Vững vàng giữa đại dịch

H.Vũ 04/06/2021 06:24

Ngày 3/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 5/2021. Thủ tướng khẳng định, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt được các kết quả nổi bật: sản xuất công nghiệp tăng khá, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ khi chưa có dịch tấn công. Ảnh: TTXVN.

Tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”

Về dịch Covid-19, tính từ ngày 27/4 đến nay Việt Nam ghi nhận 4.780 ca mắc mới. Hiện tại, nước ta đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố với trên 1,1 triệu liều, trong đó, 31.177 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, số ca mắc trong cộng đồng đã được phát hiện sớm, chính quyền và cơ quan chức năng kịp thời áp dụng biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ thống nhất khẳng định: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn dân, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dịch Covid-19 đang từng bước bị đẩy lùi tại các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, vì vậy cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công; thực hiện hiệu quả hơn “chiến lược vaccine”; triển khai ứng dụng công nghệ bắt buộc vào phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch.

Kinh tế vĩ mô ổn định

Về tình hình kinh tế, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nước ta vẫn đạt được các kết quả nổi bật như: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất, tỷ giá ổn định, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, tính lũy kế 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,4%; thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong tháng 5 nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là bảo vệ và tổ chức thành công cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục nhiệm vụ duy trì, khôi phục kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; kết thúc năm học 2020-2021 trong khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 với diễn biến phức tạp hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2021 vẫn đạt được các kết quả nổi bật như: Bảo vệ và tổ chức thành công cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; lãi suất, tỷ giá ổn định; sản xuất công nghiệp tăng khá; duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu; tăng thu hút đầu tư nước ngoài; thu ngân sách đạt kết quả tương đối tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định; an ninh quốc gia, quốc phòng được giữ vững, đối ngoại được tăng cường.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập như: Vẫn còn những nơi, những lúc bị động, lúng túng trong phòng chống dịch Covid-19 và có những cơ quan chưa kịp thời, hiệu quả trong thực hiện giải pháp; chiến lược vaccine triển khai còn chậm; đầu tư công vẫn chậm và khó khăn, nhập siêu có biểu hiện tăng; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối có vốn đầu tư nước ngoài; tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng tới đời sống xã hội…

Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo Thủ tướng chủ yếu là do một số bộ, ngành chưa nắm chắc, bám sát tình hình, đưa ra giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng; vướng mắc về cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ; một số cá nhân, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao.

Khẩn trương ban hành Nghị quyết về chính sách cho người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19

Cho rằng những khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, song dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn vì dịch Covid-19 nguy cơ bùng phát mạnh hơn, ảnh hưởng lớn hơn, Thủ tướng nhấn mạnh cần kiên định mục tiêu kiềm chế, đẩy lùi và ngăn chặn có hiệu quả làn sóng dịch lần thứ 4 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế sau đợt dịch; giữ vững ổn định chính trị; củng cố và tăng cường đối ngoại; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng chịu tác động bởi dịch và các đối tượng yếu thế. Phấn đấu tối đa để hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội giao, cũng như các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các cấp, ngành thực hiện các giải pháp như: tăng cường nhận thức về những khó khăn, thách thức, vướng mắc đang phải đối diện để nỗ lực và lấy đó làm động lực để phấn đấu, vươn lên khẳng định và phát triển...

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, nhất là liên quan đến vaccine, đầu tư công, kinh tế vĩ mô, các dự án thua lỗ, yếu kém; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm ngân sách để chi cho các trọng điểm và vùng đặc biệt khó khăn; khẩn trương hoàn thiện, ban hành Nghị quyết về chính sách cho lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19; tiếp tục kiểm soát xuất nhập cảnh, xử lý nghiêm hành vi xuất nhập cảnh, cư trú trái phép.

Các y bác sỹ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh và Quận 7 thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên cho công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận.

Kịch bản chống dịch ở khu công nghiệp?

Tại buổi họp báo diễn ra vào chiều cùng ngày, trả lời báo chí về những kịch bản chống dịch tại các khu công nghiệp được xây dựng như thế nào? Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Khu công nghiệp hiện là nơi đang thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên khi dịch xảy ra ở khu công nghiệp thì lây lan rất nhanh. Đặc biệt trong điều kiện nhà ăn, tiếp xúc tại khu công nghiệp nên lây nhiễm ở đây rất nhanh.

Do đó Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt có chính sách phải ưu tiên cho khu công nghiệp như tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp. Vừa qua dù vaccine về chưa nhiều song đã ưu tiên tiêm cho công nhân tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Bên cạnh đó đã chỉ đạo CDC các tỉnh quan tâm hướng dẫn phòng chống dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly tránh đông người để tránh việc lây nhiễm chéo. Với kết quả như vậy hy vọng sự lây lan tại các khu công nghiệp sẽ giảm, và các khu công nghiệp sẽ thực hiện được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh”-ông Cường cho hay.

Liên quan đến cơ chế cho doanh nghiệp tham gia tiếp cận vaccine cũng như kiểm soát chất lượng vaccine như thế nào, ông Cường thông tin: Hiện Chính phủ đã khuyến khích tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp đủ điều kiện trong nhập khẩu và cung ứng. Hiện có 2 cách tham gia là có thể bằng tiền huy động thông qua ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 và trực tiếp nhập khẩu vaccine từ các nguồn tin cậy.

Theo Nghị quyết sẽ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số người trên 18 tuổi. Đến nay về cơ bản đã tiếp cận được. Tuy nhiên, do hiện nước ta là nước kiểm soát tốt được dịch bệnh nên có việc đến ngày giao vaccine thì nhà cung cấp lại chuyển sang cho nước khác. Nhưng từ tháng 8 trở đi thì các nguồn vaccine sẽ về nhiều và sẽ tiếp cận được.

Trả lời báo chí về số dư của Quỹ vaccine phòng Covid-19 và việc sẽ sử dụng quỹ như thế nào? Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Năm nay sẽ nhập khẩu mua 150 triệu liều vaccine, số tiền tương ứng là trên 25 ngàn tỷ đồng. Quan điểm của Nhà nước là sẽ dùng ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa khác để mua vaccine và tiêm cho nhân dân. Vừa qua Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Ban quản lý quỹ để đảm bảo việc sử dụng quỹ được công khai, minh bạch rõ ràng.

“Số dư hiện của quỹ là gần 104 tỷ đồng nhưng Bộ Y tế đang huy động được 1000 tỷ đồng và Bộ sẽ chuyển vào quỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng cam kết ủng hộ quỹ trên 2000 tỷ đồng. Đồng thời đang kêu gọi các thành phần kinh tế tư nhân, và doanh nghiệp FDI hưởng ứng. Sắp tới Bộ sẽ báo cáo Chính phủ phát động các thành phần kinh tế, người dân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch Covid-19”- ông Tuấn cho hay.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh sẽ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19 cho gần 280.000 công nhân và hơn 2.200 chuyên gia người nước ngoài đang làm việc trong 1.500 doanh nghiệp ở 17 Khu chế xuất, Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao trong thành phố. Việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch Covid -19 cho toàn bộ lao động là hết sức cần thiết vì không chỉ giúp tăng tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giúp thành phố bao vây, tầm soát diện rộng, phát hiện nhanh dịch Covid-19 để kịp thời khoanh vùng chống dịch mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, tránh tình trạng đứt gãy trong sản xuất kinh doanh.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vững vàng giữa đại dịch