Vụ ‘tử tù mang thai’: Xử lý cá nhân liên quan ra sao?

Dương Tiêu (thực hiện) 18/02/2016 11:31

Đại Đoàn Kết Online trao đổi với luật sư Nguyễn Danh Huế, chuyên gia pháp lý về những vấn đề liên quan xung quanh vụ “tử tù có thai”: Quy trình “thoát án tử”; điều tra ai là người “cho tinh trùng”; xử lý cán bộ liên quan…

Luật sư Nguyễn Danh Huế. Ảnh: nguoiduatin.vn.

Như Đại Đoàn Kết Online đã đưa tin, ngày 6/1/2016, qua công tác quản lý giam giữ, Trại tạm giam, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi, đăng ký HKTT tại số nhà 193, khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) bị tuyên án tử hình theo bản án số 315 ngày 19/6/2014 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao có biểu hiện khác thường. Qua kiểm tra y tế xác định, Nguyễn Thị Huệ có thai khoảng 4 đến 5 tháng tuổi.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Thị Huệ đã tìm cách làm quen và nhờ phạm nhân nam có tên Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1989- đang chấp hành án phạt tù về tội trộm cắp tài sản) giúp đưa tinh trùng vào cho Huệ để Huệ tự bơm tinh trùng vào cơ thể.

Quy trình “thoát án tử”

Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết, bụ việc này xảy ra cho thấy việc quản lý trại giam, giam giữ tử tù chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, luật sư Huế cũng khẳng định: Các cá nhân có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, tử tù Huệ đã lợi dụng quy định mang tính nhân đạo của Pháp luật hình sự để thoát án tử hình.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 35 BLHS 1999 thì khi xét xử không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng.

Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Với quy định trên của pháp luật thì bị cáo Huệ thoát án tử là điều đương nhiên. Theo đó, bị cáo Huệ sẽ không phải thi hành hình phạt tử hình mà được chuyển xuống chung thân.

Trả lời câu hỏi của Đại Đoàn Kết Online về quy trình “thoát án tử” của tử tù Nguyễn Thị Huệ, luật sư Huế cho biết, không thể diễn ra phiên tòa tái thẩm như một số ý kiến. “Việc tử tù Huệ có thai không phải tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án mà chỉ là tình tiết mới nảy sinh trong quá trình chờ thi hành án. Thực ra, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể điều chỉnh tình huống này”.

Theo luật sư Huế, đối với trường hợp này, cơ quan thi hành án hình sự cần có văn bản báo cáo Chủ tịch nước ân xá, giảm án từ tử hình xuống chung thân cho bị án Nguyễn Thị Huệ.

Không thể cưỡng chế giám định

Về việc điều tra hành vi “cho tinh trùng”, luật sư Nguyễn Danh Huế cho hay, chưa có quy định về cưỡng chế để xác định ADN trong việc “tìm cha của đứa bé trong bụng tử tù”.

Tuy nhiên, “Cơ quan điều tra có thể thông qua các chứng cứ khác để kết luận ai là người “cho tinh trùng” chứ không nhất thiết phải giám định AND”, luật sư Huế nói. Hành vi “cho tinh trùng” theo luật sư Huế chỉ bị xử lý hành chính chứ không bị xử lý hình sự.

Hành vi mua bán tinh trùng sẽ bị xử lý theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, xử phạt theo điểm a, khoản 2, Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP “Vi phạm quy định về sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản”: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật…

Xử lý cán bộ nếu có vi phạm

Đối với băn khoăn của dư luận về sự tiếp tay của cán bộ làm công tác giam giữ, luật sư Nguyễn Danh Huế khẳng định, quy trình giam giữ tử tù rất chặt chẽ. Một mặt, việc giam giữ chặt chẽ nhằm tránh tử tù tự tử trong khu giam cũng như có những hành vi gây hại cho người giam giữ hoặc các phạm nhân khác.

Trước câu hỏi của chúng tôi về việc xử lý nếu phát hiện cá nhân có thẩm quyền trong công tác giam giữ để xảy ra vụ “tử tù có thai”, luật sư Nguyễn Danh Huế tỏ ra thận trọng khi cho biết, phải chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, vị luật sư này cũng nêu 2 khả năng.

Thứ nhất, cán bộ quản giáo do thương hoàn cảnh của nữ tử tù mà tạo điều kiện cho Nguyễn Thị Huệ mang thai. Trong trường hợp này, có thể (luật sư nhấn mạnh) cán bộ này bị xử lý về tội cản trở thi hành án theo Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trong trường hợp có dấu hiệu tư lợi, cán bộ liên quan có thể bị xử lý về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ (quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999). Tuy nhiên, luật sư Huế cho hay, đây là giả định về mặt pháp lý, kết luận của vụ việc phải chờ cơ quan điều tra.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc nữ tử tù mang thai. Trước đó, tháng 9/2006, cơ quan chức năng phát hiện tử tù Nguyễn Thị Oanh (ở H.Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) mang thai 11 tuần tuổi, dù Oanh bị biệt giam từ cuối năm 2004, đến ngày 20/12/2005 bị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên án tử hình vì buôn bán trái phép 20 bánh heroin.

Sau đó, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, bắt 2 nguyên cán bộ trại tạm giam thuộc Công an tỉnh là Nguyễn Thuyên và Bùi Văn Quyết. Cơ quan công an làm rõ, Thuyên và Quyết đã nhiều lần để cho Nguyễn Trường Thiên (40 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đang chấp hành hình phạt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào phòng biệt giam của Oanh. Từ đó 2 phạm nhân này đã thông đồng với nhau để làm cho Oanh có thai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ ‘tử tù mang thai’: Xử lý cá nhân liên quan ra sao?