Theo các chuyên gia khoa học khí hậu của Đại học Bristol (Vương quốc Anh), căng thẳng do nhiệt có thể đạt đến mức giới hạn mà tất cả mọi người, ngay cả những người khỏe mạnh và thích nghi tốt, cũng khó có thể sống sót. Và câu hỏi đặt ra là: Vì sao con người ở vùng nhiệt đới khó thích nghi với mức nhiệt 40 độ C?
Ngày 8/6, theo trang Channel New Asia, năm nay, ngay cả trước khi mùa hè bắt đầu ở Bắc bán cầu, các kỷ lục về nhiệt độ đã liên tục bị xô đổ. Chẳng hạn, Tây Ban Nha đã ghi nhận mức nhiệt 38,8 độ C; cao khác thường ngay cả vào giai đoạn cao điểm của mùa hè. Nam Á và Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng dai dẳng và nhiệt độ kỷ lục mọi thời đại đã xảy ra ở nhiều quốc gia, với mức nhiệt lần lượt là 44 và 45 độ C.
Trong khi đó, Thượng Hải (Trung Quốc) ghi nhận một ngày của tháng 5 nóng nhất trong hơn một thế kỷ.
Những đợt nắng nóng kéo dài suốt tháng 5 và trọn cả tuần đầu tháng 6/2023 tại nhiều khu vực trên thế giới khiến người ta lo ngại với mức độ “stress” nhiệt - căng thẳng do nhiệt gây ra cho cơ thể; được “hỗ trợ” bởi độ ẩm, bức xạ và gió.
Cơ thể con người thu nhiệt từ không khí xung quanh, từ Mặt trời và một số yếu tố vận động. Để đối phó với các đợt nắng nóng, lượng nhiệt cơ thể sinh ra và tỏa ra không khí, một số thông qua hơi thở. Nhưng hầu hết nhiệt bị thất thoát qua mồ hôi, vì khi mồ hôi trên bề mặt da bay hơi, nó sẽ lấy năng lượng từ da và không khí xung quanh cơ thể dưới dạng “ẩn nhiệt”.
Tình trạng đó khiến một số người dễ bị “stress” nhiệt. Theo nghiên cứu của nhóm khoa học Đại học Bristol (Vương quốc Anh), căng thẳng do nhiệt có thể đạt đến giới hạn mà tất cả mọi người, ngay cả những người khỏe mạnh và thích nghi tốt, cũng không thể yên ổn. Mức độ nhiệt đó được cho là từ 40 độ C trở lên trong điều kiện nắng nóng kéo dài, kết hợp với độ ẩm tương đối 50%. Khi đó, nó gần đạt đến giới hạn sinh lý và có thể là một môi trường sống rủi ro. Trong khi các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, nhiệt độ không khí tối ưu cho con người là 18 độ C đến 24 độ C.
Trả lời cho câu hỏi: Vì sao con người ở vùng nhiệt đới khó thích nghi với mức nhiệt 40 độ C? Các nhà khoa học Anh cho rằng đó là do có sự kết hợp giữa nền nhiệt cao, độ ẩm không khí khiến cơ thể khó tỏa nhiệt, ngược lại còn giữ nhiệt một cách không mong muốn, khiến con người nhanh chóng bị mất sức.
Tuy nhiên mùa hè năm nay không chỉ Nam Á, Đông Nam Á bị “hành hạ” bởi nắng nóng dữ dội, mà nhiều nơi khác từng là những vùng đất khí hậu ôn hòa cũng đã và đang phải gồng mình trong cái nóng bất thường. Trong đó có một phần nước Mỹ và Canada.
Ngày 8/6, kênh truyền hình CNN (Mỹ) đưa tin, một số địa điểm tại khu vực tây bắc nước Mỹ ven Thái Bình dương đã trải qua mức nhiệt độ phá kỷ lục. Thành phố Hoquiam và Quillayute ở bang Washington với nhiệt độ lần lượt 34,7 độ C và 36,3 độ C đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của tháng 5. Trong khi đó, Văn phòng Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) thông báo, nhiệt độ cao nhất thường thấy tại Seattle là vào cuối tháng 7, quanh mức 26,1 độ C. Nhưng ngày trong tuần đầu tháng 6 này nền nhiệt đã vọt lên 30 độ C. Một vòm áp suất cao bao trùm, gió khô từ trên núi thổi xuống khiến nhiệt độ tăng vọt.
Còn ở phía tây Canada, thời tiết cực đoan cũng đã trở thành mối đe dọa tới người dân. Một số khu vực ở British Columbia đã lập kỷ lục mới về nhiệt độ, trong đó có Lytton lên tới mức 36,1 độ C. Canada đã ban hành cảnh báo nhiệt tại phía bắc Alberta và nhiều nơi ở British Columbia, khuyến cáo người dân hủy các hoạt động ngoài trời nếu không cần thiết. Nhiệt độ cao cũng là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ cháy rừng tại Canada. Riêng tại Alberta trong vòng 40 ngày qua đã có 89 vụ hỏa hoạn, gây cháy khu vực rộng 1,3 triệu ha.
Trong khi đó, Liên hợp quốc tiếp tục cảnh báo nguy cơ ngày càng cao khi hiện tượng El Nino sẽ diễn ra trong vài tháng tới, làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao và có thể sẽ dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đánh giá khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 là 60% và cuối tháng 9 là 80%.
Người đứng đầu cơ quan dự báo khí hậu theo vùng của WMO, Wilfran Moufouma Okia, cho rằng hiện tượng này sẽ dẫn tới sự thay đổi các hình thái thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Bristol (Vương quốc Anh), nhiệt độ không khí tối ưu cho con người là 18 độ C đến 24 độ C. Bất kỳ nền nhiệt độ nóng hơn nào đều có thể dẫn tới rủi ro. Khi không khí tăng lên mức 35 độ C và môi trường độ ẩm cao là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Khi nhiệt độ đạt mức 40 độ C thì nguy hiểm ập đến ngay cả khi độ ẩm ở mức thấp. Còn khi nhiệt độ lên đến 50 độ C thì mối nguy hiểm thực sự đáng sợ.
Cũng theo nhóm nghiên cứu này, trong tình huống ngược lại, khi thân nhiệt xuống mức 32,2 độ C thì cơ chế bù trừ nhiệt độ của cơ thể bắt đầu suy giảm, trạng thái tâm thần có thể biến đổi và thậm chí người bệnh có thể bị mất trí nhớ. Nếu thân nhiệt tại 27,7 độ C, con người bắt đầu mất ý thức. Còn khi thân nhiệt dưới 21 độ C, con người sẽ tử vong.