Dấu ấn đậm nét trong công tác tham mưu của Vụ Tổng hợp được thể hiện rõ qua chất lượng xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm ngày càng được nâng cao.
Trong suốt nhiều năm qua, Vụ Tổng hợp - Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn giữ vững vai trò đơn vị tham mưu chủ lực của KTNN, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý ngày càng hiệu quả hoạt động kiểm toán của toàn Ngành…
Tích cực tham mưu nâng cao chất lượng kiểm toán
Có thể thấy, dấu ấn đậm nét trong công tác tham mưu của Vụ Tổng hợp được thể hiện rõ qua chất lượng xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác xây dựng KHKT đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai. Các quy định về lập, thẩm định và ban hành KHKT năm và trung hạn đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở cho việc lập KHKT của các đơn vị đi vào nền nếp, trong đó Vụ Tổng hợp giữ vai trò điều phối, phối hợp trong xây dựng KHKT của toàn Ngành - đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp chia sẻ. Nhờ đó, KHKT của KTNN cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, bám sát tình hình thực tế, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và phù hợp với nguồn lực hiện có của KTNN, đồng thời tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Dấu ấn nổi bật nữa của Vụ Tổng hợp được thể hiện qua công tác chủ trì tổng hợp kết quả kiểm toán, chuẩn bị ý kiến của KTNN tham gia về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) ngày càng chất lượng. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm, Vụ Tổng hợp đã chủ trì kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN; tổ chức tổng hợp kết quả kiểm toán năm của KTNN làm căn cứ lập Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm và Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành, gửi Đại biểu Quốc hội và trình bày trước Quốc hội. Các báo cáo tập trung làm rõ nhiều vấn đề vĩ mô về quản lý, điều hành NSNN, được các đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao và xem đây là căn cứ quan trọng để Quốc hội biểu quyết thông qua dự toán và quyết toán NSNN năm.
Theo đánh giá của lãnh đạo Vụ Tổng hợp, quyết toán NSNN là khâu cuối cùng trong một chu trình ngân sách nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện ngân sách cũng như chính sách tài khóa năm đã qua. Quốc hội khi xem xét phê chuẩn Báo cáo quyết toán NSNN không chỉ xem xét về số liệu quyết toán mà còn xem xét việc tuân thủ pháp luật trong thực hiện ngân sách và đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của các khoản thu, chi ngân sách cũng như các chính sách trong năm ngân sách. Thông qua đó, giúp các cấp có thẩm quyền hoàn chỉnh cơ chế, chính sách còn bất cập, kịp thời xử lý các sai phạm gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.
Chất lượng các báo cáo thẩm định KHKT, báo cáo kiểm toán luôn được Vụ Tổng hợp đảm bảo đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo KTNN. Thông qua công tác này, Vụ Tổng hợp đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, gia tăng giá trị báo cáo kiểm toán; đồng thời giúp lãnh đạo KTNN có cơ sở để quản lý, đánh giá chất lượng kết quả kiểm toán của các đơn vị, kịp thời điều hành, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán.
Tổng hợp kết quả kiểm toán ngày càng sắc nét
Chất lượng Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm ngày càng được nâng cao, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán với các đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán ngày càng sắc nét cũng đã đáp ứng yêu cầu là căn cứ để Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định, giám sát, quản lý việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu lớn của đất nước và các địa phương. Riêng trong nhiệm kỳ 2016-2021, thông qua công tác tổng hợp kết quả kiểm toán, Vụ Tổng hợp cho biết, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản (trong đó nhiều kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất, quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa...) đã góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong tiến trình phát triển của đất nước.
Việc công khai kết quả kiểm toán cũng được Vụ Tổng hợp phối hợp thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định với nhiều hình thức (công khai trên trang thông tin điện tử của KTNN, Báo kiểm toán, gửi một số báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán đến đại biểu Quốc hội một số kỳ họp, số hóa báo cáo kiểm toán của KTNN để cung cấp đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội theo hình thức điện tử…). Đồng thời, công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được quan tâm đúng mực, đã thực hiện theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán qua phần mềm để thúc đẩy việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, qua đó giúp nâng cao giá trị, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh đó, Vụ Tổng hợp còn thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời các nội dung khiếu nại, kiến nghị, vướng mắc về kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán; tham mưu trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra giám sát và thực hiện tố tụng; đầu mối thực hiện thủ tục chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời còn là đầu mối tham mưu giúp việc đắc lực cho Tổng Kiểm toán nhà nước - thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán.