Những tưởng bích họa, hay lối vẽ Graffiti đã chìm xuống thì nay lại nóng lên khi một số hình vẽ gây khó chịu xuất hiện tại không gian phố cổ Hội An (Quảng Nam). Không chỉ ở các tường nhà mà trên các trụ điện cũng có những từ ngữ nước ngoài lẫn vào các hình ảnh tại vùng lõi phố cổ. Khoảng cách giữa “bôi bẩn” và nghệ thuật là rất mong manh.
Hiểu một cách đơn giản thì Graffiti là tranh phun sơn hoặc hình vẽ trên tường, là các chữ viết hay hình ảnh nguệch ngoạc, đập vào mắt người nhìn. Graffiti còn được coi là loại hình nghệ thuật đường phố, công cộng. Còn bích họa là tranh vẽ trên tường, trên vách.
Ranh giới của nhận thức và trách nhiệm với cộng đồng
Về việc một số nơi ở phố cổ Hội An có những hình vẽ, chữ viết đủ loại, lãnh đạo thành phố này cho rằng nó không phải do người dân địa phương “chế” ra, vì người Hội An không ai lại tự bôi bẩn thành phố của mình. Hội An sẽ xóa những vết vẽ trên tường rồi sơn lại, đồng thời qua theo dõi camera nếu phát hiện ai có hành vi viết vẽ trên tường di tích sẽ tiến hành xử lý. Tuy nhiên, với những trụ điện hay tường rào cổng ngõ nằm ngoài khu phố cổ bị vẽ mà không ảnh hưởng cảnh quan, có thể xem là nghệ thuật thì sẽ cho tồn tại chứ không nhất thiết xóa bỏ.
Về Grafiti, ngay cả người trong giới hội họa cũng hoài nghi: nó là nghệ thuật hay bôi bẩn đường phố? tuy rằng nó mang đến sự mới lạ và có cả độc đáo. Có lúc, Graffiti tràn lan ở các đô thị lớn, trong đó có TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại TPHCM, người ta từng choáng váng khi đi qua những con phố trung tâm, như Trần Hưng Đạo, Cao Thắng, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng… vì có quá nhiều hình vẽ, chữ viết chằng chịt trên tường nhà, cửa cuốn, tủ điện…Trong đó một số “tác phẩm” rất nguệch ngoạc, xấu xí, khó hiểu.
Tuy nhiên, dù xấu hay đẹp thì người dân vẫn bức xúc vì ai đó đã tùy tiện “bôi bẩn” lên tài sản của họ.
Trong khi đó, không ít “tín đồ” Graffiti lại cho rằng họ thể hiện cá tính của mình qua những bức tranh không vụ lợi, đánh thức thành phố khỏi sự ngái ngủ. Zkhoa - nhóm Sài Gòn Graffiti Club chia sẻ: “Graffiti là một loại hình tự do, có thể gắn kết mọi người lại với nhau. Tôi nghĩ không chỉ Graffiti mà rất nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng vậy, sẽ có người thích và người không thích. Graffiti cũng như vậy”.
Ngược lại, DZũng - một Graffiti ở quận Gò Vấp lại cho rằng, sở dĩ nhiều người dị ứng với những hình Graffiti trên đường phố vì đa phần chúng được vẽ một cách tràn lan, bôi bẩn các con đường chứ không phải ác cảm với loại hình nghệ thuật này. Cần phải chọn lựa, không phải muốn vẽ gì thì vẽ, vì như vậy vô tình sẽ làm thành phố xấu xí.
Còn theo TS Võ Kim Cương - Chuyên gia quản lý phát triển đô thị, nếu là nghệ thuật thì nên được đặt đúng chỗ, không nên nhân danh nghệ thuật để bôi bẩn đường phố, phá hoại tài sản của công dân, tổ chức. Ông Cương còn cho rằng, nếu như người muốn vẽ để thỏa mãn sở thích cá nhân thì phải thuê những nơi không ảnh hưởng đến cộng đồng để vẽ. Nếu tác phẩm của anh được cộng đồng công nhận thì cộng đồng sẽ trả tiền cho anh và mời anh vẽ, chứ không phải thích vẽ đâu thì vẽ muốn vẽ cái gì cũng được. Nghệ thuật hay bôi bẩn, đẹp hay xấu, tất cả chỉ cách nhau một lằn ranh, đó là ranh giới của nhận thức và trách nhiệm với cộng đồng.
