Vượt qua thách thức - Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế tạo mới

Ảnh: Hoàng Long 24/10/2015 09:55

Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu như chúng ta biết đối mặt và vượt qua những thách thức đặt ra. Đó là nhận định chung của các đại biểu tại hội thảo quốc tế: “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 24/10.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc hội thảo.

GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương chủ trì hội thảo.

Điểm đến trong làn sóng dịch chuyển

Một quốc gia được xem là trung tâm chế tạo (TTCT) của một châu lục hay thế giới phải là quốc gia tập trung nhiều nhà máy, công xưởng sản xuất lớn với những công nghệ cao, có hàng hoá xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn so với các nước khác ở một hoặc nhiều ngành công nghiệp. Vì vậy, không phải quốc gia nào cũng có thể phát triển thành TTCT của thế giới.

Những quốc gia nào có lợi thế về nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ cùng với những chính sách của Chính phủ tạo thuận lợi cho các công tư nước ngoài sẽ có cơ hội phát triển thành TTCT của thế giới. Điển hình trong số các quốc gia này là Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.

Việt Nam là một đất nước đang phát triển. Sau 30 năm đổi mới (1986-2016), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta vẫn chưa hình thành được các ngành công nghiệp có tính nền tảng cho nền kinh tế; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phân tán, manh mún, công nghiệp hỗ trợ còn non yếu.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định mục tiêu đẩy mạnh CNH – HĐH và phát triển trí thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian gần đây, cùng với những thay đổi về tình hình phát triển của các nền kinh tế hậu khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và sự thay đổi về vị trí và chiến lược của các quốc gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã cho rằng, Việt Nam có khả năng là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới.

Quang cảnh hội thảo.

Cơ hội lớn của Việt Nam

Đứng trước mỗi sự kiện diễn ra, chúng ta luôn phải đối mặt với cả thời cơ lẫn thách thức. Trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội.

Việt Nam hiện đã tham gia nhiều tổ chức kinh tế, diễn đàn quốc tế quan trọng như thành viên WTO, ASEAN, ASEAN +3, ASEM, APEC, các hiệp đinh thương mại song phương với các đối tác kinh tế quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam vừa đàm phán thành công trở thành thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam phát triển, tạo ra hiệu ứng tích cực đáng kể đối với đầu tư và xuất khẩu của đất nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Đông Nam Á cho thấy nước này không còn được xem là công xưởng chính của thế giới. Trong khi đó, dòng vốn Nhật Bản đang chuyển mạnh vào Việt Nam. Có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát tại “Diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam – Nhật Bản 2015”cho biết sẽ chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước Châu Á sang Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Công bố của Bộ Tài chính Hàn Quốc cũng cho thấy, trong nửa đầu năm 2015, đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm đến 31,2%. Sự chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc là thực tế khách quan khi mà nước này đã phát triển đến ngưỡng không còn lợi thế nhân công giá rẻ và chi phí thuê mặt bằng thấp. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ bong bóng bất động sản và chứng khoán càng làm cho xu hướng rút vốn ra khỏi nước này rõ nét hơn.

Tuy nhiên, theo một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, hiện nay, thị phần toàn cầu của Trung Quốc về các sản phẩm cần nhiều lao động truyền thống như dệt, may mặc và giày dép vẫn còn cao so với các đối thủ cạnh tranh từ các khu vực đang phát triển, dù có sự tăng lên gần đây cuả các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong EAP (Việt Nam và Indonesia), cũng như ở Nam Á (Ấn Độ và Bangladesh) và Châu Âu, Trung Á (Thổ Nhĩ Kỳ).

Ngân hàng thế giới gợi ý cho khu vực EAP đang phát triển là việc tăng năng suất, hậu cần, cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư của mình lên là sẽ rất quan trọng trong việc cạnh tranh cho hoạt động công nghiệp mà sẽ ngày càng chịu nhiều áp lực ở Trung Quốc.

Đối mặt với thách thức

Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới sẽ mang lại cho nhiều chúng ta nhiều lợi ích nếu như chúng ta biết đối mặt với thách thức đặt ra. Nếu không, thiệt hại mang lại không nhỏ.

Theo Ths. Trần Thị Thành, trường Đại học Công nghệ TP. HCM, thực tế cho thấy, sau gần 30 năm đổi mới nước ta vẫn chưa chọn được ngành công nghiệp mục tiêu, trong khi quá trình công nghiệp hoá phải đi đôi với phát triển ngành công nghiệp mục tiêu.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Chính phủ xác định 3 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành công nghiệp và viễn thông; ngành năng lượng mới và năng lượng chế tạo mới của thế giới sẽ là những ngành công nghiệp mục tiêu.

Liệu ngành chế biến, chế tạo của nước ta đã chuẩn bị sẵn sàng? Ths Trần Thị Thành đặt câu hỏi, và nhấn mạnh, mục tiêu chung vẫn là sự phát triển bền vững. Sự phát triển này đòi hỏi sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và Nhà nước. Mặc dù những năm qua, Nhà nước ta không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn đó sự nhũng nhiễu, những thủ tục rườm rà, sự thiếu minh bạch trong quản lý.

Muốn trở thành trung tâm chế tạo mới, thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam, vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bà Trần Thị Thành cho rằng, Nhà nước cần cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật, sự minh bạch trong quản lý.

Bên cạnh đó, các dự án ào ạt đăng ký vào Việt Nam, việc lựa chọn, quản lý các dự án này là thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý.

“Khi Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới, các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành phải tự thân vận động, cải thiện năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cao sản xuất. Nếu không, các nhà đầu tư nước ngoài có thể “nuốt” luôn doanh nghiệp Việt Nam’ ThS Trần Thị Thành khẳng định.

Việt Nam quyết tâm trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới nhưng theo TS Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo BIDV, Việt Nam có điều kiện gì để chế tạo? ngành nào tham gia? bán cho ai? và bán như thế nào?

Đề xuất 5 ngành trọng tâm để chế tạo mới đó là ngành dệt may; giầy dép; điện tử điện máy; cơ khí và ngành năng lượng, ông Cấn Văn Lực cho rằng, 5 ngành này đóng góp 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho đất nước. Nhưng muốn làm được như vậy, phải khắc phục được 4 điểm đó là: đổi mới thể chế, hạ tầng cơ sở, năng lực khoa học công nghệ và mức độ sáng tạo. Nếu chiểu theo 4 điểm trên thì Việt Nam hiện đang xếp hạng sau Trung Quốc, Indonesia ,Thái Lan.

“Để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới, việc quy hoạch và chiến lược phát triển cần phải làm quyết liệt. Chiến lược này phải gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế - XH đã được Đảng, Chính phủ đã thông qua. Và trong hội nhập không bao giờ được quên quyền lợi của người lao động, vấn đề bảo vệ môi trường. Bài học của Trung Quốc trong việc bảo vệ môi trường đã trở thành bài học đáng giá với chúng ta ngày hôm nay”, ông Lực nhấn mạnh.

Điều chỉnh quy hoạch các ngành trọng điểm

Dệt may được xem là 1 trong 5 ngành trọng tâm để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới.

Theo TS Trương Văn Cẩn, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ khi Việt Nam gia nhập WTO cho đến trước năm 2015, ngành Dệt may Việt Nam đã là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ cường quốc dệt may Trung Quốc sang Việt Nam và một số nước trong khu vực đã dần được rõ nét. Nguyên nhân để các nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào ngành dệt may đó là giá nhân công thấp, thu nhập của người lao động dệt may Việt Nam chưa bằng 50% thu nhập của người Trung Quốc. Việt Nam lại đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với nguồn lao động dồi dào bắt đầu từ năm 2007 và sẽ kéo dài khoảng 20 – 30 năm.

Trước những cơ hội như vậy, ông Cẩn kiến nghị các bộ, ngành Trung ương nên điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Dệt may Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2035 cho phù hợp với tình hình và điều kiện mới.

“Quy hoạch các khu vực sản xuất dệt may lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất việc hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu vực này… Đối với địa phương, cần nghiên cứu quy hoạch, bố trí các khu công nghiệp dệt may tại địa phương phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước, tránh chồng chéo”, ông Trương Văn Cẩn nhấn mạnh.

Ý tưởng để Việt Nam trong 10 – 15 năm tới trở thành một trung tâm chế biến và chế tạo mới của thế giới, theo KS. Đào Phan Long, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam là một ý tưởng táo bạo. Nếu thực hiện được việc này thì Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển. Nhưng để ý tưởng đó thành hiện thực thì Nhà nước phải có hàng loạt các chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư.

Trên cơ sở kế thừa kết quả phát triển công nghiệp cơ khí 15 năm qua, hiện tại sản xuất của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đã có một số doanh nghiệp, một số sản phẩm có thể tiếp tục phát triển cũng như đầu tư trong thời gian tới, đủ sức cạnh tranh quốc tế đó là đóng tàu viễn dưỡng, tàu cá, tàu du lịch, quy hoạch một số địa điểm làm dịch vụ và sửa chữa tàu biển để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế…

Xây dựng ước mơ Việt Nam

Hội thảo quốc tế bàn về việc làm thế nào để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015 diễn ra trong một ngày, được ví như một “hội nghị diên hồng” với sự đóng góp trí tuệ của các doanh nghiệp, trí thức đến từ nhiều tổ chức, hiệp hội từ rất nhiều nước trên thế giới với 36 tham luận. Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình và Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa chủ trì ở 3 phần của hội thảo. Tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất để người chủ trì trao đổi thảo luận với các đại biểu.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bản thân ông đã thay đổi suy nghĩ sau khi được tham dự và trao đổi thảo luận cùng các đại biểu. Tất cả những ý kiến này đều là những nghiên cứu sâu sắc, những kinh nghiệm quý báu được đóng góp và xây dựng cho tương lai của Việt Nam, góp phần thực hiện ước mơ đưa Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới.

Muốn trở thành một trung tâm chế tạo của thế giới, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta phải khoả lấp những chỗ trống.

Đó là trước khi Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới thì phải ổn định kinh tế, chính trị, không ngừng đổi mới về khoa học và công nghệ. Đặc biệt cần khắc phục những chính sách chưa được thực hiện tốt để chúng ta sáng tạo được nhiều hơn nữa trong tương lai.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, người Việt Nam, nhất là thanh niên Việt Nam rất hăng say sáng tạo. Năm 2010, Giáo sư Ngô Bảo Châu- người Việt Nam đầu tiên, quốc gia đầu tiên ở Châu Á được nhận Giải thưởng Fields danh giá. Hay như tại trường ĐH Kỹ thuật Hưng Yên, dù mới chỉ có 7 năm thành lập nhưng sinh viên nhà trường đã giành được giải đầu tiên trong cuộc thi robốt tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

“Mức thu nhập của chúng ta nếu so sánh với Trung Quốc, Nhật Bản thì thấp hơn rất nhiều nhưng thanh niên của chúng ta lại có tinh thần sáng tạo không ngừng, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và mong mỏi Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn về KHCN cũng như giáo dục để những ngành này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tại Việt Nam.

Hiện nay, trong ngành chế biến, chế tạo mới như giầy da, dệt may…Việt Nam mới chỉ sản xuất chứ chưa thiết kế được nhiều mặt hàng trong khi đối với những ngành nghề này giá trị gia tăng cao lại nằm ở khâu thiết kế và phân phối sản phẩm. Vì vậy, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân không có cách nào khác, phải đẩy mạnh thiết kế sản phẩm, phải trao đổi hợp tác với nhau nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.

Sau hội thảo này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các bên sẽ phối hợp với nhau để đề xuất với Chính phủ về việc Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới và tìm các giải pháp để Việt Nam có thể tận dụng được tiềm năng này. Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da Giầy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam….sẽ phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan nghiên cứu, ngành Ngân hàng để xem xét với mỗi một mặt hàng để có một hành động cụ thể, giải pháp cụ thể phù hợp với bối cảnh để Việt Nam thực sự trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới.

“Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, đồng thời sẽ rà soát lại cách tiếp cận của mình để có thể phối hợp một cách chặt chẽ hơn. Nếu đại diện tổ chức Phi Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác quan tâm, chúng tôi sẵn sàng trao đổi để làm thế nào có thể phát triển được 2 trụ cột là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình:

Xây dựng Bản tổng hợp kiến nghị của Hội thảo

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.

Ngành Ngân hàng Việt Nam trong những năm qua luôn song hành và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xứng đáng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế. Cho đến nay, vốn tín dụng ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu vốn từ thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng của đất nước. Hội thảo này sẽ góp phần cung cấp luận cứ cho xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng như tầm nhìn Việt Nam 2035. Đây thực sự là hoạt động khoa học thiết thực hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Sau Hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức xây dựng Bản tổng hợp kiến nghị của Hội thảo với mong muốn có những đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia,
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương

Cách đây 10 năm, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng hóa thông thường, còn hiện nay rất đa dạng, thậm chí, có cả một số mặt hàng có giá trị cao như điện thoại di động, đồ điện tử. Trong 10 năm tới, sẽ có 90 tỷ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến chế tạo. Lĩnh vực này cũng chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tỉ trọng này còn nhỏ hơn nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia. Nhưng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành TTCT mới của thế giới khi tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập và là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam:

Miền đất hứa của ngành dệt may thế giới

Ông Lê Tiến Trường

Theo xu hướng dịch chuyển của dệt may thế giới, Việt Nam sẽ trở thành “miền đất hứa” của ngành công nghiệp dệt may thế giới. Quy mô và trình độ nguồn nhân lực Việt Nam liên tục được cải thiện, chi phí lao động thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dệt may Việt Nam, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu sẽ tạo ra việc làm cho 100.000 người lao động trong các doanh nghiệp may mặc và 50 – 100.000 người lao động trong các doanh nghiệp hỗ trợ khác. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2020 ước đạt 50 tỷ USD, như vậy số lao động ngành Dệt may Việt Nam có sức cạnh tranh cao so với các nước có thế mạnh về sản xuất dệt may xuất khẩu.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Dạ Yến - Nguyễn Phượng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua thách thức - Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế tạo mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO