LTS: Nhà thơ kiêm bình luận viên chính trị Feliks Chuev (1941-1999), Anh hùng Lao động, là tác giả của tập tư liệu quý về nền ngoại giao Liên Xô trong những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai “40 cuộc trò chuyện với ông Molotov”. Đây là những cuộc trò chuyện với vị Bộ trưởng Ngoại giao Xôviết lừng danh Vyacheslav Mikhailovich Molotov, diễn ra từ năm 1969 tới khi ông mất. Ông Molotov đã lãnh đạo Bộ Ngoại giao Liên Xô trong những năm 1939-1949 và 1953-1956. ...
Molotov (bên trái) với Lênin và Stalin.
Trong phần này tôi tập hợp những gì mà Molotov nói về Lênin cũng như những người ở cạnh Lênin trong những năm đầu tiên của chính quyền Xôviết. Bản thân Molotov không viết hồi ký, chỉ để lại tờ giấy mà ông đã viết không lâu trước khi qua đời, một dạng nháp cho hồi ký, được viết bằng bút chì, rồi sau đó bằng bút bi. Có lẽ tác giả viết vội nên viết tắt gần như từng từ một, các chữ cái cứ rối lẫn vào nhau. Thân xác yếu dần đi nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Tôi đã dịch lại từng từ và sẽ đưa nguyên văn ở đây, vì tôi đã cùng với ông không chỉ một lần trò chuyện về chủ đề này.
Như ủy viên dự khuyết thứ nhất vào Bộ Chính trị
- “Tại Đại hội X (mùa xuân năm 1921) tôi được bầu làm Ủy viên BCH TƯ Đảng, rồi sau đó tại Hội nghị BCH TƯ – được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị BCH TƯ, khi đó Bộ Chính trị có 5 thành viên: Lênin, Stalin, Trotsky, Kamenev, Zinoviev và ba Ủy viên Dự khuyết: Molotov, Kalinin, Bukharin. Với tư cách đó, tôi hay được có tiếng nói quyết định khi có ai đó trong số các Ủy viên Chính thức không thể có mặt tại cuộc họp của Bộ Chính trị (vì bị ốm hay đang trong kỳ nghỉ…). Cũng khi đó tôi được bầu làm một trong số các Bí thư BCH TƯ nên cũng phải gánh khá nhiều công việc về tổ chức.
Vài tuần sau khi bắt đầu làm việc trong bộ máy BCH TƯ, tôi đã xin gặp Vladimir Ilich để bàn một số việc. Trong cuộc trò chuyện đã đề cập tới một số vấn đề quan trọng trong công tác cán bộ (thí dụ như việc củng cố ban lãnh đạo ở Tỉnh ủy Tula, việc cần thiết phải chấm dứt những mưu toan của lực lượng Eser lợi dụng sự bất mãn đang tồn tại của nông nhân để kích động nổi dậy chống lại chế độ Xôviết tại tỉnh Tambov…). Lênin đã nhấn mạnh tới sự phức tạp của tình hình chính trị trong nước, đồng thời cho rằng để cải thiện công việc trong lĩnh vực chính trị cần phải tiến hành những cuộc cải cách căn bản trong lĩnh vực tài chính của đất nước, nhưng nếu thiếu sự chuẩn bị chỉ chút ít hay vội vã chút ít thôi thì sẽ làm dấy lên làn sóng bất mãn, đặc biệt của nông dân, đe dọa lật đổ chế độ Xôviết còn chưa kịp vững vàng”…
…Tới đây thì phần ghi chép bị đứt đoạn. Còn trong các cuộc trò chuyện, Molotov không chỉ một lần đề cập tới giai đoạn làm việc cùng Lênin. Ông làm chú ý bởi câu “với tư cách Ủy viên Dự khuyết thứ Nhất vào Bộ Chính trị”. Theo lời Molotov, vai trò này của ông được chính Lênin xác định – được có tiếng nói có sức nặng hơn so với Kalinin và Bukharin.
- Molotov kể: Tháng 3/1921, tôi được làm Ủy viên Dự khuyết thứ Nhất vào Bộ Chính trị để tôi có thể thay thế Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị ốm, còn Kalinin thì thay thế người thứ Hai, Bukharin thay thế người thứ Ba. Bộ Chính trị khi ấy có năm thành viên, vậy nên trong thực tế Bukharin chẳng bao giờ được thay thế ai cả. Lênin đã quyết định như vậy.
...Molotov bắt đầu được tiếp xúc với Lênin từ xa, qua thư tín, từ năm 1912, khi Molotov làm việc tại báo Pravda, tổ chức việc xuất bản các số báo. Lênin từ nước ngoài chỉ đạo hoạt động của báo và hàng ngày gửi thư và các bài viết về Peterburg cho Molotov nhận. Ông nhớ lại:
- Nhiều lần, trong lúc gói thư từ Lênin hay Zinoviev trên đường được chuyển về từ nước ngoài, ở nước Nga tình hình thay đổi và chúng tôi bắt buộc phải sửa bài viết của Lênin hoặc tự mình viết bài. Một số bài báo của Người đã không được sử dụng. Lắm lúc Lênin phê bình các bài viết của tôi nhưng làm gì có những bài viết nào khác nữa. Thời gian để các số báo của chúng ta xuất bản tại Peterburg tới được nước Áo, nơi họ đang tá túc cũng như thời gian để các bài viết của họ từ đó về được nước nhà là rất không ngắn. Mà báo thì phải in đúng kỳ hạn. Tòa soạn đành phải tự sáng tác lấy… Ở thời điểm ấy, Pravda là một tờ báo nhỏ.
Ở năm 1921 tất nhiên là chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn ở năm 1941 chẳng hạn, khi chúng ta đã có một quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng hậu. Trong nội chiến đã có thời điểm mà Denikin tiến được tới sát Moskva và bất ngờ cứu tinh của nước cộng hòa Xôviết lại là Makhno: anh tấn công và khiến Denikin phải rút một quân đoàn ra để phản kích lại. Thấy chưa, ngay cả Makhno cũng đôi lúc có ích. Mà tình hình lúc đó thì như Lênin đã nói khi triệu tập chúng tôi lại: “Thôi xong chính quyền Xôviết… Đảng lại lui vào hoạt động bí mật”.
Đã chuẩn bị xong cho chúng tôi giấy tờ, chỗ trú ẩn
Tôi đã được không chỉ một lần gặp Lênin cả trong khung cảnh không chính thức. Có lần buổi tối sau giờ làm việc, Người nói với tôi: “Tới phòng tôi đi, đồng chí Molotov”. Chúng tôi cùng uống nước chè với mứt phúc bồn tử. Lênin nói: “Tính cách nhân dân ta là thế này, để tiến hành một việc gì đó vào đời sống thì trước hết phải bẻ thật cong về một phía rồi sau đó nắn lại từ từ. Chứ làm đúng ngay từ đầu thì còn lâu chúng ta mới học được cách. Nhưng nếu chúng ta thay thế đảng Bolshevik bằng một chính đảng khác, thí dụ như của Liev Tolstoi chẳng hạn, thì có thể chúng ta bị chậm chân tới cả thế kỷ”.
Vào khoảng năm 1919 hay đầu năm 1920 gì đó, tôi đã có dịp tới nhà Lênin khi ấy ở Điện Kremli. Còn tôi mới lên từ thành phố Nhizhnyi. Người đứng trước tôi và trò chuyện qua điện thoại, rồi đưa tôi một mẩu giấy. Tôi khi đó là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nhizhnyigorod. Ở đó đã diễn ra đại hội đầu tiên của các kỹ sư radio trong tỉnh. Nhân vật chính là Bonts-Brunevich, một người bà con cùa Trưởng ban Hành chính mà tôi có lẽ đã biết từ năm 1917. Ông này là một cự phú, chủ một nhà xuất bản, từng ra sách về các giáo phái, một người rất có văn hoá, từng giúp đỡ Lênin. Người bà con của ông ấy đã là nhân vật chính, theo tôi, là một kỹ sư về radio. Lênin nói: cần phải hỗ trợ cho các thí nghiệm, các công trình của ông này. Cần giúp đỡ.
Rồi là chuyện chuẩn bị trong lâm nghiệp. Tôi đã báo cáo với Lênin về việc đó. Chỉ có hai chúng tôi nói chuyện thôi. Có lẽ trong hơn một giờ. Tôi không nhớ rõ chi tiết nữa. Chúng tôi đã uống nước chè.
Lênin có uống rượu vang không?
- Chút ít thôi. Ông ấy không quá say sưa cái việc này. Ông ấy là người rất hoà đồng.
Thế Lênin đã nói gì với ông?
- Cũng chẳng có gì đặc biệt quá trong cuộc trò chuyện của chúng tôi. Ông ấy quan tâm hơn cả tới tâm trạng ở địa phương, tại Nhizhnyigorod. Ông ấy muốn biết chút ít về những gì đang khích lệ được các cán bộ địa phương. Rồi Lênin dần dà hướng sự chú ý của Molotov sang các công việc đối ngoại… Sau một thời gian thì tôi đảm nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao trong suốt nhiều năm liền.
Lênin đã nâng cánh mọi người lên
– Khi còn tồn tại chủ nghĩa đế quốc, khi còn tồn tại các giai cấp, thì họ sẽ không tiếc tiền để phá hoại xã hội của chúng ta. Mà không phải ai cũng là người không thể bị mua chuộc. Trước cánh mạng, khi kẻ khiêu khích Malinovsky - đại biểu Duma Quốc gia, một người Bolshevik, Ủy viên TƯ đảng RSDRP (đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga), nhà hùng biện giỏi nhất của những người Bolshevik - bị vạch mặt, Lênin thoạt tiên đã không tin. Vì đấy là một người rất sôi động, tháo vát, biết ứng xử, cần cứng thì cứng, phải mềm thì mềm. Tôi vẫn nhớ rõ ông ấy, từng gặp ông ấy không chỉ một lần, nhìn bên ngoài có vẻ giống Tito, đẹp trai, rất dễ mến. Nhưng nếu biết rõ thì mới thấy đó là một kẻ khốn nạn, rất khó chịu. Những người Mensevik báo cho chúng tôi biết rằng ông ấy là một kẻ khiêu khích. Chúng tôi đã không tin và nghĩ rằng họ bôi xấu một người Bolshevik. Lênin sau này đã nói: “Ngay cả nếu ông ấy là một kẻ khiêu khích thì ông ấy cũng đã làm cho chúng ta nhiều hơn là cho cảnh sát, vì nói cùng thì ông ấy cũng bắt buộc phải làm những gì mà họ đã ép”. Ông ấy không chỉ đứng lên phát biểu tại Duma mà còn phải tới diễn thuyết trước các tổ chức công nhân - nếu ở đấy ông ấy ăn nói không cẩn thận thì chắc đã bị xua đuổi rồi. Nhưng ông ấy đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của những người Bolshevik, và đồng thời là gián điệp của mật vụ Sa hoàng, phá hoại các tổ chức, bán đứng những người Bolshevik cho cảnh sát. Sau cách mạng, Malinovsky đã bị xử bắn, theo tôi là vào năm 1918.
Còn có một nghị sĩ ở Duma Quốc gia, một người tên là Shukanov (hay Shingarev gì đó), đại diện cho Petrograd, cũng là một kẻ khiêu khích, làm lộ hội nghị chống chiến tranh năm 1914. Các đại biểu của chúng ta - 5 người - đều bị đưa đi lao động khổ sai, còn Kamenev thì chỉ bị đi đày vì đã khai ở toà rằng không đồng quan điểm với những người Bolshevik mà chỉ tham gia vào cuộc họp thôi.
Còn có một đại biểu của những người Bolshevik, tên là Badayev, nhưng ông này yếu lắm. Phần lớn các đại cử tri của giới tư bản và địa chủ khi nhất định cần phải bầu một đại biểu của công nhân thì họ sẽ xem ai ít hại nhất thì mới chọn. Thế thì sẽ bầu cho Badayev thôi. Ông này thực ra là một người trung thực, dẫu không tích cực lắm, kém phát triển. Nhưng cần cù. Sau khi được bầu, ông ấy đã tới toà soạn Pravda chỗ chúng tôi và nói: “Tôi kém phát triển, tôi sẽ rất khó khăn ở Duma, liệu các đồng chí có thể cho tôi cuốn sách nào để tôi có thể đọc được hết về những việc tôi cần phải làm, về thế nào là chủ nghĩa Bolshevik? Cho tôi đọc, tôi sẽ ghi nhớ và sẽ tuân thủ theo nó”.
Nhưng rồi mọi chuyện đều ổn, ông ấy phát triển tốt. Lênin đã không có sự lựa chọn nào khác. Bởi mọi người Bolshevik đều bị thiêu đốt ở nơi lao động khổ sai và trong các nhà tù. Chính tôi còn phải xuất bản Pravda khi tôi mới 22 tuổi, có được chuẩn bị gì nhiều đâu? Chỉ được đào tạo sơ sài thôi, thì tôi đã hiểu được gì nhiều đâu, dù đã hai lần bị đi đày. Cũng vẫn phải làm việc thôi.
Những người Bolshevik cũ, họ đã ở đâu?
Không một ai muốn quá mạo hiểm cả. Krzhizhanovsky đang phục vụ (cho chính quyền Sa hoàng), Krasin cũng thế, cả hai đều là kỹ sư điện giỏi, Tsyurupa làm quản lý điền trại, Kirov là phóng viên của một tờ báo tỉnh lẻ, không tham gia cùng với chúng tôi. Đấy là tôi còn chưa nói tới Khrushchev. Anh này lúc nào cũng tích cực nhưng chỉ vào đảng ở năm 1918, khi mọi sự đã rõ ràng rồi. Nhưng khi cần phải điều hành thì Lênin đã nâng cánh mọi người lên. Ông là một người không bao giờ bi quan, biết dụng nhân như dụng mộc, cả người Bolshevik, cả người một nửa, thậm chí chỉ một phần tư Bolshevik, miễn là có chữ. Khi ấy những người có chữ cũng ít mà. Trong Bộ Chính trị thì cứ ba trong số năm người lần nào phát biểu cũng chống lại Lênin. Mà ông thì cứ vẫn phải cùng làm việc với họ. Họ là những diễn giả giỏi, những người có năng lực, có cảm tình với chủ nghĩa xã hội nhưng lại đang lầm lẫn sai quấy, nhưng ông không có những cộng sự khác. Đành phải chọn thôi.
Stalin đã trở thành Tổng Bí thư như thế nào
- Thật bất ngờ với chính mình, năm 1921 tôi đã trở thành Bí thư BCH TƯ. Ban Bí thư chỉ có ba người: Molotov, Yaroslavsky, Mikhailov, như đã công bố, trong có Molotov là Bí thư Trọng trách. Khi đó chưa có chức Bí thư Thứ nhất, Tổng Bí thư mà chỉ có Bí thư Trọng trách. Tôi thường phải gặp Lênin. Tôi đã cùng ông thảo luận về hàng loạt vấn đề, rồi đi dạo quanh Điện Kremli. Ông nói: “Tôi chỉ khuyên đồng chí một điều: đồng chí cần với tư cách Bí thư BCH TƯ chuyên trách về công tác chính trị, còn tất cả phần việc kỹ thuật thì hãy để cho các cấp phó và các trợ lý làm. Tới trước thời điểm này chức Bí thư của chúng ta vẫn do Krestinsky đảm nhận, nhưng đồng chí ấy chỉ làm như trưởng ban hành chính thôi, chứ không phải với tư cách một Bí thư BCH TƯ! Đồng chí ấy làm đủ thứ vớ vẩn chứ không làm công tác chính trị!”
Tại Đại hội XI đã xuất hiện cái gọi là “danh sách 10”, bao gồm tên họ của những Ủy viên BCH TƯ có thể đứng về phía Lênin. Và ở bên cạnh tên Stalin thì chính Lênin đã tự tay ghi rằng “Tổng Bí thư”. Lênin đã tổ chức cuộc họp riêng của “nhóm 10”, không có sự tham gia của phe Trosky, không có mặt phe đối lập Công nhân, không mời nhóm chủ nghĩa trung tâm dân chủ, chỉ mời những người thực sự ủng hộ “nhóm 10”, tức là những người trung thành với Lênin. Theo tôi thì Lênin đã mời tới khoảng 20 người từ các tổ chức lớn nhất trước khi diễn ra bỏ phiếu.
Stalin thậm chí còn trách Lênin rằng, hoá ra là chúng ta đang tổ chức một cuộc họp kín hay nửa kín nửa hở trong thời gian diễn ra đại hội, thành thử cứ như là chia bè kéo cánh? Và Lênin đã nói: “Đồng chí Stalin mới chính là một người phe cánh lâu năm, giàu kinh nghiệm! Đừng hoài nghi nữa, chúng ta bây giờ không thể hành động khác. Tôi muốn tất cả chúng ta đều được chuẩn bị kỹ càng trước khi bỏ phiếu, cần phải cảnh báo cho các đồng chí khác để họ ủng hộ danh sách này mà không có bất cứ một sự chỉnh sửa nào! Cần phải thông qua “danh sách 10” một cách trọn vẹn. Hiện đang có nguy cơ rất lớn, nếu thêm tên họ vào kiểu như đây là một nhà văn giỏi, phải bầu thôi, hay đây là một nhà hùng biện, cũng nên bầu vào, thì danh sách sẽ kéo dài và chúng ta lại sẽ không được đa số”.
Nhưng ở Đại hội X thì chính Lênin đã cấm chia bè nhóm. Stalin đã trở thành Tổng Bí thư. Lênin đã phải tốn rất nhiều công sức cho việc đó. Lênin có lẽ đã cho rằng, tôi còn chưa đủ độ để làm một chính khách, nhưng vẫn để tôi lại trong Ban Bí thư và Bộ Chính trị, và đưa Stalin lên làm Tổng Bí thư. Ông tất nhiên là đã chuẩn bị cho tương lai vì cảm thấy rõ bệnh tình của mình. Liệu khi đó ông đã nhìn thấy ở Stalin một người kế nhiệm mình chưa? Tôi nghĩ rằng có thể ông đã tính tới việc đó. Nhưng sao ông lại cần tới chức Tổng Bí thư? Trước đó đâu có chức này. Nhưng rồi theo dòng thời gian uy tín của Stalin ngày một gia tăng và vượt khỏi tầm mà Lênin đã nghĩ và thậm chí còn hơn cả tầm mà ông mong muốn. Tuy nhiên, nhìn thấy trước tất cả những sự như thế thực là khó, và trong điều kiện đấu tranh gay gắt thì quanh Stalin ngày càng tập hợp đông hơn nhóm tích cực nhất như Dzherzhinsky, Kuybyshev, Frunze và những người khác, những nhân vật rất khác nhau.
Những ứng viên cho ngôi đầu bảng
- Lênin hiểu rằng, nhìn từ góc độ của những sự phức tạp hoá trong công việc của Đảng và của quốc gia, hoạt động của Trotsky gây nên tác động phá hoại rất lớn. Một nhân vật nguy hiểm. Có cảm giác như Lênin sẽ rất vui nếu thoát được khỏi ông ta nhưng lại không thể. Mà Trotsky thì lại đang không thiếu những người ủng hộ mạnh mẽ, trực tiếp, lại có cả những người không ủng hộ trực tiếp, không mạnh mẽ nhưng sẵn sàng công nhận uy tín to lớn của ông ta. Trotsky là một người đủ thông minh, năng lực và có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Ngay cả Lênin trong lúc tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng với ông ta cũng đã bắt buộc phải in trên tờ Pravda rằng ông không có sai khác với Trotsky về quan điểm trong vấn đề nông dân. Tôi nhớ là việc này đã làm Stalin bối rối vì không đúng với thực tế, và Stalin đã tới gặp Lênin. Lênin đã đáp: “Thì tôi còn phải biết làm gì đây? Trotsky đang nắm trong tay quân đội, một quân đội toàn là nông dân. Mà ở nước chúng ta hiện nay đang toàn cảnh đổ nát, việc gì chúng ta lại phải làm cho nhân dân thấy rằng ngay cả ở thượng tầng cũng đang hục hặc với nhau”. Lênin hiểu rõ không kém gì Stalin về việc thế nào là Trotsky và cho rằng, rồi sẽ có lúc phải loại bỏ Trotsky ra khỏi cuộc chơi.
Một người nữa cũng có tham vọng lên ngôi đầu bảng là Zinoviev. Ông này rất hay lên phát biểu. Ông ấy thích phát biểu và biết làm tốt việc này, nên hay được hoan hô. Trong những tình huống như thế thì người phát biểu có cảm giác như những tràng vỗ tay là một yếu tố quan trọng. Thế nhưng sau này sẽ rõ là ông ấy không phải là người sâu sắc như Stalin hay thí dụ như ngay cả Kamenev. Mặc dầu trên sách báo thì rồi sẽ luôn để tên họ của Zinoviev và Kamenev bên cạnh nhau. Nhưng đấy là hai người hoàn toàn khác nhau, dù rằng Kamenev về mặt tư tưởng vững vàng hơn Zinoviev. Zinoviev là người thạo viết, khéo nói, lưỡi của ông ấy như người ta vẫn bảo, không xương nhiều đường lắt léo. Còn Kamenev thì chững chạc hơn, sâu sắc hơn và cũng là một kẻ cơ hội nhất quán. Zinoviev tụng ca Kamenev, rồi sau đó thì Kamenev bắt đầu vào trận. Zinoviev hơi nhát. Còn Kamenev thì rất có tính cách, ông ta thực sự điều khiển
Zinoviev. Nhưng Zinoviev được coi là ở trên Kamenev vì Kamenev là trợ lý, cố vấn của ông này. Zinoviev được coi là chính yếu.
Một nhà lý luận?
- Không phải là một nhà lý luận, mà là một nhà chính trị. Zinoviev không thông thạo lý luận mấy. Tôi cho rằng ông ấy chỉ hiểu hời hợt thôi. Ông ấy giỏi ngoại ngữ. Lênin đã biết khá rõ về ông ấy. Họ cùng nhau sống ở nước ngoài. Lênin đánh giá cao ông ấy như một nhà báo. Grisha thế này, Grisha thế kia… Lênin đánh giá ông ấy cao vì thường là ông không có được một người thích hợp có thể viết nhanh và nắm bắt nhanh ý tưởng của ông như thế. Mà Zinoviev thì lúc chạy theo Kamenev lúc lại chạy theo Lênin. Nhưng thường là chạy theo Kamenev. Kamenev là một người cánh hữu, điển hình, 100% là một nhân vật cánh hữu. Đôi lúc ông ta cũng trá hình cách này hay cách khác nhưng thường thì khá công khai phát biểu quan điểm. Và chống lại Lênin.
Kamenev đánh giá cao Lênin, nhìn thấy rõ rằng đấy là một vĩ nhân, chính Kamenev cũng là một người rất thông minh nhưng ông ta là người xa lạ, xa lạ với Lênin. Còn Zinoviev chỉ là kẻ hoạt đầu, khéo léo, bảo gì làm nấy, làm nhanh, viết nhanh, dù chất lượng không cao nhưng ít nhiều đều phản ánh được đúng ý của Lênin. Nhưng Lênin không bao giờ tin tưởng ở Zinoviev. Lênin đã yêu Kamenev hơn.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Kamenev phải đi đày, còn Zinoviev thì sống ở nước ngoài, ở Thuỵ Sĩ. Lênin cũng đã sống ở đấy. Xem qua thư từ giữa Lênin với Zinoviev thì có thể thấy rõ, Lênin thường xuyên không hài lòng với Zinoviev vì ông này hay quan điểm chung chiêng, dù luôn cố tỏ ra mình là một người trung thành với Lênin. Kamenev thì không có ở bên cạnh mà Zinoviev thì lại thường xuyên thể hiện sự chao đảo cực độ, Lênin rất hay phải nắn chỉnh ông ta. Nhưng Zinoviev lại cũng muốn tranh chức làm thủ lĩnh, ở vị trí của Lênin. Và đã giành được quyền đọc báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XII, năm 1923, khi Lênin vẫn còn sống.
Và chính khi đó ông ta đã ủ mưu chống lại Stalin, chống toàn bộ nhóm chúng tôi, những người đang tập hợp xung quanh Stalin…
Ai là người nghiêm khắc hơn
Ai là người nghiêm khắc hơn, Lênin hay Stalin?
- Tất nhiên là Lênin. Rất nghiêm khắc. Trong một số việc còn nghiêm khắc hơn cả Stalin. Ông không hiếm khi sử dụng những biện pháp mạnh, khi cần phải làm như thế. Ông ra lệnh xoá bỏ cuộc nổi loạn ở Tambov. Tôi đã có mặt trong cuộc họp thảo luận chuyện ấy. Ông không chấp nhận bất cứ một phe đối lập nào nếu mà ông có thể làm được như thế. Tôi nhớ, có lần ông trách Stalin về chuyện mềm lòng và chủ nghĩa tự do. “Chúng ta đâu có chuyên chính, chúng ta chỉ có một chính quyền nước ngọt, chứ không phải là một nền chuyên chính!”
Thế ở đâu có ghi lại chuyện ông đã trách Stalin?
– Đó là chuyện riêng ở diện hẹp chúng tôi thôi…
Những năm cuối đời phức tạp
Tôi hỏi về di chúc của Lênin...
- Chẳng lẽ ở Lênin cái chính yếu lại là di chúc thôi ư? Lênin có những cái khác là chính yếu - Molotov nói: – Những năm cuối đời của Lênin rất phức tạp. Hại não, – Molotov kể tiếp: -Tháng 2-1923, Lênin cảm thấy sức khoẻ rất tệ. Ông yêu cầu Stalin mang thuốc độc tới cho mình. Stalin hứa nhưng rồi lại không mang tới. Sau này Stalin bảo có lẽ Lênin giận ông ấy vì việc này. Stalin nói: “Đồng chí nghĩ gì thì nghĩ nhưng tôi không thể làm thế được”. Câu chuyện đó cũng đã được thảo luận ở Bộ Chính trị.- Molotov nhận xét: - Sau Lênin thì Stalin là nhà chính trị có kinh nghiệm nhất. Lênin coi ông ấy là người đáng tin cậy nhất, có thể trông đợi được. Nhưng Lênin cũng có lúc phê bình Stalin…