Trước tình hình xuất khẩu giảm, người nuôi cá tra và doanh nghiệp (DN) gặp khó, các DN kiến nghị cần có những dự báo về thị trường để điều tiết sản xuất và truyền thông cho ngành cá tra, hướng đến phát triển bền vững.
Người nuôi và doanh nghiệp lao đao
Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nên các thị trường chủ lực tiêu thụ cá tra của Việt Nam như: Mỹ, EU, Trung Quốc... sụt giảm khiến hàng tồn kho nhiều. Cả người nuôi và DN đang gặp khó khăn.
Khảo sát tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, nhiều người nuôi cá tra cho biết đang gặp khó trong đầu ra, kể cả bán được cá nhưng họ vẫn phải chịu lỗ do giá bán thấp hơn chi phí nuôi.
Còn hơn 1 tháng nữa, lứa cá tra của anh Trần Văn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đến thời điểm xuất bán nhưng với giá cá hiện nay, anh Văn lo ngại sẽ lỗ vốn nếu tình hình không lạc quan hơn. “Giá thức ăn chăn nuôi quá cao trong khi giá cá thì không lường trước được. Mấy năm trước dù giá cá có sụt nhưng giá thức ăn thấp, người nuôi còn trụ được” - anh Văn lo lắng.
Nhiều năm nuôi cá tra nhưng hiện ông Nguyễn Văn Tấn (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cũng không dám đầu tư quá nhiều khi giá cá bấp bênh. “Tôi nuôi cá tra từ 1995-1996 nhưng hiện nay cũng đã giảm số lượng. Giá cá hiện nay còn 26.000 đồng/kg nhưng giá thành chăn nuôi đã lên đến 28.000 đồng/kg. Hiện nhiều hộ dân bỏ hầm, không nuôi cá do đầu ra khó khăn hoặc không còn vốn để duy trì” - ông Tấn nói.
Trong khi đó, nhiều DN cho biết cũng đang gặp khó khăn vì lượng hàng tồn kho lớn. Các DN đang cầm cự, duy trì sản xuất để giữ chân lao động có tay nghề. Không ít DN gánh những khoản lỗ khổng lồ mỗi tháng. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, từ thời điểm tháng 4/2023 đến nay, mỗi tháng đơn vị này phải chịu lỗ ít nhất 30 tỷ đồng.
Còn theo Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang Ong Hàng Văn, các DN thủy sản hiện rơi vào tình thế, dù có tài sản thế chấp, nhưng ngân hàng vẫn không giải ngân vì sản phẩm không xuất khẩu được. “Trong hoàn cảnh này thì chúng tôi không thể trách ngân hàng không giải ngân. Công ty chúng tôi 10 năm rồi chưa bao giờ thiếu tiền mặt nhưng tháng 6 và 7 vừa rồi chúng tôi thiếu tiền mặt trầm trọng. Lý do là vì hàng không xuất được, dòng tiền không quay về thì ngân hàng không tiếp tục giải ngân” - ông Văn nói.
Thúc đẩy tiêu thụ nội địa
Theo ông Ong Hàng Văn, cần phải giải được bài toán về sản lượng và nhu cầu của thị trường thì mới đảm bảo ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
“Đã đến lúc các DN phải ngồi lại với nhau, giải cho được bài toán sản lượng và nhu cầu của thị trường. Năm tới chúng ta cần bao nhiêu cá, chúng ta cần nắm rõ. Như lúa gạo, thà làm 2 vụ lời hơn 3 vụ thì với con cá tra cũng phải có cách để giảm sản lượng. Cấp bách là từ bây giờ đến cuối năm giảm được 30% đến 50% lượng tồn kho” - ông Văn nói.
Đồng quan điểm, ông Phan Thành Mãi - Công ty TNHH Thuỷ sản quốc tế cho rằng các DN mong muốn nhận được thông tin thị trường để điều tiết sản xuất.
“Ngành nghề nào cũng cần có thông tin từ phía chính quyền, hiệp hội. Ví dụ trong ngành thuỷ sản nên có thông tin năm nay sản lượng thế nào, năm sau sản lượng ra sao, hàng tháng, hàng quý thế nào... Tôi nghĩ rằng, người nuôi giống, người chăn nuôi, nhà chế biến có được những thông tin này thì chúng ta sẽ chủ động hơn trong sản xuất, ít dư thừa hơn” - ông Mãi nhấn mạnh đồng thời kiến nghị, cần có chiến lược truyền thông cho ngành cá tra để khai thác có hiệu quả các thị trường trong nước thay vì “than khó” mỗi khi gặp khó khăn.
“Phải truyền thông cho mọi người biết con cá tra quy trình nuôi như thế nào, chất lượng ra sao... Đất nước chúng ta có 100 triệu dân, nếu trên mỗi bàn ăn có 1 món cá tra thôi chúng ta cũng bán được số lượng rất lớn. Có nhiều nước châu Âu có 7-8 triệu dân mà chúng ta cũng bước chân vào, trong khi đó đất nước mình có 100 triệu dân mà tiêu thụ cá tra không nhiều”.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tính đến hết ngày 15/7, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu USD (giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái). Xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do những biến động của thế giới. Tuy nhiên, dự báo thị trường sẽ có triển vọng hơn khi bước vào mùa dịp lễ hội cuối năm, nhu cầu phục hồi sẽ giúp cá tra Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng hơn. Cũng theo Vasep, thị trường Trung Quốc, Mỹ đang có những tín hiệu tích cực. Nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, bà con và người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD.