Vững vàng đồng tiền Việt

H.Hương - P.Vân 02/01/2023 08:00

Thời gian qua, đồng tiền Việt Nam (VNĐ) chịu sức ép từ bất ổn kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, các nước liên tục tung ra nguồn cung tiền lớn và giá vàng thì biến động mạnh. Tuy nhiên, VNĐ vẫn duy trì giá trị nhờ sự kiên định của nhà quản lý trong đảm bảo ổn định của tỷ giá giúp giữ vững và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nới biên độ điều chỉnh nhằm giúp tỷ giá ổn định. Ảnh: Quang Vinh.

“Trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Nỗ lực vượt “bão tỷ giá”

Trong năm 2022, để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng mạnh lãi suất đến 6 lần. Lãi suất đồng USD đã lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,25-4,5%. Việc tăng nhanh lãi suất của Fed đã hỗ trợ đồng bạc xanh tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế. Tính chung chỉ số đồng USD đã tăng gần 11% trong năm 2022. Sự tăng giá của đồng USD đã làm đồng tiền của nhiều nền kinh tế mất giá.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Dữ liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số USD tháng 11/2022 tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2021.

Thực chất, tất cả các đồng tiền lớn và đồng tiền của các quốc gia láng giềng của Việt Nam đều giảm so với đồng USD, tuy nhiên, theo WB, việc NHNN nâng các mức lãi suất chính sách thêm 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10/2022 cũng góp phần nới nhẹ áp lực đối với đồng nội tệ.

Tuy nhiên nhìn nhận chung, năm 2022 vẫn là một năm đầy dông bão của tỷ giá. Áp lực tăng tỷ giá xuất hiện từ thời điểm tháng 10, khi giá USD ngoài thị trường tự do vượt 25.500 đồng/USD, còn trong hệ thống các ngân hàng, giá USD cung xuýt soát 25.000 đồng/USD. Nhưng “bão tỷ giá” đã được chúng ta hoá giải nhanh chóng. Từ mức chạm ngưỡng 25.000 đồng/USD giờ chỉ còn dưới 24.000 VND/USD. Thời điểm giữa tháng 10, NHNN đã điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay từ mức +-3% lên mốc +- 5%.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành, trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lạm phát rất lớn như hiện nay, thì việc NHNN nới biên độ tỷ giá là cần thiết. Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và góp phần để chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn. “Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất”- ông Thành nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, so với các quốc gia khác, tiền đồng vẫn trong nhóm ít mất giá nhất so với USD. Việc nới biên độ tỷ giá sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ. Đồng thời, nới biên độ tỷ giá khiến người dân giảm mua vào, tăng bán ra, giúp thanh khoản ngoại tệ ngân hàng dồi dào hơn.

“Quan trọng nhất là nâng biên độ tỷ giá giao ngay sẽ giúp mua bán USD thuận lợi hơn, làm triệt tiêu nguy cơ đầu cơ. Bởi nếu giữ nguyên biên độ hiện tại thì chênh lệch giá USD chợ đen và USD chính thức tăng cao, khiến tình trạng đầu cơ ngoại tệ phát sinh” – ông Thịnh nhận định.

Trong năm 2022 để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng các biện pháp sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.

Và ngay thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã phần nào yên tâm hơn. Để gỡ khó, phía NHNN cũng đã từng khẳng định, sẽ tăng tần suất bán ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa. Qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế…

Đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.

2023, lãi suất sẽ là tâm điểm?

Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung biến động tỷ giá USD/VNĐ đã hạ nhiệt sau quãng thời gian tăng mạnh. Đây là cơ hội để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các DN và khách hàng cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.

Mặc dù tỷ giá ngoại tệ đã có nhiều dấu hiệu tích cực, song nhìn vào bài toán lãi suất, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Trong năm 2022 NHNN đã phải 2 lần tăng lãi suất điều hành để “cứu” tỷ giá. Do đó, bước sang năm 2023, để nền kinh tế ổn định, giúp DN phục hồi, không ít ý kiến cho rằng nên để tỷ giá biến động trong một mức độ nhất định để ổn định lãi suất. Mức độ biến động này sẽ phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng với sự cân đối các yếu tố lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thanh toán nợ… Nếu không giảm được lãi suất thì có thể khiến nợ xấu tăng, DN phải dừng các kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh… ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Nếu như năm 2022, tỷ giá là câu chuyện nóng bỏng thì năm 2023 lãi suất có thể là tâm điểm của thị trường tài chính. TS Cấn Văn Lực cho rằng năm 2023, chúng ta có thể chấp nhận tiền đồng mất giá nhiều hơn một chút, song cần hết sức cân nhắc chuyện tăng lãi suất. “Điều tích cực là áp lực tỷ giá năm tới đã nhẹ đi đáng kể” - ông Lực nhấn mạnh.

Còn chuyên gia tài chính, ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, ổn định tỷ giá và tiền đồng là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế. Dẫu với bất kỳ khó khăn nào, thì cơ quan quản lý, NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định kinh tế vĩ mô.

Do điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài yếu đi, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc chính sách về tỷ giá linh hoạt hơn nữa nhằm ứng phó với những cú sốc bên ngoài. Chính sách này có thể được bổ sung bằng cách sử dụng sáng suốt lãi suất tham chiếu và sử dụng thận trọng can thiệp tỷ giá trực tiếp nhằm bảo vệ được dự trữ ngoại hối. WB cũng khuyến nghị phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vững vàng đồng tiền Việt