Ngày 28/5, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (nay là CB Bank), đại diện Viện KSND, giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày một loạt quan điểm đối đáp bác bỏ các bào chữa của một số luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn…
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Phúc.
Theo đó, đại diện cơ quan công tố đã bác bỏ toàn bộ hơn 70 quan điểm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo Hứa Thị Phấn, Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ,...trong suốt nhiều ngày diễn ra tranh tụng.
Đối với các phần bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, đại diện VKSND cho rằng quá trình định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Q.1,TP HCM) là chưa có căn cứ đảm bảo tính khách quan.
Hội đồng định giá đã cho biết, tại thời điểm định giá, giá giao dịch biến động không nhiều, cũng không có tài sản nào có giá trị tương tự để so sánh. Do đó, Hội đồng đã sử dụng phương pháp phù hợp nhất để định giá căn nhà này. Và, các căn cứ và câu hỏi các luật sư đặt nghi vấn là chưa có cơ sở xem xét.
Về việc đặt các yếu tố cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo đại diện VKSND là phù hợp, chứ không phải chưa thỏa mãn được các yếu tố cấu thành tội danh như quan điểm của các luật sư bào chữa.
Cụ thể, các luật sư chỉ nêu ra 3 hành vi khách quan dẫn đến cấu thành tội trên là: vay, mượn, thuê tài sản của người khác, nhưng đại diện cơ quan công tố cho rằng còn yếu tố “hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng” để cấu thành nên tội danh nêu trên.
Dẫn chứng trường hợp bị cáo Hứa Thị Phấn nhận 1.260 tỉ đồng của TrustBank bằng hình thức hợp đồng chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Nhưng, bị cáo Phấn đã tự nâng khống giá trị căn nhà này lên gấp 8 lần tức là hành vi “dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản”. Do đó, cáo trạng truy tố bị cáo Phấn cùng đồng phạm về “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là có cơ sở.
Đại diện VKSND cũng trình bày đối đáp về bào chữa của các luật sư liên quan đến việc Công ty Phương Trang nhận nợ hơn 9.000 tỉ đồng của TrustBank, không phải là 3.946 tỉ đồng như kết luận nêu trong cáo trạng. Thế nhưng, cơ quan này cho rằng các lập luận bào chữa đã không chú ý hoặc bỏ qua các căn cứ chứng minh hành vi cố ý làm trái,... được nêu trong cáo trạng, cũng như diễn biến tại các phiên tòa trước đó.
Ngoài ra, việc chứng minh về số tiền thực nhận của Công ty Phương Trang chỉ là hơn 3.946 tỉ đồng, đại diện cơ quan công tố cho biết, đã thực hiện phương pháp truy ngược dòng tiền để chứng minh từng khoản thu chi, cấn trừ dựa trên phiếu thu, phiếu chi, bảng kê thanh toán, ủy nhiệm chi khống. Và, kết quả cho thấy không có việc giải ngân thật. Diễn biến tại phiên tòa, các bị cáo cũng thừa nhận hành vi phạm tội trong việc thu chi khống và cấn trừ.
Trước đó, đại diện cơ quan công tố đã trình bày quan điểm luận tội các bị cáo, trong đó cho rằng có đủ cơ sở kết luận về các hành vi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm như cáo trạng đã nêu.
Theo đó, đại diện cơ quan công tố đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Hứa Thị Phấn 30 năm tù về các tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; bà Bùi Thị Kim Loan (thư ký của bà Hứa Thị Phấn) bị đề nghị mức án 28 - 30 năm tù giam; Các bị cáo Ngô Kim Huệ, Ngô Thị Ngân bị đề nghị từ 10 - 12 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 3 - 8 năm tù giam.