/3/2020, Viện trưởng Viện KSND tối cao tiếp tục có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét hủy toàn bộ đối với hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm.

Kêu cứu khẩn cấp, tránh oan sai chồng chất

Lo lắng trước những sai phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, khả năng kháng nghị hủy án của Viện KSND lại không được xem xét nghiêm túc, bà Thảo một lần nữa gửi đơn khẩn cấp và trình bày nỗi oan ức của mình.

Theo đơn của bà Thảo, tất cả các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và tài sản vô hình, hơn 14 nhãn hiệu trong đó có 2 nhãn hiệu lớn là Trung Nguyên và G7, đều do hai vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và sở hữu ngay từ những ngày đầu cho đến nay. Vì thế, việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng thiếu sự công bằng, không khách quan.

Cụ thể, theo kháng nghị của Viện KSND, các chứng thư thẩm và báo cáo kết quả thẩm định giá đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25/6/2018, đến ngày xét xử sơ thẩm là 20/2/2019 đều đã hết hiệu lực.

Sau phiên xử sơ thẩm, rồi đến phiên phúc thẩm, Tòa cũng không định giá lại theo quy định mà vẫn lấy kết quả thẩm định giá hết hiệu lực để chia tài sản cho các bên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV, trả lời báo chí về các vụ phúc thẩm đình đám, luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ly hôn của hai vợ chồng Tập đoàn Trung Nguyên ra làm ví dụ như là một vụ án dân sự điển hình.

Lúc đó, ông Nghĩa đã nêu vấn đề: Sau khi xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã có kháng nghị phúc thẩm, chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của bản án sơ thẩm, nhưng tòa phúc thẩm không sữa chữa những sai phạm đó và đã y án sơ thẩm đối với những nội dung quan trọng nhất.

Sau bản án phúc thẩm, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã lại kháng nghị giám đốc thẩm (KNGĐT), nêu lên những sai phạm cũ và mới. KNGĐT chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng và tính nghiêm trọng của các sai phạm trong vụán này đã gây ra nhiều hoang mang, lo lắng trong cộng đồng doanh nhân, nhất là những cặp vợ chồng đang cùng là cổ đông của các công ty lớn.

Ví dụ, KNGĐT khẳng định, chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực 6 tháng, nhưng Tòa phúc thẩm vẫn căn cứ vào các chứng thư đó mà không định giá lại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vi phạm này tạo ra sự bất công rất lớn đối với người vợ, là cổ đông bị buộc phải để lại toàn bộ cổ phần của mình lại cho người chồng, để người chồng một mình sở hữu toàn bộ tập đoàn.

Vẫn theo ông Nghĩa, khi quyết định chia tài sản chung của hai vợ chồng, tòa chia cho người vợ một số bất động sản và tiền tài khoản ngân hàng do người khác đứng tên, nhưng tòa lại không triệu tập những người ấy, mà không kiểm tra xem là của ai và tài sản đó có còn không? KNGĐT xem đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…

Luật sư Trương Trọng Nghĩa khi ấy đã nêu quan điểm: “Những sai phạm mà KNGĐT chỉ ra trên đây chẳng những tước đoạt quyền kinh doanh chính đáng của người vợ, mà có thể gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho người vợ, là người chịu trách nhiệm nuôi dạy bốn đứa con theo quyết định của tòa”.

Trong đơn kêu cứu mới đây của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng nhắc lại những vấn đề trên và nhấn mạnh: Hai bản án tuyên có quá nhiều điểm vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ (đánh giá không đầy đủ, khách quan về các chứng cứ chứng minh về nguồn gốc tài sản chung và công sức đóng góp của các đương sự), đưa thiếu người tham gia tố tụng, có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật doanh nghiệp khi tước quyền tự định đoạt của cổ đông bằng việc chỉ định người nhận cổ phần và người nhận trị giá tài sản…

"Những vi phạm này đã làm sai lệch các phán quyết của cơ quan xét xử, không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi mà còn khiến cho dư luận xã hội quan tâm và vô cùng bức xúc, ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý và sự thượng tôn của pháp luật” – bà Thảo trình bày trong đơn.

Xuất phát từ lý do trên, bà Thảo đề nghị việc mở phiên giám đốc thẩm được đưa ra họp công khai, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí được tham dự và truyền tải thông tin chính xác, giúp cho công luận hiểu rõ sự thật khách quan của.

Tòa án 2 cấp có bỏ sót tài sản “khủng” tại Phú Quốc có lợi cho ông Vũ?

Mới đây nhất, các luật sư của bà Thảo còn phát hiện thêm việc cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã bỏ sót một tài sản lớn chung của cả hai vợ chồng tại Phú Quốc, không tiến hành điều tra làm rõ không triệu tập người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để từ đó không giải quyết phân chia, giúp cho ông Vũ hưởng lợi riêng. Toàn bộ chứng cứ, hồ sơ đã được gửi tới TAND tỉnh Kiên Giang.

Ngày 24/9/2020, TAND tỉnh Kiên Giang đã ra thông báo số 190/2020/TB-TA liên quan đến việc thụ lý vụ án này. Theo các luật sư của bà Thảo: Đây là tình tiết cần được đưa vào để xem xét việc hủy án tại phiên giám đốc thẩm, do những sai phạm nghiêm trọng mới phát hiện trong thủ tục tố tụng của phiên sơ thẩm và phúc thẩm trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ ly hôn Trung Nguyên: Bà Thảo đề nghị công khai phiên giám đốc thẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO