Ngày 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Nhiều ý kiến cho rằng cần chỉ rõ địa chỉ bộ, ngành địa phương để xảy ra lãng phí.
Cần xử lý nghiêm hành vi gây thất thoát lãng phí
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 Chính phủ đã nêu trong báo cáo và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra. Đồng thời, đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó lưu ý các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chỉ rõ: “Còn xảy ra vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã làm thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho hay, năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế-xã hội, gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.
“Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước khi dịch Covid-19 bùng phát để trục lợi, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, lãng phí nguồn lực xã hội” - bà Chinh nói và cho biết thêm, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị Chính phủ tăng cường các giải pháp phòng ngừa, bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Phải chấm dứt việc sử dụng tài sản công chưa hiệu quả
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc quản lý sử dụng tài sản công còn thiếu văn bản quy định chi tiết. Còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu, mua sắm tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị. Nhiều dự án giao kế hoạch nhưng chưa được triển khai thực hiện, tỷ lệ giải ngân chậm và còn nhiều hạn chế.
Đề nghị “phải chấm dứt việc sử dụng tài sản công chưa hiệu quả”, bà Thanh đã dẫn chứng việc sử dụng đất tài nguyên còn lãng phí. Điển hình như thu hồi đất mà không sử dụng, chủ đầu tư chuyển nhượng qua nhiều lần để hưởng chênh lệch từ đó khiến dự án treo. Có dự án đã chuyển 2-3 lần nhà đầu tư nhưng không thực hiện được. Cho nên cần thanh tra kiểm tra và kiểm toán tránh việc lợi dụng chính sách, như trong công tác phòng, chống dịch vừa qua”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong năm 2022 phải xác định tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn gây lãng phí nhiều. Đơn cử như vấn đề xây dựng cơ bản. “Lãng phí lớn nhất nằm ở việc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, cầu đường” - ông Mẫn cho hay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng mua sắm vật tư, thiết bị, phòng, chống dịch, Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ cũng có Nghị quyết nhưng vì sao nhiều nơi không dám mua. Thực trạng đó là ách tắc, lãng phí. Có tiền, bố trí dự toán rồi nhưng không mua được. Nhưng ngược lại có đơn vị mua lại sai phạm. Điển hình nhất là vụ Việt Á. Đây là vấn đề cần phải nêu thẳng trong báo cáo thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Trước vấn đề Chủ tịch Quốc hội đặt ra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, trong đó có giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch. Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Dự kiến trong tháng 5, sẽ báo cáo Chính phủ về chuyên đề này.
“Sơ bộ bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm, sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19. Kết quả chính thức sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2022” - ông Bảy cho hay.
Xử lý người đứng đầu để xảy ra lãng phí
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh đề nghị, tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; chú trọng thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực có nhiều nguy cơ phát sinh thất thoát, lãng phí. Đẩy mạnh công tác xử lý sau thanh tra, nhất là thu hồi tài sản bị thất thoát, lãng phí. Nghiêm túc xử lý, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị và cá nhân có hành vi vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.