Đến thời điểm này, cơ chế tài chính về việc trung chuyển nước cấp cho Formosa giữa 2 doanh nghiệp (DN) là Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (viết tắt là Cty Nam Hà Tĩnh) và Cty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (viết tắt là Cty PT Vũng Áng) vẫn chưa có hồi kết.
Theo lý giải của cơ quan chức năng sở tại, nguyên nhân là “do UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo chung chung” và “một số chi phí chưa có cơ sở pháp lý để xác định”…!
Một hạng mục đang thi công tại đập Rào Trổ thuộc Dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng.
Ngày 24/4 và ngày 4/5/2020 báo Đại Đoàn Kết có 2 bài viết phản ánh về việc Cty PT Vũng Áng (Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn chiếm 92% cổ phần) chây ì thực hiện cơ chế tài chính khi sử dụng công trình nhà nước là hồ Thượng Sông Trí (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để trung chuyển nước cho Formosa, thu về hàng trăm tỷ đồng/năm. Mặc dù đã quá hạn UBND tỉnh giao (hoàn thành trong tháng 5/2018) và qua nhiều lần họp bàn, đưa ra phương án, nhưng giữa đơn vị vận hành hồ Thượng Sông Trí là Cty Nam Hà Tĩnh và Tập đoàn Hoành Sơn vẫn chưa có tiếng nói chung.
Nguyên nhân của việc chậm trễ này, theo đại diện Sở Tài chính Hà Tĩnh là do văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh giao chung chung, quá trừu tượng nên hai bên không thống nhất được. Vì vậy, Sở Tài chính đã đề xuất với UBND tỉnh và đầu năm 2020 UBND tỉnh Hà Tĩnh giao lại cụ thể hơn và hai DN đang tiếp tục thực hiện dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc của Sở Tài chính. Ngoài ra, nguyên nhân còn do một số chi phí do Cty Nam Hà Tĩnh đưa ra không có căn cứ pháp lý cụ thể. Trường hợp hai bên không thống nhất được sẽ trình xin ý kiến của Tổng cục Thủy lợi, Bộ NNPTNT.
Khi được hỏi về trách nhiệm của Sở Tài chính Hà Tĩnh khi để DN chậm trễ thực hiện cơ chế tài chính đến 2 năm, đại diện Sở Tài chính khẳng định: “Chúng tôi làm đúng thủ tục, trình tự quy định”.
Sở Tài chính Hà Tĩnh cũng khẳng định, việc Tập đoàn Hoành Sơn chây ì đóng phí khi sử dụng hồ Thượng Sông Trí để trung chuyển nước cấp cho Formosa “không thất thoát vốn và tài sản nhà nước”…!. Lý giải việc này, ông Nguyễn Tân Mỹ - Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: Năm 2019, Tập đoàn Hoành Sơn đã cho Cty Nam Hà Tĩnh ứng trước 2 tỷ đồng, sau khi 2 bên thỏa thuận và thống nhất cơ chế tài chính, Tập đoàn Hoành Sơn sẽ thanh toán phần còn lại, vì thế không thể nói là thất thoát ngân sách được.
Cũng theo ông Mỹ, mặc dù hồ Thượng Sông Trí là tài sản nhà nước, giao cho Cty Nam Hà Tĩnh vận hành, quản lý và đây là DN 100% vốn nhà nước, nhưng chi phí trung chuyển nước cấp cho Formosa là chi phí hoạt động của DN chứ không phải ngân sách. Nếu nói như vị Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp thì khoản chi phí này Cty Nam Hà Tĩnh không phải kê khai thuế?
Quay trở lại dự án đội vốn hơn 2.500 tỷ đồng - Dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng - của Cty PT Vũng Áng. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 4.415 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước không quá 1.269 tỷ đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa không quá 819 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 450 tỷ đồng. Tính đến ngày 13/4/2020, nguồn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án là 923,047 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương 454 tỷ đồng, ngân sách địa phương 323,047 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây lắp các hạng mục là 390 tỷ đồng (đạt 100%), hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng 533,047 tỷ đồng (đạt 60,6%).
Ông Trần Viết Hậu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Ngoài khoản ngân sách nói trên, chủ đầu tư của Dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng còn được tạm ứng 50 triệu USD từ Formosa. Số tiền này trước đây do UBND tỉnh Hà Tĩnh tạm ứng để phục vụ cho dự án, hiện nay đã chuyển chủ tạm ứng sang cho chủ đầu tư là Cty PT Vũng Áng. Vì thế, UBND tỉnh không còn liên quan gì đến khoản tiền này mà Cty PT Vũng Áng trực tiếp trừ vào tiền cấp nước cho Formosa. “Đối với khoản vay hỗ trợ lãi suất 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh, chủ đầu tư Dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng trực tiếp làm việc với ngân hàng chứ không liên quan đến HĐND hay UBND tỉnh” – ông Hậu cho biết thêm.
Cũng theo ông Hậu, hiện nay Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cty PT Vũng Áng rà soát, điều chỉnh lại tổng mức đầu tư cho phù hợp với nhu cầu sử dụng nước của Formosa và các DN tại khu kinh tế Vũng Áng. Đây cũng là yêu cầu của Thanh tra Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước. “Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư sẽ tính toán lại ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với dự án” – ông Hậu cho biết thêm.