Các doanh nghiệp (DN) ngành dịch vụ như ăn uống, du lịch, nhà hàng, khách sạn bắt đầu thực hiện các chiến lược “sống chung” với dịch Covid-19. Giới chuyên gian nhận định, lộ trình phục hồi “chậm mà chắc” là sự phù hợp để tái hoạt động các dịch vụ, bảo đảm an toàn trong điều kiện có dịch.
Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc một DN trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B) ở quận TP HCM cho biết, với tác động nặng nề do dịch Covid-19 đợt 4 gây ra ở các tỉnh phía Nam, các DN vừa và nhỏ trong ngành dịch vụ thực sự “ngấm đòn”. Tìm cách “sống chung” với dịch, các DN dịch vụ ăn uống đang đau đầu với bài toán cân đo đong đếm giữa việc phải giảm bớt số lượng cửa hàng và mặt hàng cần bán ra so với trước đây khi nhìn vào viễn cảnh khó từ cung cho đến cầu.
Vị nữ giám đốc cho rằng, để các ngành dịch vụ hồi phục trong thời gian tới đòi hỏi mất nhiều thời gian và chi phí. Nhất là khi dịch Covid-19 chưa thể được đẩy lùi hoàn toàn. “Để cầm cự trong các tháng tới, các DN vừa và nhỏ trong ngành dịch vụ ăn uống có lẽ chỉ bán hàng trực tuyến (online), tái cấu trúc lại hệ thống cửa hàng ở những địa bàn trọng điểm và phải tái cấu trúc về nhân sự, mức lương, chi phí... với điều kiện là họ phải được tiếp cận gói vay ưu đãi”, bà Vân chia sẻ.
Theo chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI, điều dễ nhận thấy nhất chính là kênh thương mại hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử) đã tăng trưởng mạnh mẽ do các biện pháp giãn cách xã hội và cần duy trì đà phát triển sau đại dịch. Khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại tất cả các hoạt động dịch vụ, giới phân tích kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi. Dịch bệnh cũng đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch từ kênh thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại.
Bàn về hướng đi cho ngành hàng F&B trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các DN đã bày tỏ mối quan tâm nhiều hơn về những thay đổi ngày trong thói quen của người tiêu dùng. Theo đó, sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đợt 4 đã thúc đẩy thị trường tiêu dùng trực tuyến gia tăng mạnh mẽ. Để tìm “chìa khóa” cạnh tranh và thích ứng với tình hình mới, các DN trong ngành F&B phải nỗ lực thay đổi chiến lược kinh doanh.
Đi cùng với ngành dịch vụ ăn uống, các ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn trong thời gian tới sẽ hồi phục, mở cửa trở lại như thế nào cũng là một câu hỏi lớn. TS. Nuno F. Ribeiro, chuyên gia kinh tế quốc tế đề xuất cách tiếp cận cần phải “chậm mà chắc” cho kế hoạch tái khởi động ngành dịch vụ này. “Ở thời điểm hiện tại, tốt hơn hết vẫn nên cẩn trọng và chậm rãi mở cửa trở lại, thay vì vội vã để phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch mới và gây thêm áp lực cho hệ thống y tế’, TS. Nuno F. Ribeiro gợi ý.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, nếu có thể đảm bảo phối hợp tốt giữa Chính phủ và tất cả các bên liên quan trong ngành, đồng thời áp dụng các biện pháp an toàn cần thiết, “ánh sáng cuối đường hầm” sẽ tới vào năm 2022 cho ngành du lịch Việt Nam. Và như vậy, khoản hỗ trợ tài chính bổ sung cho ngành khách sạn là vô cùng cần thiết, có thể dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp tiền điện nước, giảm nợ và hỗ trợ nhân viên...