Báo Đại Đoàn Kết số 142 (ra ngày 22/5) có bài “Voọc chà vá chân nâu bị đe dọa”, phản ánh việc dây bìm leo (nguồn thức ăn chủ yếu của voọc chà vá chân nâu) ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị tiêm hóa chất trừ cỏ.
Sáng 25/5 tại Hạt Kiểm lâm Liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã diễn ra buổi làm việc giữa đại diện Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng với PV báo Đại Đoàn Kết.
Voọc chà vá chân nâu đang ăn lá dây bìm leo ở Sơn Trà Ảnh: Dương Thanh Tùng.
Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Mạnh- Phó trưởng Bộ môn An toàn và Đa dạng sinh học Viện Môi trường nông nghiệp- đơn vị trực tiếp thực hiện đề tài diệt dây bìm leo (thực vật ngoại lai xâm hại) ở Sơn Trà bằng hóa chất, đưa ra các số liệu về 2 loại hóa chất diệt cỏ đang được tiêm vào dây bìm leo ở Sơn Trà là Glyphosate và Metsulfuron – methyl và cho biết 2 loại hóa chất này được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và an toàn đối với thực vật.
Tuy nhiên, trong bài viết “Voọc chà vá chân nâu bị đe dọa”, PV đã đưa ra những thông tin đáng quan ngại về hoạt chất Glyphosate. Hoạt chất này bị nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan cấm sử dụng vì là tác nhân gây ung thư cho người và động vật.
Nhiều quốc gia khác phản đối sử dụng glyphosate vì gây ra các bệnh nguy hiểm đối với thận, hoặc dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ, bệnh đường tiêu hóa, Parkinson, đặc biệt là tổn thương dây thần kinh và ung thư.
Bài viết cũng nêu ý kiến của chuyên gia linh trưởng Vũ Ngọc Thành (ĐHQG Hà Nội) người nhiều năm nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà. Ông Thành cảnh báo, trong khi cuộc tranh cãi về độc tố của hoạt chất diệt cỏ Glyphosate trên thế giới chưa có hồi kết, cần cẩn trọng trong sử dụng hoạt chất này.
Tốt nhất là nên dừng việc thực nghiệm này tại Sơn Trà vì không có gì đảm bảo cho tương lai của loài Vọoc chà vá chân nâu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao ở Sơn Trà khi ăn phải thân và lá bìm leo có tồn dư chất diệt cỏ.
Chất diệt cỏ thẩm thấu vào đất đai, cây cỏ sau chiến tranh đã để lại di chứng nặng nề với con người qua nhiều thế hệ, ai có thể nói rằng chất diệt cỏ Glyphosate bơm vào dây bìm không gây tổn hại đến tương lai của voọc chà vá chân nâu? Chuyên gia Vũ Ngọc Thành cũng đồng thời cảnh báo về việc thẩm thấu hóa chất ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của gần 1/3 dân cư TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Huy Mạnh khẳng định, hóa chất vào dây bìm leo trên diện tích vài ngàn m2 năm 2016 và 10 ha năm 2017 ở Sơn Trà đạt 100% không tái sinh. Tuy nhiên vấn đề dư luận quan tâm không hoàn toàn nằm ở hiệu quả của hóa chất diệt dây bìm leo cũng như các loài thực vật khác mà hóa chất này ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với các loài động vật – đặc biệt là với loài voọc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm ở Sơn Trà.
Trả lời câu hỏi liên quan đến số phận voọc chà vá chân nâu trước mối nguy hại từ hóa chất diệt cỏ trên thức ăn của chúng; ông Nguyễn Huy Mạnh thừa nhận: “Chúng tôi không nghiên cứu về động vật nên không biết voọc chà vá chân nâu ăn lá cây gì. Đề tài (tiêm hóa chất diệt dây bìm ở Sơn Trà) không có đánh giá tác động đến động vật là voọc chà vá chân nâu!”
Ý kiến không thuyết phục từ người đại diện Viện Môi trường nông nghiệp tại buổi làm việc đã buộc ông Trần Viết Phương- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng bức xúc.
Ông Trần Viết Phương nhấn mạnh, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài diệt dây bìm bằng hóa chất của Viện Môi trường nông nghiệp phải có báo cáo ngay với UBND TP Đà Nẵng cụ thể và đầy đủ về đề tài này, đặc biệt là hóa chất sử dụng tác động như thế nào đối với loài voọc chà vá chân nâu.
Báo cáo phải minh bạch, rõ ràng nếu có gì “không ổn” thì nên cân nhắc, không nhất thiết phải cố - ông Phương nói. Ông Mạnh cam kết nhóm nghiên cứu sẽ có báo cáo gửi UBND TP trong 15 đến 20 ngày tới.
Có bao nhiêu cá thể voọc chà vá chân nâu? Liên quan đến việc ngày 22/5, Trung tâm bảo tồn Đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet) công bố Sơn Trà hiện có 1.335 cá thể/237 đàn voọc chà vá chân nâu, tại buổi làm việc với PV, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, TP Đà Nẵng Trần Viết Phương khẳng định đây là con số chỉ có thể dùng để tham khảo. Theo lời ông Phương, trước khi vào rừng thực hiện đề tài điều tra số lượng cá thể bầy đàn voọc chà vá chân nâu; họ (tổ chức GreenViet) có báo với Hạt Kiểm lâm Liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng. Tuy nhiên sau đúng 1 tháng 2 ngày vào rừng, họ tự tổ chức buổi hội thảo công bố Sơn Trà có 1.335 cá thể voọc chà vá chân nâu với tổng số 237. Buổi hội thảo công bố số lượng, bầy đàn voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà ngày 22/5 được ông Trần Viết Phương khẳng định là không tuân thủ quy định khi thực hiện đề tài nghiên cứu. “Kết quả điều tra, khảo sát trong rừng trước khi công bố phải qua các bước lập hội đồng, hội thảo khoa học, tham vấn ý kiến nhưng tổ chức GreenViet đã không qua các bước này. Tổ chức GreenViet báo với tôi con số lúc đầu là 442 cá thể nhưng không hiểu họ tính hệ số kiểu gì mà con số ấy được nâng lên đến 1.355 con với 237 bầy đàn”- ông Phương nói. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, tới đây sẽ báo cáo UBND TP thực hiện đề tài điều tra độc lập về voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà. |