Thông tin về việc hầm đường bộ Hải Vân có thể ngừng hoạt động do thiếu chi phí vận hành, nợ tiền của đơn vị cung cấp điện, đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.
Hầm đường bộ Hải Vân. (nguồn HAMADECO).
Nguy cơ gián đoạn hoạt động hầm đường bộ Hải Vân được ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư (CPĐT) Đèo Cả (đơn vị quản lý, vận hành hầm đường bộ Hải Vân) đề cập đến trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí ngày 29/10.
Hầm đường bộ 127. 357.000 USD, nợ 2,6 tỷ tiền điện
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết ngày 1/11, ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), xác nhận số tiền điện mà Công ty quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) nợ của PC Đà Nẵng từ ngày 25/9/2018 đến ngày 25/10/2018 là 2,6 tỷ đồng.
Giám đốc PC Đà Nẵng tiếp tục khẳng định, không có chuyện ngừng cung cấp điện cho HAMADECO bởi hầm đường bộ Hải Vân là công trình giao thông huyết mạch, quan trọng của quốc gia. Hiện PC Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, thông báo về việc HAMADECO chậm thanh toán tiền điện, vi phạm Luật Điện lực. Nếu tiếp tục chậm thanh toán, nợ phát sinh tiền điện của HAMADECO đến ngày 25/12 dự kiến là 3,5 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Tấn Cư, đây là lần đầu tiên HAMADECO nợ tiền điện. Số tiền nợ lên đến 2,6 tỷ đồng trong 1 tháng buộc Điện lực Liên Chiểu (thuộc PC Đà Nẵng), đơn vị trực tiếp ký hợp đồng cung cấp điện cho HAMADECO liên tục phát công văn đòi nợ. Tại các văn bản gửi HAMADECO trong tháng 9/2018, Điện lực Liên Chiểu cho biết sẽ buộc phải ngừng cung cấp điện đối với HAMADECO theo Luật Điện lực nếu đơn vị này không thanh toán dứt điểm tiền nợ vào ngày 28/9.
HAMADECO là đơn vị được Công ty CPĐT Đèo Cả ký hợp đồng, giao quản lý, vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm đường bộ Hải Vân 1. Bị hối thúc đòi nợ, ngày 1/10/2018, ông Nguyễn Xuân Hường, Tổng Giám đốc HAMADECO gửi văn bản đến Công ty CPĐT Đèo Cả, yêu cầu đơn vị này thanh toán chi phí vận hành quý II và quý III/2018 hầm đường bộ Hải Vân 1 trước ngày 15/10.
Nguy cơ gián đoạn lưu thông
Nguy cơ gián đoạn hầm đường bộ (tổng mức đầu tư 127. 357.000 USD, tổng chiều dài 15,1 km, được ghi nhận dài nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á vào thời điểm đưa vào khai thác năm 2005) thể hiện tại các văn bản của Công ty CPĐT Đèo Cả và HAMADECO trong tháng 10/2018.
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí ngày 29/10, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả, đưa ra cảnh báo về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Hải Vân 1 vì chi phí cho hoạt động của 2 hầm đường bộ này nằm ngoài khẳ năng của doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 26/10, Công ty CPĐT Đèo Cả cùng lúc có văn bản (số 1276 và 1277/2018/ĐC) gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và UBND TP Đà Nẵng, nêu rõ: “Trong trường hợp vì các lý do khách quan như bị Điện lực cắt diện, người lao động đình công…, làm gián đoạn công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL 1A qua đèo Hải Vân, dẫn đến mất an toàn giao thông, đề nghị UBND (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng) phối hợp, hỗ trợ Công ty CPĐT Đèo Cả trong các vấn đề phát sinh…”
Tại văn bản số 245/2018/HAMADECO ngày 1/10/2018 gửi Công ty CPĐT Đèo Cả, ông Nguyễn Xuân Hường, Tổng Giám đốc HMADECO cũng yêu cầu Công ty CPĐT Đèo Cả thanh toán phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 trước ngày 15/10/2018.
“Quá thời gian trên, do không có kinh phí dẫn đến không thanh toán được tiền điện, tiền lương công nhân, làm gián đoạn công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1, Công ty không hoàn toàn chịu trách nhiệm”- văn bản của HAMADECO nhấn mạnh.
Mục tiêu thu phí
Trong thông cáo báo chí ngày 29/10, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả cho biết: Hầm Hải Vân 1 được Nhà nước đầu tư bằng vốn vay của JBIC (Nhật Bản). Từ năm 2005 đến năm 2015, chi phí quản lý vận hành hầm được Nhà nước chi trả. Từ tháng 11/2015 Công ty CPDT Đèo Cả được Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam giao quản lý, vận hành hầm đường bộ Hải Vân 1 và tuyến QL 1 qua đèo Hải Vân bằng nguồn kinh phí của Công ty.
Đến thời điểm hiện nay Công ty CPĐT Đèo Cả đã chi 900 tỷ đồng thực hiện nâng cấp và hơn 300 tỷ đồng quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1. Theo ông Lưu Xuân Thủy, Công ty CPĐT cần tổng chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 trong 28 năm là 2.664 tỷ đồng (nếu tính thêm hệ số trượt giá, sẽ là 5.548 tỷ đồng). Do nhà đầu tư không được thu phí hoàn vốn theo cam kết tại trạm Nam Hải Vân mà thu chung tại trạm Bắc Hải Vân (thu cho 2 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng) cũng như Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng bỏ trạm thu phí La Sơn – Túy Loan; đã làm giảm nghiêm trọng nguồn thu của dự án.
Tại văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và UBND TP Đà Nẵng ngày 26/10, ông Lưu Xuân Thủy đề cập đến cam kết của Bộ Giao thông Vận tải với Công ty này là được thu phí ở trạm Nam Hải Vân từ ngày 1/1/2017 nhưng đến nay chưa thực hiện được. Những diễn biến nói trên cho thấy nhà đầu tư đang hướng đến mục tiêu đặt trạm thu phí Nam Hải Vân nhằm trang trải chi phí quản lý, vận hành. Nếu trạm thu phí Nam Hải Vân đi vào hoạt động, cửa ngõ phía Bắc và phía Nam TP Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 3 trạm thu phí.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết tại buổi giao ban báo chí ngày 1/11, ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở Giao Thông Vận tải Đà Nẵng cho biết, hầm đường bộ Hải Vân và QL 1 do Bộ Giao thông Vân tải quản lý, địa phương chưa được cung cấp các thông tin liên quan.