Liên quan đến vụ phá rừng pơ mu tại khoảnh 5 tiểu khu 351 gần cột mốc biên giới 717 thuộc xã La Dêê, ngày 26/7 Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Sê Kông- Lào. Thông tin trong cuộc họp cho thấy, đây có thể là vụ phá rừng pơ mu xuyên quốc gia.
Quang cảnh buổi hội đàm giữa hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông - Lào.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở An ninh tỉnh Sê Kông đã cho biết, số cây pơ mu bị chặt tàn phá phía Nam Giang ít hơn so với tình hình phá rừng ở Lào.
Theo vị này, vụ phá rừng pơ mu đã diễn ra từ tháng 6 đến nay với cường độ lớn. Ban đầu, rừng bị phá phía Lào và lan sang khu vực biên giới của Việt Nam.
Lực lượng của Lào đã kiểm đếm tổng số gốc Pơ mu của Lào đã bị lâm tặc phá là 131 gốc. Đã thu được số lượng gỗ lậu lớn và lâm tặc rất manh động.
Còn theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, buổi họp chủ yếu bàn về 2 vấn đề, một là 2 bên bàn về công tác phá án vụ phá rừng pơ mu phải làm một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; thứ 2, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực biên giới.
Phía Quảng Nam cũng đề nghị phía Lào sớm lên hiện trường để sử dụng các thiết bị, bản đồ để xác định chính xác tọa độ, khoanh vùng khu vực phá rừng của 2 bên, xác định số cây pơ mu bị phá giữa 2 bên để phục vụ công tác điều tra.
Gỗ pơ mu lậu bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Ông Thanh cũng cho biết: “Quảng Nam đã đề nghị phía Lào xem xét khởi tố vụ án, phối hợp với Quảng Nam trong việc truy lùng tội phạm, vì gỗ pơ mu thuộc địa phần Lào bị phá cũng rất nhiều. Những nội dung do tỉnh Quảng Nam đề nghị đã được phía bạn đồng ý”.
Được biết, hai bên đã thống nhất thành lập tổ công tác chung nhằm phối hợp xử lý vụ việc.
Tổ công tác sẽ kiểm tra thực địa vụ phá rừng để thống kê rõ số lượng cây pơ mu bị đốn hạ, các điểm tập kết gỗ lậu ở mỗi bên như thế nào.
Quảng Nam đã đề nghị phía tỉnh Sê Kông tạo cơ chế đặc biệt trong việc qua lại khu vực biên giới nhằm giúp cơ quan chức năng đảm bảo nhanh nhất cho việc phá án. Phía bạn đồng ý và đề nghị tỉnh Quảng Nam gửi danh sách tổ công tác cho họ.
Tàn phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới huyện Nam Giang.
Còn về công tác bảo vệ rừng giáp biên, Quảng Nam và tỉnh Sê Kông nhất trí ra Quy chế phối hợp giữa 2 bên. Trước đây, khu vực rừng giáp biên có nhiều đơn vị tham gia bảo vệ, song trách nhiệm chưa rõ ràng.
Trong khi đó, theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn bộ hồ sơ vụ án phá rừng pơmu xảy ra ở khu vực biên giới huyện Nam Giang đã được công an huyện chuyển lên cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục thụ lý, điều tra.
Qua quá trình điều tra, bước đầu Công an đã khoanh vùng được các đối tượng nghi vấn bao che cho lâm tặc và các đối tượng thác trái phép gỗ pơ mu trái phép.
Qua quá trình điều tra và qua trao đổi thông tin tại cuộc họp của 2 tỉnh, nhiều tình tiết vụ án cho thấy, đây là đường dây phá rừng có tổ chức, hoạt động tinh vi suốt thời gian dài.
Nhóm lâm tặc đã lọt vào tận khu vực kiểm soát an ninh nghiêm ngặt ở vùng phân định biên giới, tổ chức khai thác, vận chuyển, đưa qua Lào tập kết chờ hợp thức hóa thủ tục rồi tuồn trở lại qua cửa khẩu Nam Giang về xuôi tiêu thụ, gây thiệt hại lớn.
Theo cơ quan kiểm lâm, với hơn 60 cây pơ mu bị lâm tặc triệt hạ, bình quân mỗi cây có khối lượng 10m3 gỗ.
Trong khi đó giá chào hàng hợp pháp của một số doanh nghiệp trên thị trường gỗ phách pơ mu có giá từ 45 đến 48 triệu đồng/m3.
Như vậy chỉ tính 60 cây pơ mu khai thác nếu trót lọt lâm tặc đã có thể thu lợi bất chính ít nhất trên 45 tỷ đồng.
Hiện nay vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra.