Từ một bãi bồi hoang sơ nhưng bằng sự “mát tay” của chàng trai 9X, nơi đây bỗng trở thành điểm check in được giới trẻ yêu thích. Đó là bãi bồi trồng dâu tây Đà Lạt do anh Nguyễn Văn Sơn (32 tuổi) đầu tư đã mang lại hiệu quả cao.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Những ngày gần đây, giới trẻ xứ Nghệ xôn xao một điểm check in cực chất tại bãi bồi phù sa ven sông Lam thuộc xóm Văn Viên, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên. Đó chính là vườn trồng dâu tây Đà Lạt của chàng trai Nguyễn Văn Sơn, người con của mảnh đất Văn Viên quanh năm bộn bề vất vả.
Gặp Nguyễn Văn Sơn, anh cho biết, bản thân mình không phải là người đầu tiên đưa cây dâu tây về trồng ở vùng đất chảo lửa xứ Nghệ này, bởi trước đó đã có một vài người thực hiện. Tuy nhiên, Sơn lại chính là người đầu tiên đưa loại "quả quý tộc" ra trồng ở bãi bồi ven sông Lam, một loại quả sống trên đồi thoải, ở thời tiết mờ ảo nay ra bãi sông “sinh sống”. Năm 2013, khi đang là sinh viên ngành sinh học Trường Đại học Vinh, Sơn giành được một suất thực tập ở Israel. Một năm ở đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới, không chỉ cho Sơn nhiều kiến thức mới mẻ, nhiều kinh nghiệm quý mà đã cho anh ý tưởng khởi nghiệp, dù rằng phải mất tới 6 năm sau, Sơn mới có thể biến ý tưởng này thành hiện thực.
Sơn kể, khi được sang đất nước Israel, tiếp xúc với nền nông nghiệp nước họ, anh thực sự rất ngỡ ngàng trước cách làm của họ. Điều trùng hợp nữa chính là đất nước này có điều kiện khí hậu khá tương đồng với Nghệ An. Họ trồng được nhiều loại nông sản rất có giá trị, xuất khẩu khắp thế giới, trong đó có dâu tây. “Lúc ấy, tôi nghĩ mình sẽ làm được vì loại cây tôi thích nhất là dâu tây, bởi đây là loại cây ăn trái dễ chăm sóc, trong khi giá trị kinh tế lại lớn”, Sơn cho biết.
Hoàn thành chương trình học, thực tập ở Israel, về Việt Nam, Sơn từ chối công việc trái ngành với mức lương 10 triệu đồng/tháng để đầu quân cho một tập đoàn nông nghiệp với mức lương chỉ gần 4 triệu đồng. 10 triệu đồng ở thời điểm đó so với một sinh viên mới ra trường là số tiền không hề nhỏ nhưng Sơn nghĩ, muốn phát triển lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải vào công ty chuyên về nông nghiệp để cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Sau một năm, Sơn chuyển sang một doanh nghiệp nông nghiệp khác. Vừa làm, chàng trai này vừa học tiếp thạc sỹ chuyên ngành khoa học cây trồng để tính đường đi xa hơn.
Dâu tây trồng ở... bãi sông
Năm 2019, khi tích lũy được kinh nghiệm vững vàng và một ít vốn, Sơn quyết định khởi nghiệp. Chàng trai trẻ vay mượn thêm để đủ số tiền 500 triệu đồng, thuê bãi bồi rộng 2.500m2 ven sông Lam để làm trang trại, xây dựng hệ thống nhà màng. Với cách làm phù hợp, mùa nào cây ấy, trang trại của Sơn trồng cả dưa lưới, ớt chuông, cà chua, súp lơ baby... Nhờ nắm vững kiến thức, có kinh nghiệm, gần như các thử nghiệm của Sơn triển khai đều thành công. Với niềm đam mê thử nghiệm và những ấp ủ nhiều năm qua, chính thức vào cuối năm 2019, Sơn quyết định trồng dâu tây. Sơn cho biết, ban đầu với số vốn xoay vòng, hơn 400 cây dâu tây nhanh chóng được Sơn trồng trong nhà màng như các loại cây khác. Điểm nổi trội của dâu tây khi trồng trong nhà màng là phát triển nhanh, lá xanh mơn mởn. Thế nhưng vào thời kỳ ra hoa, cây bắt đầu nhiễm nấm, thối gốc, cành...
Tìm hiểu kỹ, Sơn phát hiện môi trường nhà màng có độ ẩm cao, khiến nấm dễ phát triển. Sơn mạo hiểm đưa dâu tây ra bãi. Những hàng đất được đánh luống cao để chống ngập nước. Ở môi trường bên ngoài cây dâu tây tỏ ra thích ứng tốt hơn, đỡ nhiễm nấm nhưng lại nhiều sâu. Song so với nấm thì sâu dễ xử lý hơn bằng các chế phẩm sinh học, lại an toàn cho người tiêu dùng. Với đặc điểm dâu tây là cây trồng ưa lạnh, nên Sơn đã xuống giống vào thời điểm cuối tháng 9 dương lịch và kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 3 năm sau. “Trồng ở bãi bồi thì cũng nhiều rủi ro như mưa lụt ảnh hưởng đến thời gian xuống giống, kéo theo việc thời gian thu hoạch bị rút ngắn, làm giảm năng suất”, Sơn đúc kết.
Cây dâu tây bén đất, hợp khí hậu, trong 2 năm qua, trung bình mỗi cây dự kiến cho thu hoạch 10 quả, trọng lượng 200g. Với giá bán tại vườn 30.000 đồng/100g. Hiện anh đang thử nghiệm loại giống mới, mỗi quả có thể đạt được trọng lượng 40g. Cũng theo chàng trai 9X này, quá trình trồng dâu tây thực tế không đơn giản. Từ trồng, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ... một mình làm hết. Không những vậy, với điều kiện khí hậu ở Nghệ An, việc canh tác một loại cây trên đất bãi sẽ khó khả thi. Bởi vậy, Sơn trồng các loại rau theo nguyên tắc mùa nào cây nấy, xen canh, đa dạng hàng hóa phục vụ thị trường. Thậm chí, Sơn đang có kế hoạch dài hơi hơn khi quyết định sẽ thử nghiệm trồng nho. Hiện trung bình mỗi ngày, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, vườn dâu tây của anh Sơn đón khoảng 50 lượt khách tham quan, trải nghiệm và cho thu hoạch khoảng 10kg quả dâu.
Không chỉ phát triển quy mô trang trại, thử nghiệm và bước đầu thành công với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống. Hiện Nguyễn Văn Sơn đang tích cực chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng. Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh do anh làm giám đốc có 20 thành viên, chủ yếu là nông dân xã Hưng Thành. "Điều quan trọng nhất là các xã viên đã thay đổi tư duy sản xuất, phương thức canh tác, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và có giá trị cao. Bình quân thu nhập của hợp tác xã đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm", Nguyễn Văn Sơn cho hay.
Nói về vườn dâu tây của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Sơn, ông Ngô Minh Hạ - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thành cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình trồng dâu tây cũng như các loại cây nông sản khác của anh Sơn. Bằng kiến thức và kinh nghiệm, anh Sơn đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đây là cách làm hay, sáng tạo mà bằng cách này nhiều hộ gia đình có thể mở rộng sản xuất theo hướng công nghệ cao, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống.