Ý kiến mới đây được Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu lên trong Hội nghị của Sở Thông tin Hà Nội về sứ mệnh của chiếc loa phường đã nhận được nhiều phản hồi của cư dân thành phố. Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, chiếc loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ nhân dân…, liệu loa phường còn phù hợp không?
Ảnh minh họa.
Như đã nói, ý kiến của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội được nhiều người đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến khác.
Có người nói rằng, bỏ loa phường là bỏ đi một thời ký ức lịch sử khi mà nhờ loa phường mà người Hà Nội biết để chạy xuống hầm tránh bom đạn. Cái thời ấy thực ra cũng chưa quá xa xôi gì nhưng cũng nhiều người nay đã đủ già để nhớ về chiến tích của loa phường.
Còn lớp trẻ hơn thì sao? Cậu em họ tôi nhà ở góc phố ngay sát cái loa phường thì tỏ ý “cay đắng” khi nói về chuyện này. Được gắn ở cột điện trước nhà; mỗi sáng cứ vào 5h30 sáng là cái loa tự động phát các bản tin của phường: Nào chuyện lĩnh lương hưu của các cụ; nào vận động người dân tổng vệ sinh cho gọn nhà sạch phố; nào chuyện tiêm phòng cho vật nuôi và kể cả chuyện nộp hồ sơ đăng ký học tại các trường trong phạm vi của phường.
Toàn chuyện hữu ích cả nhưng khổ nỗi cứ oang oang vào giờ mà người ta chưa kịp thức giấc. Dạo này thì loa phường không phát thường xuyên như thế nữa.
Nhưng, nghe Chủ tịch thành phố đề nghị xem lại giá trị của loa phường trong cuộc sống hiện đại, em họ tôi mừng ra mặt. Hơn ai hết, nó rất ủng hộ việc bỏ loa phường. Nhưng suy đi xét lại, ở một góc nhìn khác, các khu vực ngoại ô có lẽ loa phường sẽ vẫn còn quan trọng và cần duy trì như một phương tiện truyền thông tin.
Còn nhớ cách đây vài năm, trong một cuộc khảo sát do đồng nghiệp chúng tôi ghi lại thì chính Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin của một quận ở Hà Nội đã nêu quan điểm, loa phường vẫn được đón nhận vì những thông tin liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân.
Và, ông này cho rằng, việc duy trì để loa phường tồn tại là cần thiết. Nhưng tồn tại như thế nào để không làm phiền đến nhân dân thì đó là một vấn đề. Như thế cũng có thể hiểu, việc lựa chọn thông tin để phát thanh và giờ phát thanh là rất cần thiết để nó thực sự hữu ích; nếu mai này loa phường vẫn còn hiện hữu ở đâu đó trong số gần 600 phường, xã của một Thủ đô hơn ngàn năm tuổi.
Nói những câu chuyện tản mạn như trên để thấy, thực ra loa phường trong lịch sử và hiện tại đã từng có giá trị. Và giờ đây, giá trị tinh thần của nó với người dân Thủ đô ở những khu vực khác nhau sẽ có những thước đo khác nhau. Người thích, người không thích.
Vì thế, nói như Chủ tịch thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng cần đánh giá nghiêm túc và lấy ý kiến nhân dân, đánh giá hiệu quả loa truyền thanh phường ngay trong quý I năm nay. Nơi nào còn tác dụng tốt thì có thể giữ. Cùng với đó, thành phố sẽ thí điểm cung cấp thiết bị đầu cuối thông minh cho các gia đình, giải quyết thông tin đến từng hộ.
“Nếu loa phường không còn hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Loa đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nếu cứ nói đó là truyền thống, đặc thù là không phải. Giống cuộc cách mạng phát thanh truyền hình giờ đã chuyển sang kỹ thuật số”- ông Chung nói.
Rồi đây, khi mà cuộc khảo sát của Hà Nội có kết quả và đặt giả thiết, đa số người dân ở khu vực các quận nội thành đều có mong muốn bỏ loa phường thì thành phố cần có ngay biện pháp để chuyển tải thông tin hoạt động của phường, xã của thành phố đến với người dân kịp thời chứ không nên để xảy ra tình trạng “trắng” thông tin hoạt động của địa phương, dù chỉ 1 ngày.
Nói cách khác, bỏ loa phường thì cần có ngay một loại hình thông tin phù hợp thay thế để mỗi người dân đều hiểu và nắm bắt kịp thời các chủ trương của địa phương trong bối cảnh không phải ai cũng có thể lướt web như thanh niên; không phải tổ trưởng dân phố nào cũng có thể gõ của từng nhà vào đêm hôm để phát thông báo của phường.
Mà, thông tin tại khu dân cư không phải là loại thông tin có thể tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày; nhưng nhiều khi nó lại rất cấp thiết với cư dân ở khu vực. Có như vậy, thì dù tiếng loa phường có tạm lui về phía sau thì hiệu quả tuyên truyền chủ trương chính sách đến người dân vẫn không bị đứt quãng.