Vướng luật, khó hội nhập

Minh Phương (ghi) 18/05/2017 09:10

Để có một môi trường cạnh tranh thực sự lành mạnh, yếu tố quyết định là Luật Cạnh tranh phải có vai trò “cầm cân nảy mực”. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), sửa đổi Luật là cần thiết để hướng đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Bởi, Luật còn bất cập, DN Việt sẽ rất khó hội nhập.

Ông Nguyễn Phương Nam.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sau 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh,số lượng vụ việc xử lý các hành vi không lành mạnh vẫn rất hãn hữu. Tại sao lại có thực trạng này, thưa ông, do năng lực của cơ quan thực thi hay do Luật có nhiều khiếm khuyết?

Ông Nguyễn Phương Nam: Luật Cạnh tranh được xây dựng từ năm 2014 và trong quá trình triển khai chúng tôi nhận thấy, có những vấn đề “hóc búa” phức tạp thì Luật lại xây dựng quá đơn giản, nhưng có những vấn đề đơn giản thì lại xây dựng thành phức tạp. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã tham vấn Việt Nam cần thiết phải sửa đổi Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, phải mất tới 7 năm tranh cãi trong nội bộ và bây giờ bước sang năm thứ 8 Luật này mới được phép chấp thuận cho sửa đổi.

Bên cạnh vấn đề về nhận thức thì còn phải kể đến sự động chạm vào “lòng tự ái” của những người đã xây dựng luật này từ trước, họ luôn tự hào đây là con đẻ trí tuệ của họ và sợ những người đi sau sẽ biến “con đẻ thành con lai”. Do đó, đến giờ Luật Cạnh tranh mới chính thức được sửa đổi mặc dù đã tồn tại khá nhiều điểm bất cập từ lâu.

Luật Cạnh tranh sửa đổi có được tham khảo từ các Luật Cạnh tranh của các nước hay không, thưa ông?

- Chúng tôi phân ra 3 dòng quốc gia mà Việt Nam cần phải nghiên cứu, tham khảo. Thứ nhất, các nước có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Canada, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thứ hai, các nước trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ. Thứ ba, các nước phát triển tương đồng như các nước ASEAN.

Như vậy, việc tham khảo Luật Cạnh tranh của Việt Nam tương đối triệt để. Tuy nhiên, tính tiếp thu của Luật trong thời gian tới nên như thế nào? Bởi có những quốc gia phát triển quá cao thì sự tiếp cận và tiếp thu của chúng ta phải làm sao xác định được thực trạng của nền kinh tế hiện nay, phán đoán xu hướng sắp tới cho nền kinh tế Việt Nam từ 5 – 10 năm tới ra sao. Mục tiêu tiệm cận cũng phải đạt dần đến trình độ thế giới. Cho nên khi xây dựng cần tránh tình trạng vừa xây xong đã lạc hậu, nhưng cũng không được xây dựng theo kiểu “viển vông”.

Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế thị trường và chúng ta đã đề nghị Hoa Kỳ công nhận chúng ta là nền kinh tế thị trường. Một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có khó khăn gì trong việc công nhận này không thưa ông?

- Luật Cạnh tranh của Việt Nam hướng tới một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển theo đúng nghĩa thị trường. Còn có thêm định hướng xã hội chủ nghĩa là sự sáng tạo cao cả của Việt Nam. Còn tại sao chúng ta mong muốn Hoa Kỳ và EU công nhận là nước có nền kinh tế thị trường? Tại Nghị định thư khi Việt Nam ký kết gia nhận Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với tư cách là thành viên chính thức, tại điều 15 a và 15 b, Việt Nam cũng giống Trung Quốc là hai nền kinh tế có sự can thiệp của nhà nước và có thành phần kinh tế nhà nước rất lớn. Chính vì vậy cần một giai đoạn mang tính quá độ. Nguyên tắc khi vào WTO sau 15 năm sẽ mặc nhiên được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, kế hoạch này với Việt Nam là tháng 12/2018.

Để được công nhận là nền kinh tế thị trường, Hoa Kỳ có luật công nhận quốc gia khác là nền kinh tế thị trường với 6 tiêu chí, còn EU là 5. Cục Quản lý cạnh tranh được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, làm đầu mối giải trình thể chế và kinh tế theo điều kiện kinh tế thị trường như thế nào. Tầm quan trọng để được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ tránh được tác động của bất cứ quốc gia nào có ý định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu như Việt Nam không được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, thì tôm hay cá sẽ bị ‘kêu” tại sao giá rẻ. Chúng ta chứng minh rẻ do nhân công rẻ, điều kiện thiên nhiên tốt… nhưng họ không nghe và không tin vào cách chứng minh này. Họ sẽ lấy số liệu từ quốc gia khác như Phillipiness, Bangladesh để áp vào giá của Việt Nam, từ những dữ liệu của các nước này sẽ làm cho biên độ phá giá của chúng ta rất cao. Đây là điều rất nguy hiểm.

Công cụ phòng vệ thương mại liên quan rất nhiều tới Hoa Kỳ, EU. Đây là hai thị trường xuất khẩu chính và chúng ta cần sự thừa nhận của họ rằng Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không, còn không họ sẽ không sử dụng dữ liệu sẵn có của chúng ta, mà sẽ sử dụng dữ liệu của quốc gia thứ ba, điều này dẫn đến nhiều bất lợi cho Việt Nam. Do vậy, để được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường là yếu tố rất quan trọng tạo đà cho các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vướng luật, khó hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO