Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) thông báo: Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Libya đã vớt được 22 thi thể người di cư ở ngoài khơi thị trấn duyên hải Zwara.
Toàn bộ các nạn nhân là người tìm đường vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu nơi mà họ gọi là “giấc mơ xanh”.
“Biển máu”
Trước đó, ngày 19/8, IOM và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết một vụ đắm tàu đã xảy ra ở ngoài khơi thị trấn Zwara của Libya, khiến 45 người di cư thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em. Ngoài ra, có 37 người trên tàu này may mắn đã được các ngư dân đang đánh cá ngoài khơi cứu sống kịp thời.
Người phát ngôn của IOM tại Geneva là bà Safa Msehli cho biết nhiều khả năng 22 thi thể được tìm thấy ở ngoài khơi thị trấn Zwara là những nạn nhân trong vụ đắm tàu trên. Hiện chưa xác định được danh tính những người này.
Theo IOM và UNHCR, thảm họa đắm tàu trên đã nâng tổng số người di cư và tị nạn thiệt mạng trên tuyến đường biển này lên 302 người trong vòng hai tháng qua. “Nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi nhiều vụ đắm tàu đã bị sóng biển cuốn trôi mà không có tin tức” – đại diện IOM nói với truyền thông.
Những gì mà IOM đưa ra trùng với những cảnh báo một năm trước của Liên hợp quốc về tình trạng di cư trái phép bằng đường biển tại Lybia. Theo đó, rủi ro người di dân và tị nạn tử vong do chìm tàu ở biển Địa Trung Hải đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, vì sự thiếu hụt của các tàu cứu hộ phi chính phủ, trong khi xung đột đang tiếp diễn ở Libya khiến số lượng tàu khởi hành tăng cao đáng báo động.
“Nếu chúng ta không sớm can thiệp, sẽ có một biển máu”- Bà Carlotta Sami, Phát ngôn viên của Cao ủy UNHCR cho biết tại Italia.
Hàng ngàn người đang chuẩn bị rời khỏi Libya khi nước này đang bị chiến tranh tàn phá, cộng với lũ lụt do mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, nếu không có tàu cứu hộ, số lượng các vụ đắm tàu sẽ tăng cao đột biến.
Theo các nhóm cứu trợ, chỉ trong vòng hơn một tháng đã có khoảng 700 người đã khởi hành từ bờ biển Libya, và chỉ có 5% trong số đó bị ngăn chặn bởi lực lượng bảo vệ biển và đưa trở về các trại tị nạn. 40% đến được Malta và 11% cập bến Italia. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với số người còn lại.
Mặc dù tổng số người tử vong đã giảm trong năm vừa qua, số người chết đuối so với tỉ lệ những người đến được châu Âu từ Libya đã tăng vọt trong năm nay. Theo dữ liệu từ UNHCR và IOM, khoảng 4.000 người đã cập bến Italia từ Bắc Phi kể từ đầu 2019, và gần 350 người đã chết trên đường đi. Theo đó, tỉ lệ tử vong trong những người vượt biển vào khoảng 15%.
Bà Sami cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một sự tăng vọt trong lượng tàu vượt biển. Hiển nhiên là, những người di cư không có tiếng nói gì trong việc rời đi khi nào và như thế nào. Những trùm buôn người đưa ra quyết định đó thay họ. Những người đó thì chẳng hề mảy may nghĩ đến chuyện mọi người đến nơi còn sống hay đã chết. Trong những ngày gần đây, càng ngày càng có nhiều thêm những con tàu chở đầy ứ người. Ai sẽ cứu họ nếu tàu bị đắm?”
Khó đến “giấc mơ xanh”
Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya đã chìm trong tình trạng bạo lực, bất ổn, và trở thành một điểm khởi hành đối với hàng nghìn người di cư bất hợp pháp, chủ yếu là công dân các nước châu Phi, tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu. “Với những gì họ đang sống thì châu Âu là một giấc mơ xanh đối với họ. Họ tìm đến châu Âu bằng mọi giá” – Đại diện IOM nói.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, tính từ tháng 1 đến cuối tháng 4 năm nay, số người di cư đến khu vực bờ biển Libya để tìm đường sang châu Âu đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, con số của IOM, trong 2019, hơn 100.000 người di cư đã tìm cách vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu.
Người đứng đầu phái bộ IOM tại Libya cho rằng những vụ việc người di cư thiệt mạng thảm khốc trên biển là do chính sách ngày càng cứng rắn đối với những người phải rời bỏ quê nhà lánh nạn xung đột và nghèo đói, và do thế giới không giải quyết được một cách nhân đạo làn sóng di cư.