Vượt thách thức, đón thời cơ

Nguyên Khánh 09/05/2020 20:55

Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Vượt thách thức, đón thời cơ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Việt Nam đang theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế, đi kèm cải cách và cơ cấu, để ngọn lửa tăng trưởng sớm bùng lên khi dịch được kiểm soát tốt- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị.

Đồng thời Thủ tướng chỉ rõ không thể chấp nhận “virus trì trệ”, không nói suông, không nói rồi để đó; cũng không phải là lúc “quyền anh, quyền tôi” mà tất cả phải vì sự phát triển của đất nước, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam.

6 đề nghị của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng doanh nghiệp (DN) phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả. Thủ tướng nêu rõ đây là Hội nghị thể hiện sự kết tinh của tinh thần yêu nước, của người dân và DN đối với sự phát triển của đất nước, một quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng.

Hội nghị phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng tốc phát triển. Thủ tướng nêu rõ, lúc này không phải “quyền anh, quyền tôi” mà phải là vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.

“Vậy virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan, tổ chức khác, bộ, ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong DN của chúng ta”- trên tinh thần ấy Thủ tướng đưa ra 6 đề nghị với cộng đồng DN Việt Nam:

Một là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành DN lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ.

Hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau.

Ba là không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc.

Bốn là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội.

Năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau.

Sáu là cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

Thủ tướng cũng chỉ ra 3 điều DN cần giữ. Một là các DN không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, DN phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là DN áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Nhấn mạnh tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, giờ là lúc “lò xo bị nén lại” sẵn sàng để bung ra. Do đó cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đầu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, không thấp như IMF dự báo chỉ 2,7%. Thủ tướng đề nghị 5 mũi giáp công để tái khởi động. Thứ nhất, tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân. Thứ hai, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thứ ba, tăng cường xuất khẩu. Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thứ năm, khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.

Vượt thách thức, đón thời cơ - 1

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng cũng cho biết còn nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ. Điều này Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn lo đến. Nhưng lúc này không bàn lùi, than nghèo, kể khổ; mà phải là tái cơ cấu DN, vượt qua yếu kém, vượt lên tăng trưởng, không chỉ tạo dựng môi trường đoàn kết, yêu lao động, đóng góp cho đất nước các DN cũng cần cùng nhau sẻ chia, đóng góp cho bản thân DN và giải quyết việc làm cho người lao động.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho DN. Sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội trăm năm cho DN, nếu không nắm bắt được cơ hội, DN nước ngoài sẽ đến lấy. “Covid-19 là đại dịch, nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt”-Thủ tướng nhấn mạnh

Thúc đẩy hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh

Tại hội nghị, rất nhiều kiến nghị từ cộng đồng DN đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Hiệp hội Dệt may đề nghị nhiều vấn đề, trong đó, ngoài các nội dung về thuế, thủ tục hành chính (TTHC) và đề nghị Bộ Công thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; Hiệp hội cũng cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa cần sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để thay đổi nhận thức “sính hàng ngoại” của người dân và để họ hưởng ứng tích cực hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho DN và người dân… là kiến nghị của hầu hết đại diện DN, các hiệp hội, đặc biệt là các DN có yếu tố nước ngoài. Các đại diện đến từ Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam)... cùng đề xuất tăng tốc và thúc đấy sử dụng chính phủ điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, công nghệ áp dụng trong ngành tài chính, điện toán đám mây hiện đại và giảm việc sử dụng tiền mặt cho DN, người dân là rất cần thiết.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân, DN, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 khi thực hiện các TTHC bảo đảm kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đã phối hợp với một số bộ, cơ quan xây dựng, tích hợp cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thực hiện hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, DN.

Tiếp tục giãn, hoãn thuế, hỗ trợ lãi suất

Khẳng định chính quyền luôn đồng hành cùng DN để vực dậy nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã ban hành nhiều giải pháp và quyết liệt thực hiện cho được. Cụ thể, tiếp tục bám sát các nội dung về thuế đã báo cáo với Quốc hội và Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành và tổ chức triển khai, thực hiện tốt ngay sau khi được ban hành. Đó là các chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN với DN nhỏ và siêu nhỏ, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 2025.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm ban hành 2 Nghị định mà Bộ đã trình là Nghị định sửa đổi Nghị định số 134 và 125 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã đề xuất giảm thuế 24 nhóm mặt hàng, miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện, vật tư để sản xuất các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, gia công sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, các quy định trong 2 Nghị định đã tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các DN dệt may, da giày, nông lâm thủy sản.

Bộ Tài chính cũng sớm trình Chính phủ văn bản giảm tiền thuê đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do dịch bệnh Covid-19; Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành địa phương, tiếp tục rà soát cắt giảm phí, lệ phí để giảm chi phí cho DN và người dân; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đã ban hành để người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ; giảm tiền chậm nộp đối với DN sản xuất trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế GTGT.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, toàn ngành Ngân hàng đã nắm bắt và chủ động triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Trong đó, Thông tư 01 được ban hành từ sớm và có cơ chế mạnh, tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng như cơ cấu lại nợ với thời hạn thích hợp hơn, không bị tính lãi vay, vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng giảm lãi và phí… Đối tượng khách hàng là các DN bị giảm doanh thu, không phân biệt ngành nghề, quy mô để các tổ chức tín dụng chủ động.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND các TP lớn nhất nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đều khẳng định, thời điểm này phải ban hành thật nhanh các gói hỗ trợ DN, chính sách hỗ trợ DN phải đến tay của DN nhanh nhất. Trong đó, cần quan tâm tới nhóm DN miễn giảm thuế, hỗ trợ DN chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng tường kết nối thị tường nội địa, chia sẻ công nghiệp, hỗ trợ DN đa dạng thị trường. “Chính quyền TP cam kết đồng hành cùng DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của mình. TP đặt ra mệnh lệnh của mình là xem khó khăn là cơ hội của mình để phát triển”- ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Vượt thách thức, đón thời cơ - 2

ÔngTrương Đình Hoè Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP): Hỗ trợ phát triển và tăng sức cạnh tranh

VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ xem xét tạo điều kiện và hỗ trợ cho DN thủy sản thực hiện phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới, trong đó, thúc đẩy EVFTA có hiệu lực sớm nhất có thể, để các DN tranh thủ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản ở thị trường EU rộng lớn trước các lợi thế so sánh với một số quốc gia xuất khẩu cạnh tranh.

Ngoài ra, chỉ đạo và có cơ chế để khôi phục hoặc tái lập Quỹ Phát triển thị trường thủy sản; Ban hành chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh các nước trong khu vực đang có giá thành nuôi tốt hơn.

Cụ thể, mở rộng thêm tín dụng cho xây dựng trại nuôi mới và mở rộng các trại nuôi. Khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cao năng suất và giảm dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản,…

Vượt thách thức, đón thời cơ - 3

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam: Tìm ra con đường vượt qua khủng hoảng

Nhìn một cách khách quan, đại dịch cũng là lúc để các DN cung cấp dịch vụ logistics xem xét lại chiến lược hoạt động, đa dạng hóa thị trường cung cấp dịch vụ, cải tổ bộ máy hoạt động của DN. Khủng hoảng cũng là lúc thị trường sàng lọc các DN theo cơ chế thuận tự nhiên. Các DN kinh doanh dịch vụ logistics cần biết nắm bắt cơ hội để có thể tìm ra con đường hợp tác, khôi phục hiệu quả, vượt qua khủng hoảng.

Hiệp hội kiến nghị 7 điểm, gồm: Đẩy nhanh giải ngân các gói tín dụng, gói cứu trợ, hỗ trợ DN và người lao động đảm bảo an sinh xã hội một cách thuận lợi. Hỗ trợ giảm chi phí cho DN, qua đó góp phần giảm chi phí logistics của sản xuất, xuất khẩu và xã hội nói chung. Lãi ưu đãi vốn vay ngân hàng và đơn giản hóa thủ tục vay. Tận dụng việc giảm hoặc hoãn trả thuế DN. Giảm chi phí về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Cụ thể giảm 50% hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển khu vực Hải Phòng trong 1 năm; giảm 20-30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho các xe vận chuyển hàng hóa trong thời gian 6 tháng đến 1 năm. Kịp thời giảm giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới. Giảm 30% phí kiểm định phương tiện vận tải đường bộ. Hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong năm 2021.

Vượt thách thức, đón thời cơ - 4

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần những giải pháp hữu hiệu, vượt trội

Hiệp hội DN nhỏ và vừa kiến nghị 6 vấn đề với Thủ tướng. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay.

Thứ hai, về giải ngân đầu tư công, giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các DN trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; đồng thời cân nhắc giảm yêu cầu về tỷ lệ vốn đối ứng từ 30;40% xuống còn 15;20%.

Thứ ba, Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm.

Thứ tư, kiến nghị Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho DN nhỏ và vừa, cụ thể là: giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế TNDN cho các DN nhỏ, siêu nhỏ; và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.

Thứ năm, Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và DN.

Thứ sáu, cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt thách thức, đón thời cơ