Theo Công văn số 6124 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý vi phạm tại Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (gọi tắt là Công ty Thuận Phong), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 398 Quốc gia đã giao Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trực tiếp xử lý vi phạm ...
Trong quá trình theo dõi và chỉ đạo diễn biến vụ phân bón giả của Công ty Thuận Phong, các bộ ngành, dưới sự chỉ đạo của Ban 389 Quốc gia, đã phát hiện nhiều sai phạm tại công ty này.
Cụ thể, theo biên bản kiểm tra ngày 24-4-2015, đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Thuận Phong đang chiết rót phân bón (dạng nước) từ thùng chứa vào chai nhựa loại 1 lít và 5 lít mang nhãn hiệu VITOL, có nhãn gốc tiếng nước ngoài và nhãn phụ tiếng Việt. Nội dung nhãn ghi phân bón nhập khẩu và ghi xuất xứ “Made in USA” là giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, việc này đã được TGĐ Công ty Thuận Phong Khiếu Mạnh Tường ký vào biên bản.
Sau ngày kiểm tra, Công ty Thuận Phong xuất trình bản Hợp đồng phân phối độc quyền BIO HUMA NETIS– THUẬN PHONG, gồm bản tiếng nước ngoài và bản tiếng Việt để chứng minh việc hợp tác này là có thật. Tuy nhiên, trong bản tiếng nước ngoài không có ngày tháng. Bản tiếng Việt không có công chứng, không có ngày tháng, ngày hiệu lực và không có chữ ký của hai bên. Nội dung Hợp đồng chỉ có điều khoản chỉ định nhà phân phối độc quyền là Công ty Thuận Phong được phân phối, trưng bày và bán các sản phẩm của BIO HUMA NETIS (Mục 4.2 của Hợp đồng). Nội dung này không có điều khoản về việc cho phép Thuận Phong được sang chiết, đóng chai và sử dụng vỏ chai, nhãn của Công ty Thuận Phong.
Ngoài ra, trong bản hợp đồng tiếng nước ngoài, thể hiện nội dung Thuận Phong được sang chiết, đóng gói phân bón chai 1 lít và 5 lít, ngày ký thỏa thuận trước ngày 24-4-2015 (nếu hợp đồng này có thật cũng vô giá trị - PV). Nhưng bản phụ lục biên bản lập tại hiện trường lại ghi rõ “Hàng hóa phân bón có xuất xứ “Made in USA” của Thuận Phong sản xuất thực tế từ ngày 01/01/2014 đến 26/4/2015”, tức hàng hóa đã tung ra thị trường trước đó gần 4 tháng khi hợp đồng này xuất hiện... Sản phẩm phân bón của Thuận Phong có nhãn gốc tiếng nước ngoài, nhãn phụ ghi rõ phân Mỹ nhập khẩu, trong khi chai phân bón do Thuận Phong sản xuất, căn cứ Nghị định 185 của Chính phủ, phân bón có nhãn như trên là hàng giả.
Về chất lượng phân bón mang nhãn “Made in USA” do Thuận Phong sản xuất, cơ quan chức năng kiểm nghiệm phát hiện 19/29 mẫu không đạt chất lượng. Bản thân Công ty Thuận Phong đã yêu cầu một đơn vị kiểm nghiệm độc lập, song kết quả kiểm nghiệm lần 2 còn kém hơn lần trước. Nhiều loại phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất và công bố sản phẩm phân vi lượng kẽm là 15.000 ppm, kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt 1.340 ppm. Theo quy định hiện hành, với kết qủa kiểm nghiệm này, phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất là hàng giả.
Chưa hết, tại Công văn số 1754 của Cục Trồng trọt còn kết luận Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ không được phép, cấp không đúng chức năng giấy chứng nhận hợp quy 35 loại phân bón cho Công ty Thuận Phong để làm phân bón và Thanh Tra của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có quyết định điều tra trung tâm này liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận hợp quy phân bón trong thời gian qua…
Hàng loạt những sai phạm từng bước được phanh phui. Vụ việc đã “dừng” lại quá lâu, đến nay chưa có kết luận cụ thể. Dư luận chờ câu trả lời từ phía ngành chức năng, để trả lại sự công bằng cho nông dân và người dân, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại về kinh tế và sức khỏe.