Không chỉ là những người lính mang quân hàm xanh giữ vững vùng phên dậu biên cương của Tổ quốc, lực lượng Bộ đội Biên phòng còn có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, giúp đồng bào biên giới làm giàu trên chính mảnh đất nơi cha sinh mẹ đẻ của mình.
Tuần tra biên giới ở Gia Lai.
60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2019); 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019), sự phát triển của BĐBP đã cho thấy sự lớn mạnh và ý nghĩa to lớn trong việc giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc, đặc biệt là quan hệ máu thịt của quân - dân trong thế trận quốc phòng toàn dân.
Cách đây 60 năm, tại buổi lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP, ngày 3/3/1959, khi đến dự Lễ thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ: Thành lập được lực lượng CANDVT là một thành công về đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa bộ đội và công an. Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng, CANDVT, hay là quân đội cũng thế, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới. Nhất định phải như thế.
Bác cũng dặn thêm: Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài; phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “thế trận toàn dân” đã xuyên suốt chiều dài lịch sử của công cuộc dựng nước và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng đó đã đem lại những thắng lợi to lớn của dân tộc trong các cuộc chiến chống xâm lược. Dựa vào nhân dân, giúp đỡ nhân dân vốn được xem như nhiệm vụ chính trị song cũng chính là xây dựng một thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc mà lâu nay Đảng, quân đội đã dày công vun đắp, xây dựng và hướng đến. Bởi nhân dân chính là “tai mắt”, nhưng cũng chính là lực lượng xung kích vững chắc phía sau của quân đội. Chính sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đem lại những thắng lợi to lớn trong bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, địa bàn hoạt động của BĐBP khá đặc thù khi công tác tại các vùng hẻo lánh, có địa bàn khó khăn nhưng lại là nơi tập trung đông số lượng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu không có sự đoàn kết, giúp đỡ nhau sẽ khó có thể lớn mạnh và phát triển. Chính yếu tố đoàn kết đã tạo nên sức mạnh to lớn trong nhiệm vụ vừa bảo vệ vững chắc biên cương song cũng là nhiệm vụ chính trị.
Trong những thành quả đó phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam và BĐBP trong thời gian qua. Điển hình như công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và BĐBP ở các cấp đã đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm và hành động của đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”; huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới, biển đảo.
Chính nhờ phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín của Mặt trận đã góp phần vận động, tuyên truyền giúp nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa - giáo dục đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhiều nơi đã khôi phục lại các lễ hội dân gian, làn điệu dân ca, xây dựng và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Qua đó truyền dạy cho lớp trẻ nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc mình đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.
Những việc làm cụ thể trong phối hợp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân ở khu vực biên giới và đơn vị BĐBP đã góp phần tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang nâng cao nhận thức chính trị, đề cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nhưng qua đó cũng huy động mọi nguồn lực giúp nhân dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phối hợp tham gia xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.
Khu vực biên giới nơi BĐBP hoạt đông luôn là địa bàn trọng điểm, là mục tiêu chống phá hàng đầu của các thế lực thù địch, của các loại tội phạm. Chính sự đồng hành của MTTQ, các tổ chức thành viên chính là nguồn sức mạnh to lớn để huy động, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền biên phòng toàn dân, làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, phát huy dân chủ ở cơ sở và tạo sự đồng thuận xã hội để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Có như thế nhiệm vụ “dựa vào nhân dân, ra sức đoàn kết và giúp đỡ nhân dân” mà Bác căn dặn mới phát huy được những giá trị.