Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhận định, thai nhi của sản phụ Nguyễn Thị Tình đã chết lưu 2-3 ngày, trong khi báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế lại là trên 7 ngày…
Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, nơi xảy ra vụ việc.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế về việc cháu bé con sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi, trú xã Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), thời điểm đang đỡ đẻ tim thai âm tính.
“Lúc 18h35 phút ngày 30/6/2019: Tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầu nhưng thế không xoay; ngay sau đó báo cáo trực lãnh đạo và bác sĩ chuyên khoa sản trực thường trú đến xử trí”, trích báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh.
Phản ứng về chi tiết này, ông Phạm Hồng Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ khẳng định: “Lúc đó không thể kịp nghe tim thai nữa, các hộ sinh kéo không được mới mời bác sĩ Đức lên. Còn tim thai thì chỉ có hộ sinh Hoàng Thị Trinh nghe trước đó 3 lần, còn sau đó lo mà đỡ đẻ chứ ai lại đi nghe tim thai làm gì nữa”.
Cũng theo ông Cường, thời điểm bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa sản của bệnh viện đến kéo đầu trẻ ra thì bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền (bác sỹ khoa Răng – Hàm – Mặt được cử trực khoa Sản) cũng không biết trẻ đã chết, mà chỉ lấy tay cầm đầu trẻ kéo ra thì đầu của trẻ sơ sinh bị đứt rời. Sau đó bác sĩ Đức đã khâu cổ trẻ lại.
Trước đó, quá trình thăm khám, nữ hộ sinh Hoàng Thị Trinh nghe tim thai 3 lần. Lần đầu vào 9h39 phút (ngày 30/6), lần thứ 2 vào 12h trưa và lần thứ 3 vào 15h cùng ngày. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118 – 130 lần/phút.
Sự bất nhất giữa Sở Y tế Hà Tĩnh và Bệnh viện Đức Thọ còn thể hiện ở chỗ nhận định thai nhi chết lưu. Theo báo cáo của Sở Y tế do ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ký khẳng định: “Tình trạng thai nhi sau khi sổ: Da đầu bị bong trợt; da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày”.
3 người trong kíp trực đã bị đình chỉ, riêng bác sĩ Nguyễn Minh Đức (bên phải) vẫn đi làm bình thường.
Còn ông Phạm Hồng Cường cho rằng thai nhi chết lưu khoảng 2-3 ngày trước khi lên bàn đẻ. “Thực tế tôi cũng không rõ. Theo kinh nghiệm của tôi làm thì thai này cũng phải chết từ 2 đến 3 ngày. Còn việc vì sao báo cáo gửi Bộ lại bảo thai chết lưu trên 7 ngày nên hỏi lại Sở”, ông Cường nói.
Ngoài ra, trong báo cáo của Sở có nội dung: “Sản phụ được chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu, (kết quả xét nghiệm: HC: 3,98 T/L; BC: 10,8 G/L; các chỉ số khác về huyết học và nước tiểu trong giới hạn bình thường); theo dõi tim thai và cơn co tử cung”.
Ông Phạm Hồng Cường cho hay, chính bác sĩ Quyền chỉ định sản phụ thực hiện xét nghiệm máu, tổng hợp phân tích nước tiểu, theo dõi tim thai và cơn co tử cung. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Quyền lại chối bỏ và cho rằng mình không chỉ định các xét nghiệm nói trên.
“Chỉ định xét nghiệm là nữ hộ sinh làm theo các thường quy, còn tôi chỉ viết theo vậy thôi. Bên chuyên ngành sản, nữ hộ sinh họ chỉ định, tôi viết cho họ thôi chứ tôi không làm”, ông Quyền nói.
Về ý kiến trên, ông Phạm Hồng Cường cho biết: “Tất cả các chỉ định lâm sàng, cận lâm sàng chỉ có bác sĩ chỉ định, còn nữ hộ sinh không được làm. Còn với anh Quyền thì cấp trên sẽ có ý kiến với anh Quyền, còn bọn tôi không dám”.
Liên quan đến kíp đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Tình, Bệnh viện đa khoa Đức Thọ đã đình công tác chỉ 2 nữ hộ sinh và mới đây đình chỉ thêm bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền (chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt trực khối khoa Sản). Riêng bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, người trực tiếp kéo đứt lìa cổ trẻ sơ sinh vẫn đang đi làm bình thường.