Trong quá trình thu thập thông tin từ phía người dân, phóng viên đã có những Văn bản liên quan tới việc một nhóm người được dẫn đầu bởi vợ “cựu” Bí thư xã Bồ Lý đi “mua lại” đất rừng phòng hộ của người dân tại vị trí khu núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo) dưới hình thức Hợp đồng ủy quyền trước khi tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương cho Công ty CP Đầu tư Bình Minh Xanh nghiên cứu triển khai Dự án.
Vợ của nguyên Bí thư xã Bồ Lý dẫn theo người vào tận phòng Chủ tịch UBND xã Bồ Lý để nói chuyện "phải quấy" với phóng viên.
Đã từng bị người dân phản đối
Như chúng tôi đã đưa tin, những ngày đầu tháng 1/2017 vừa qua, Công ty CP Đầu tư Bình Minh Xanh (trụ sở tại phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã được Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận về mặt chủ trương quy hoạch và xây dựng khu công viên nghĩa trang Vĩnh Phúc quy mô khoảng 150 ha tại khu núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Để thông tin phản ánh khách quan, chính xác, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trọng Dân – Chủ tịch UBND xã Bồ Lý.
Trả lời câu hỏi vì sao UBND xã Bồ Lý lại đưa quy hoạch xây dựng nghĩa trang vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015 trong khi Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh (Cty BMX) tháng 6/2016 mới có Văn bản đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư xây dựng Dự án công viên nghĩa trang Vĩnh Phúc tại khu núi Ngang, xã Bồ Lý. Ông Nguyễn Trọng Dân giải thích rằng: Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015 thì trên địa bàn xã cũng đã có dự án xây dựng nghĩa trang tại đồi Đính Lâm, tuy nhiên do người dân kiên quyết phản đối dẫn đến không thực hiện được Dự án.
Đến năm 2016 thì Cty BMX đã đi khảo sát và xin đầu tư công viên nghĩa trang tại khu núi Ngang trên địa bàn xã. Chúng tôi đã xin ý kiến Thường trực Đảng ủy xã Bồ Lý chấp thuận địa điểm.
Ngày 25/8/2016, 13/15 đại biểu thống nhất chủ trương để Cty BMX nghiên cứu đầu tư công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý. Vừa qua (tháng 12/2016) thì xã cũng đã thông báo cho các trưởng thôn, Bí thư chi bộ về dự án của công ty BMX, còn tuyên truyền thông tin về Dự án cho người dân thì xã chưa làm.
Theo đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Lý (khu 11, thôn Tân Lập, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) thì vào tháng 12/2016, bà Loan (vợ ông Hòe, nguyên Bí thư xã Bồ Lý – đã mất) dẫn một nhóm 5 người đến nhà ông Lý và giới thiệu những người này xin được chủ trương của nhà nước về việc xây dựng mở rộng khu di tích thờ Thất vị Đại Vương trên núi Ngang.
Để phục vụ việc xây dựng mở rộng khu di tích này, nhóm người trên cần tới diện tích 20,2 ha đất rừng phòng hộ mà gia đình ông Lý được nhà nước giao.
Họ đề nghị ông Lý bán lại với giá 50 triệu/ ha dưới hình thức giấy viết tay và giao lại cho họ quyết định giao rừng của nhà nước. Do đồng tình với chủ trương xây dựng khu di tích nên gia đình ông Lý quyết định bán 20,2 ha đất rừng phòng hộ cho họ dưới danh nghĩa Hợp đồng ủy quyền.
Hợp đồng ủy quyền giữa người dân và bà Vân, người có hộ khẩu thường trú trùng với địa chủ Công ty CP Đầu tư Bình Minh Xanh.
Nhưng khi vừa bán xong thì gia đình tôi được biết có chủ trương xây dựng công viên nghĩa trang rộng 150 ha tại khu vực núi Ngang (bao gồm cả diện tích 20,2 ha đất rừng phòng hộ của gia đình). Lúc này tôi mới biết bị nhóm người do bà Loan dẫn đến lừa bán đất rừng phòng hộ. Nếu biết họ mua để làm nghĩa trang thì chắc chắn tôi không bán và qua đơn kêu cứu này, tôi phản đối việc phá hàng trăm ha rừng phòng hộ để làm nghĩa trang.
Còn theo Hợp đồng ủy quyền giữa ông Lý với nhóm người lạ mặt (đại diện là bà Vũ Thụy Vân – có địa chỉ trùng với địa chỉ Cty BMX) thì sau khi có GCNQSDĐ đứng tên ông Lý thì bà Vân được toàn quyền sử dụng, định đoạt GCNQSDĐ.
Được đại diện ký kết Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất với bên thứ ba. Được thỏa thuận giá và phương thức thanh toán của Hợp đồng đại diện đã ký kết.
Phá vỡ quy hoạch phát triển du lịch?
Để làm rõ về việc có hay không câu chuyện vợ của nguyên Bí thư xã Bồ Lý là bà Nguyễn Thị Loan vào nhà một số hộ dân được giao rừng phòng hộ đề nghị mua lại hoặc môi giới cho bà Vũ Thụy Vân nhận ủy quyền chăm sóc. Chúng tôi đã liên hệ với bà Loan để xác minh thông tin.
Tuy nhiên, khi phóng viên đang làm việc với ông Nguyễn Trọng Dân – Chủ tịch UBND xã Bồ Lý (sáng ngày 24/1/2017) thì bà Loan cùng với 2 người đàn ông lạ mặt khác lao vào phòng Chủ tịch UBND xã Bồ Lý quay phim, chụp ảnh, ghi âm và đòi phóng viên phải cung cấp các câu hỏi bằng Văn bản chứ không trả lời trực tiếp. Không những vậy, nhóm người này còn có một số cử chỉ, hành động thiếu tôn trọng phóng viên trước sự chứng kiến của ông Dân.
Đơn kêu cứu của người dân gửi các cơ quan chức năng.
Nhận thấy nguy cơ có thể bị các đối tượng quá khích hành hung, phóng viên đành phải nhờ ông Chủ tịch UBND xã Bồ Lý cử hai công an xã đưa ra khỏi địa giới xã.
Vài tiếng sau, có một người đàn ông khác gọi điện (số điện thoại 0979574xxx) cho phóng viên để thăm hỏi sức khỏe và “chúc tết”.
Người này tự xưng là em của một người có tên Sơn “trại”, chủ Dự án công viên nghĩa trang nuốt rừng phòng hộ mà phóng viên đang tìm hiểu. Anh ta hỏi khá kĩ và muốn gặp phóng viên tại tòa soạn sau khi giới thiệu một vài thông tin liên quan tới bản thân cũng như thể hiện sự hiểu biết về Báo.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, theo đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh (Cty BMX), Dự án công viên nghĩa trang Vĩnh Phúc (khu núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo) sẽ được đầu tư với số tiền 685 tỷ đồng trên diện tích khoảng 153 ha, trong đó đất nghĩa trang chiếm 105,5 ha.
Toàn bộ diện tích đất dự kiến làm nghĩa trang là đất rừng phòng hộ mà nhà nước đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002. Nghĩa trang dự kiến có 70.000 mộ phần cát táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng đáp ứng được quy mô mộ phần nêu trên với công nghệ “Nhật Bản”.
Điều đáng ngạc nhiên là huyện Tam Đảo từ lâu đã nổi tiếng là huyện trọng điểm dành riêng cho phát triển kinh tế du lịch với rất nhiều danh thắng nổi tiếng cả nước như: Khu du lịch Tam Đảo nằm trên địa bàn thị trấn Tam Đảo; Danh thắng chùa Tây Thiên, thuộc xã Đại Đình; Danh thắng Thiền viện Trúc lâm Tây thiên, thuộc xã Đại Đình và Vườn quốc gia Tam Đảo.
Mặt khác, trong quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND huyện Tam Đảo ghi rõ: Tại Tam Đảo hiện có 537,66ha đất rừng phòng hộ, trong đó rừng đặc dụng là 12.328,41ha. Đất rừng phòng hộ và đặc dụng của Tam Đảo vừa làm chức năng phòng hộ, vừa làm chức năng bảo tồn đa dạng sinh học.
“Vì vậy, trong những năm tới, cần nâng cao chất lượng và bảo tồn (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) trước nguy cơ khai thác của dân và xâm lấn trước một số công trình hạ tầng, du lịch trong kế hoạch mở rộng Tam Đảo 2 và khai thác khoáng sản”, bản Quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo nhấn mạnh định hướng này.
Theo những người dân tại khu núi Ngang thì họ sẽ kiên quyết phản đối Dự án công viên nghĩa trang của Công ty CP Đầu tư Bình Minh Xanh vì lo sợ thảm họa về môi trường.
Đối với đất rừng phòng hộ tại xã Bồ Lý, bản quy hoạch chỉ rõ: Xã Bồ Lý thuộc cụm xã tiểu vùng 2, là vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo mang đặc trưng điển hình của xã miền núi có độ dốc cao, kinh tế xã hội chậm phát triển nhưng lại có mức độ ảnh hưởng lan tỏa đến các xã xung quanh. Định hướng phát triển của tiểu vùng này là nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch (không có việc "xóa sổ" hàng trăm ha rừng phòng hộ ở vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo để xây dựng nghĩa trang).
Cần phải nhắc lại rằng, vị trí đất rừng phòng hộ được nhắm đến cho “siêu nghĩa trang” đang được Công ty CP Prime Đại An khai thác đá Granite và Công ty TNHH Thành An tận thu Cao Lanh. Và theo người dân ở nơi đây, dưới lòng đất còn có một trữ lượng lớn đá Trường Thạch (Fenspat).Vậy phải chăng ẩn sau câu chuyện này là một mục đích khác của Cty BMX?.
Trao đổi với chúng tôi về việc lấy đất rừng phòng hộ làm nghĩa trang, luật sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo Nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội, các dự án chuyển đổi 50 ha rừng phòng hộ trở lên phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định... Cụ thể, tại mục b, khoản 2 Điều 3 về Tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì: Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1000 ha trở lên. Ngoài ra, theo Điều 58 Luật Đất đai 2013, đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 20 ha đất rừng phòng hộ trở lên để thực hiện dự án đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. |