Vụ phân bón Thuận Phong có dấu hiệu giả mạo ở Đắk Lắk: Vẫn 'bình chân như vại'

Tuấn Anh - Minh Mạnh 22/12/2015 09:45

Mặc dù đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra kho hàng của văn phòng Công ty Thuận Phong và gần 2 tháng sau khi đoàn công tác Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm việc tại tỉnh này về vụ việc Công ty Thuận Phong có nhiều dấu hiệu giả mạo để sản xuất phân bón “Made in USA” trái phép. Thế nhưng đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có kết luận cuối cùng và có lẽ sự việc đang chìm vào im lặng. 

Vụ phân bón Thuận Phong có dấu hiệu giả mạo ở Đắk Lắk: Vẫn 'bình chân như vại'

Sản phẩm mẫu phân bón được trưng bày,
giới thiệu ở Văn phòng Công ty Thuận Phong tại Đắk Lắk.

Liên quan đến vụ việc Công ty Thuận Phong có nhiều dấu hiệu giả mạo để sản xuất phân bón “Made in USA” trái phép, ngày 9/10/2015, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã đến làm việc với giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần sản xuất & Thương mại Thuận Phong (tại địa chỉ số 66 Nguyễn Chí Thanh, TP Buôn Ma Thuột) và ban hành quyết định kiểm tra hoạt động thương mại của Công ty Thuận Phong.

Trong cuộc kiểm tra này, Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã kiểm kê được 66 mặt hàng, trong đó có 1.167 chai phân bón lá dung tích 1 lít nhãn hiệu Huma Gro in nhãn “made in USA”. Các chai phân bón này còn in lôgô chứng nhận phù hợp do Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) quản lý.

Cùng với đó các hàng hóa chất ngổn ngang trong kho, có những mặt hàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận có vi phạm các quy định về nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, về chỉ dẫn quyền sở hữu công nghiệp...

Ông Trần Nguyễn Đức, Phó Chi cục trưởng kiêm phụ trách công tác thanh tra của Chi cục Quản lý Thị trường Đắk Lắk cho biết: Kết quả làm việc ban đầu cho thấy, văn phòng đại diện này đã sai phạm về thủ tục hành chính, hoạt động thực tế không đúng theo giấy phép đã được cấp.

Cụ thể, từ tháng 8/2013 Công ty Thuận Phong được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cấp phép mở Văn phòng đại diện. Thế nhưng, trên địa điểm kho tập kết hàng hóa lại để bảng của công ty là “Chi nhánh”. Theo quy định Văn phòng thì không được kinh doanh, vậy nhưng Văn phòng đã kinh doanh như một chi nhánh nên rất có thể đây là hành vi trốn thuế. Hơn nữa, các chứng từ đều là phiếu vận chuyển nội bộ, thể hiện họ đã dùng chiêu thức này để qua mặt các cơ quan kiểm tra, nếu bị phát hiện vận chuyển trên đường.

Cũng theo ông Trần Nguyễn Đức, về hàng hóa, Chi cục đã nhận được công văn 3645 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị xử lý theo pháp luật các vi phạm của Công ty Thuận Phong, do Thứ trưởng Trần Việt Thanh ký ngày 30/9/2015 gửi Văn phòng Chính phủ, trong đó xác nhận một số mặt hàng do công ty này sản xuất là hàng giả, sai nhãn mác.

Trước những dấu hiệu sai phạm của Công ty Thuận Phong ở Đắk Lắk, ngày 28/10, đoàn công tác liên bộ do ông Hồ Quang Thái - Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) dẫn đầu đã vào làm việc tại TP Buôn Ma Thuột, nơi đặt văn phòng đại diện của công ty Thuận Phong. Kết luận tại các buổi làm việc với những bên liên quan, đại diện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã khẳng định, các nội dung trên nhãn về sản xuất theo “công nghệ Mỹ”, quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008 Quacert.

Tuy nhiên, theo Công văn số 1846/Quacert ngày 30/10/2015, thì Quacert không cấp chứng nhận cho Công ty Thuận Phong. Như vậy, công ty Thuận Phong đã giả mạo chứng nhận quản lý chất lượng của Quacert.

Đoàn công tác liên ngành Ban chỉ đạo 389 quốc gia sau khi làm việc tại Đắk Lắk đã có ý kiến đề nghị nên niêm phong kho hàng, xem xét làm rõ hành vi kinh doanh tại Văn phòng của Công ty Thuận Phong ở TP Buôn Ma Thuột, trong trường hợp này cần thiết phải lấy mẫu để thử nghiệm. Yêu cầu Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk báo cáo UBND tỉnh lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra làm rõ các vấn đề như: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về thuế; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, nội dung ghi trên nhãn mác, hóa đơn chứng từ, các hồ sơ liên quan.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của tỉnh khi kiểm tra các đơn vị trên địa bàn và nếu phát hiện vi phạm thì xử lý theo quy định (không chờ xử lý ở Đồng Nai). Vậy nhưng, đã hơn 2 tháng kể từ ngày Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra kho hàng của văn phòng Công ty Thuận Phong và gần 2 tháng sau khi đoàn công tác Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm việc tại đây thì các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc.

Ngày 18/12, phóng viên chúng tôi đã liên hệ với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh để tìm hiểu về kết quả điều tra thì đơn vị này cho biết “chưa được phép” nên chưa dám cung cấp thông tin. Chiều cùng ngày, phóng viên đã liên hệ để ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk chỉ đạo cho Chi cục trả lời báo chí thì được biết, mẫu thử nghiệm đã đưa đi xét nghiệm và đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức, còn người trực tiếp tham gia vụ việc Công ty Thuận Phong ở Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã đi... công tác.

Thiết nghĩ, sau khi phát hiện ra sai phạm của Công ty Thuận Phong trên địa bàn, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần lập hồ sơ, điều tra vụ án độc lập và xử lý nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Văn phòng Chính phủ ngày 2/12 liên quan xử lý vi phạm các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... chứ không thể để sự việc chìm đi trong sự im lặng khó hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ phân bón Thuận Phong có dấu hiệu giả mạo ở Đắk Lắk: Vẫn 'bình chân như vại'