Vụ “Xe buýt đứng bánh”, dân “đứng đường”ở Quảng Nam: Chưa có hồi kết

Tấn Thành 05/11/2015 10:00

Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh việc toàn bộ 11 xe buýt tuyến Tam Kỳ-Hiệp Đức (Quảng Nam) đã phải tạm ngưng hoạt động, nguyên nhân do không được Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam (Cty HTQN) cấp phép xuất bến và người dân cũng không được thông báo nên dẫn đến bức xúc.

Buổi làm việc của Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam
với các cơ quan báo chí.

Bất đồng và hành dân

Liên quan đến vụ việc này, trước đây Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài phản ánh về tình hình hoạt động xe buýt ở Quảng Nam, trong đó có bài “Quảng Nam: Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải xe buýt công cộng” (số ra ngày 2/8), phản ánh vụ việc Công ty CP Giao thông Vận tải Quảng Nam (CTY CP GTVT) do đầu tư các tuyến xe buýt miền núi và làm ăn thua lỗ nên không trả nợ đúng hạn đối với vốn vay của Quỹ đầu tư Quảng Nam về dự án 27 xe buýt.

Đơn vị này nộp đơn cầu cứu các cơ quan chức năng, xin có lộ trình trả nợ, vì muốn các tuyến xe buýt miền núi tiếp tục được vận hành, cũng như mong muốn gần 100 người lao động liên quan đến số xe nói trên. Cùng với đó là quyền lợi tiền đặt cọc và nhiều vấn đề liên quan khác.

Thế nhưng, Quỹ đầu tư Quảng Nam vẫn quyết định thu hồi số xe dự án từ vốn vay của quỹ này. Cụ thể, đại diện của UBND tỉnh tại cuộc họp các bên gồm đại diện UBND tỉnh, Sở GTVT, CTY CP GTVT và Quỹ đầu tư Quảng Nam cho biết: Quỹ đầu tư cho rằng, nếu đem rao bán đấu giá không có ai mua 27 xe nói trên.

Đơn vị trực thuộc quỹ này sẽ mua và tiếp tục duy trì các tuyến xe buýt công cộng mà CTY CP GTVT đã hoạt động xưa nay để bảo đảm các tuyến xe buýt công cộng và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Và sau đó Quỹ đầu tư đã thu hồi toàn bộ 27 xe, trong đó có 11 xe “đứng bánh” nói trên.

Sự việc cho thấy, việc đổi chủ này bước đầu đã dẫn đến… bất đồng và hành dân. Vì như Đại Đoàn Kết đã phản ánh: “Xe buýt “đứng bánh”, dân “đứng đường” và đã xảy ra sự việc không thống nhất giữa chủ xe và các lái xe. Nhiều người dân làm ăn sinh sống, đi lại trên tuyến đường Tam Kỳ-Hiệp Đức bằng xe buýt đã vô cùng bức xúc, vì xe “đứng bánh” nhưng họ không được thông báo. Còn các lái xe cho rằng, những mức phí mà Cty HTQN (chủ quản lý xe), đưa ra không hợp lý, quá sức của họ và sự “đàm phán” này chưa có kết quả.

Bao giờ mới có hồi kết?

Chiều 3/11, trao đổi với báo chí về việc tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức bị “đứng bánh”, ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Cty HTQN cho biết, sau khi mua lại 11 xe buýt tuyến Tam Kỳ-Hiệp Đức, công ty tiếp tục ký hợp đồng với các lao động cũ để việc làm của họ không bị ảnh hưởng.

Công ty cũng đã cử người đi khảo sát tuyến xe này thì thấy nhiều bất cập như an toàn kỹ thuật xe không đảm bảo, tài xế hút thuốc, chở hàng cồng kềnh, có lời nói xúc phạm hành khách,… nên công ty đã tiến hành họp và yêu cầu chủ quản lý xe phải sửa lại xe cũng như phải thay đổi tác phong phục vụ để phục vụ hành khách tốt hơn.

Còn việc nâng mức khoán, theo ông Hạnh: “Với mức khoán cũ mỗi xe là 400 ngàn đồng/ngày, thì mỗi ngày công ty sẽ lỗ khoảng 250 ngàn đồng/xe, còn các chủ nhận khoán sau khi trừ các khoản chi phí cho lái xe và phụ xe sẽ còn lãi ít nhất là 300 ngàn đồng. Nên tôi nghĩ nâng mức khoán mỗi xe lên 500 ngàn đồng/ngày là hợp lí, giúp công ty đỡ lỗ hơn”. Công ty cũng yêu cầu phải đóng tiền bảo hiểm các loại khoảng 900.000 đồng và bắt buộc các chủ quản lý xe phải đóng 50% trên tổng số 5,8 triệu đồng tiền bảo hiểm thân, vỏ xe.

Khi các chủ nhận khoán không đồng tình với các khoản tiền trên thì công ty đồng ý bỏ khoản thu 50% tiền bảo hiểm vỏ xe. Công ty đã yêu cầu các chủ nhận khoán nếu không đồng ý phải đến thanh lý hợp đồng và giao xe lại cho công ty vào chiều 3/11. Còn việc không cấp lệnh cho các xe xuất bến, ông Hạnh cho rằng, vì lo sợ không đảm bảo an toàn. Ông Hạnh cũng thừa nhận, do cuối tuần công ty chưa thể xin phép Sở Giao thông vận tải (GTVT) nên chưa thông báo rộng rãi dẫn đến việc người dân phải chờ đợi.

Chiều tối 3/11, nhiều lái xe và chủ nhận khoán tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức vẫn chưa bàn giao xe và cho rằng: Nếu trả xe thì công ty phải trả tiền lãi vay ngân hàng cho họ, nhưng giữa hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, các lái xe cho biết, để nhận khoán, họ phải vay ngân hàng gần 200 triệu đồng để đặt cược và bỏ tiền ra để sửa xe, nhưng chỉ mới chạy được 2 tháng thì không thể nào thu lại tiền để trả lãi ngân hàng.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi được biết, để phục vụ người dân, Sở GTVT đã chỉ đạo công ty tạm đưa 4 xe hoạt động lại vào sáng 14/11. Nhưng xem ra vụ việc chưa có hồi kết, đồng nghĩa xe buýt tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức vẫn còn tiếp tục “đứng bánh”. Bởi theo ông Hạnh: “Chúng tôi có gửi văn bản xin Sở GTVT đến ngày 10/11 sẽ hoạt động lại, tuy nhiên, nếu vụ việc chưa giải quyết xong, thì thời gian ngừng tuyến sẽ kéo dài hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ “Xe buýt đứng bánh”, dân “đứng đường”ở Quảng Nam: Chưa có hồi kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO