Trước thềm cuộc bầu cử nghị viện vùng Scotland, dự kiến diễn ra vào ngày 6/5 tới, bầu không khí chính trị ở nước Anh nóng lên khi ý định tách vùng Scotland khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh được coi là trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử của các đảng phái đòi độc lập.
Lãnh đạo đảng Alba - cựu Thủ hiến vùng Scotland Alex Salmond, khẳng định vấn đề độc lập của vùng Scotland là ưu tiên hàng đầu trong cương lĩnh tranh cử của đảng này (đảng Alba mới thành lập), bởi đó là một phần thiết yếu của việc xây dựng một xã hội mới, khác biệt và tốt đẹp hơn. Ông này cho rằng Thủ hiến đương nhiệm của Scotland, bà Nicola Sturgeon, đang làm chậm tiến độ độc lập của Scotland, khi chỉ muốn tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần hai vào năm 2023.
London lo lắng, châu Âu hồi hộp
“Độc lập cho Scotland” - ở thời điểm này người ta không khó để thấy những khẩu hiệu tương tự như vậy. Điều đó gợi lại cuộc “li hôn đầy nước mắt” giữa Anh và EU với tên gọi Brexit, hết sức vật vã những năm qua, trải qua 3 đời Thủ tướng cho đến giờ vẫn chưa “dứt điểm” hoàn toàn. Lúc đó, 52% số người ủng hộ Brexit còn 48% nói “không”.
Lần này, nếu vùng Scotland cũng “ra riêng” thì sự đổ vỡ của Liên hiệp Vương quốc Anh là điều khó tránh khỏi.
Đòi hỏi độc lập của Scotland đưa ra vào lúc đại dịch Covid-19 ở Anh vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề “hộ chiếu vaccine” cũng chưa ngã ngũ. Nói trên tờ The Guardian, người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson khẳng định, Chính phủ Anh đang tập trung giải quyết đại dịch Covid-19, vì vậy việc tổ chức trưng cầu ý dân vào thời điểm này là không phù hợp.
Trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Scotland hồi năm 2014, có 55% số cử tri ủng hộ Scotland ở lại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, trong khi 45% muốn độc lập.
Việc Scotland đòi độc lập khỏi Vương quốc Anh không chỉ khiến Lodon lo lắng, mà cả châu Âu cũng rất hồi hộp. 18/9/2014 có thể là ngày định mệnh của Anh vì hơn 300 năm sau ngày thành lập Liên hiệp Vương quốc, Anh có thể mất đi một vùng lãnh thổ quan trọng. Từ khi thành lập, Vương quốc Anh gồm 4 thực thể: Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland.
Mặc dù sáp nhập vào Vương quốc Anh kể từ năm 1707, nhưng trên thực tế, Scotland vẫn giữ sự độc lập về hệ thống pháp luật, giáo dục và bản sắc văn hóa riêng. London vẫn để cho Scotland quản lý hơn 50% thuế thu được trong khi nước này chỉ đem về 10% GDP cho Vương Quốc Anh. Nhưng, điều đáng nói là 90% dự trữ dầu hỏa của Anh đều nằm ở vùng biển thuộc về Scotland. Trong mọi trường hợp, London sẽ mất mát rất nhiều nếu như vùng lãnh thổ này rời khỏi ngôi nhà chung.
Lý do của việc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của người dân Scotland là họ đang phải chia sẻ gánh nặng kinh tế với Vương quốc Anh. Quy mô khoảng 5 triệu dân và GDP hơn 200 tỷ USD, Scotland đang hướng tới một mô hình phát triển như Na Uy. Đây chính là nguyên cớ để giới chức Scotland nóng lòng được độc lập.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã tuyên bố, Scotland khó trở thành thành viên của EU nếu tách ra khỏi Anh bởi Scotland phải nhận nguồn viện trợ từ Anh 27 tỷ bảng (20% GDP/năm). Điều này rất có thể biến Scotland trở thành Hy Lạp thứ hai nếu gia nhập EU hay Eurozone.
“Dự án Tình yêu” của Thủ tướng Boris Johnson
Trong khi đó, để cứu vãn tình hình trong một nỗ lực hàn gắn đất nước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định chọn một cách tiếp cận khác với chiến dịch Brexit bắt đầu 5 năm trước. “Dự án Tình yêu” sẽ là nỗ lực “cháy chậm” trước cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, để tất cả mọi người ở Scotland, Wales và Bắc Ireland có thời gian để nhận ra rằng “gia đình quốc gia” hiện tại có ý nghĩa thế nào với họ.
Theo quan điểm của Lodon, “Dự án Tình yêu” sẽ tích cực và chủ động, thể hiện giá trị của Vương quốc đối với tất cả công dân của mình. Trọng tâm “cuộc tấn công quyến rũ” của Điện Westminster sẽ là kế hoạch thay thế nguồn tiền mặt đầu tư từ EU bằng một “quỹ thịnh vượng chung” mới, được quản lý từ London. Người ta hy vọng nó sẽ trở thành một công cụ để thể hiện giá trị của Vương quốc Anh thống nhất. Điện Westminster cũng muốn thúc đẩy các “hợp đồng phát triển”, rót hàng trăm triệu bảng đầu tư cho các doanh nghiệp và dự án ở địa phương.
Giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Anh Boris Johnson không dễ dàng vượt qua thử thách này, cho dù “Dự án Tình yêu” được cho là đầy tham vọng. Nếu như với Brexit, cả 3 đời thủ tướng (cho đến ông Johnson) đều muốn Anh tách khỏi EU thì nay lại phải làm ngược lại: Đó là níu kéo để không bị tan rã. “Kinh nghiệm của Brexit không giúp ích gì khi Scotland đòi độc lập. Đó là hai việc trái ngược nhau” - một lãnh đạo Công đảng nhận xét.
Nhưng, nói như Thủ tướng Boris Johnson, thì “chúng ta vẫn còn thời gian để suy nghĩ cho đến lúc nhận ra rằng thời gian ‘chung sống’ đã kéo dài hơn 300 hẳn phải có lý do của nó. Chúng ta sẽ vượt qua thử thách này cũng như đang nắm tay nhau vượt qua Covid-19”.
Theo số liệu Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Anh, dân số vương quốc này tăng lên 67,1 triệu người vào giữa năm 2020, từ mức 66,8 triệu người vào giữa năm 2019. Đây là mức tăng dân số hằng năm thấp nhất kể từ năm 2003, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 127.000 người tại Anh, mức cao nhất châu Âu, dù hầu hết được ghi nhận vào nửa cuối năm 2020. Trong khi đó, dịch bệnh đã làm giảm mạnh số người nhập cư vào Anh. Như vậy, tỷ lệ tăng dân số Anh trong năm đã giảm từ mức 0,54% hồi giữa năm 2019 xuống còn 0,47% giữa năm 2020.