Thận trọng với bích họa
Ai từng có dịp tới xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cũng đều ái ngại trước sự xuống cấp nghiêm trọng của một nơi từng là địa điểm được giới trẻ thích thú chụp ảnh, check-in. Ngôi làng tranh xã đảo Tam Hải được hoàn thành vào năm 2018, lấy ý tưởng từ làng bích họa Tam Thanh (TP Tam Kỳ, cũng ở Quảng Nam) vốn rất nổi tiếng trước đó.
Tác giả của những bích họa tại Tam Hải là nhóm sinh viên khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Từ những bức tường rào cũ kỹ của các ngôi nhà quanh làng chài thôn Thuận An (xã Tam Hải), họ đã tái hiện phần nào cuộc sống của người dân miền biển qua những bức vẽ trên tường.
Thời gian đầu, nó rất nổi bật và được nhiều khách phương xa ghé lại mỗi ngày. Nhưng rồi chỉ vài năm sau, do tác động của thời tiết, chất liệu và ý thức gìn giữ chưa tốt, làng tranh trở nên lạ lẫm. Những bức vẽ vốn ngây thơ sống động trở nên nhếch nhác. Nhiều bức tranh đã bị xóa bỏ trên bức tường nhà dân.
Còn ở tỉnh Quảng Bình, “cung đường bích họa” Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) cũng từng là điểm thu hút rất đông du khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Nhưng rồi cũng nhanh chóng xuống cấp và dần trở nên nhếch nhác. Nhờ huy động các nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ kinh phí từ phía Sở Du lịch Quảng Bình, năm 2018, cung đường bích họa này hoàn thành với chiều dài 1km, với hơn 50 bức tranh 3D. Nhưng theo thời gian, cung đường bích họa một thời khiến người ta mê mẩn cũng phai màu, bong tróc và loang lổ. Một số bức tranh còn bị che lấp bởi cây cỏ và vật dụng sinh hoạt, khiến khung cảnh trở nên nhếch nhác và mất mỹ quan.
Người dân xã Cảnh Dương cho biết, ngôi làng đã có tuổi đời 400 năm. Khi những bức vẽ xuất hiện, ai cũng thích thú. Nên khi nó trở nên nhếch nhác thì ai cũng tiếc, xót xa và mong rằng những bức tranh 3D này sẽ được phục dựng.
Tất nhiên không chỉ ở Quảng Nam hay Quảng Bình mới có việc các bức bích họa xuống cấp, trở nên xấu xí, mà nhiều địa phương khác (kể cả Hà Nội, TPHCM) cũng rơi vào tình trạng ấy, khiến cho nhiều người nghi ngờ tác dụng của “phong trào” bích họa vốn rất rầm rộ.
Không phải lúc nào việc vẽ, sơn lên các bức tường cũng gây hiệu ứng tốt. Lúc đầu khi những bức tường được tô vẽ xanh đỏ tím vàng có thể mang tới cảm giác vui tươi. Nhưng khi những bức vẽ ấy cứ “ngự” mãi trên tường sẽ khiến người ta mệt mỏi, chưa nói đến chuyện nó rất nhanh chóng tàn phai theo thời gian.
Nghệ thuật nơi công cộng không phải chuyện đơn giản. Là tượng, là phù điêu, là bích họa hay Graffiti… thì cũng thế. Nó phải chịu sự đánh giá của rất nhiều người nên không thể dễ dãi. Đặc biệt với những con phố, ngõ xóm rêu phong, di tích cổ kính sẽ rất phản cảm không khác nào một cụ già áo nâu sồng bị người ta nhuộm tóc vàng chóe, tô son điểm phấn lên mặt. Vì thế, phải rất thận trọng.