Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 53 tại Davos (Thụy Sĩ) đã khép lại sau 5 ngày làm việc liên tục với hàng trăm phiên họp chính thức và phi chính thức, các cuộc đối thoại bên lề... với mục tiêu tìm sự đồng thuận để xây dựng một thế giới bền vững trước nhiều thách thức.
Phát biểu tại WEF 2023, Chủ tịch toàn cầu Công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers, ông Bob Moritz, cho rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với các cuộc khủng hoảng đa tầng, sự gia tăng phân cực xã hội còn sâu sắc thêm bởi tình trạng chia rẽ và chia cắt bối cảnh địa chính trị. “Trong thời điểm then chốt này, lãnh đạo các nước, các nhà tài chính và giám đốc điều hành đã nỗ lực tìm ra cách thức giải quyết sự phân mảnh và xói mòn lòng tin gia tăng, từ đó hướng tới hy vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững” - ông Moritz nói.
Tuy nhiên, ngày 30/1, một công bố kết quả cuộc khảo sát do WEF thực hiện lại cho thấy hơn 60% các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực công và tư đã dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Theo đó, những lực cản đáng kể đối với hoạt động kinh doanh bao gồm lãi suất vay tăng cao, chi phí đầu vào cũng tăng, tình trạng thiếu hụt nhân tài và sự gián đoạn chuỗi cung ứng là những trở ngại chính.
Ngoài ra, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng vẫn không kéo giảm như mong muốn. Lạm phát nằm trong số 5 rủi ro toàn cầu hàng đầu và chủ yếu ở các nước đang phát triển. WEF cũng cho rằng, trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, ước tính có khoảng 2,3 tỷ người không được tiếp cận đầy đủ lương thực và tỷ lệ lạm phát toàn cầu vào cuối năm 2022 ở con số 7,5%.
Chủ tịch sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab, nhấn mạnh WEF lần thứ 53 diễn ra đúng vào thời điểm “thiếu lòng tin giữa các quốc gia”, vì vậy các bên phải thúc đẩy hợp tác và xây dựng lại lòng tin để cùng vượt qua thách thức. “2.700 khách mời, trong đó có 52 nguyên thủ quốc gia, 656 bộ trưởng tài chính, 19 thống đốc ngân hàng quốc gia và gần 600 giám đốc điều hành của các công ty, tập đoàn trên toàn cầu, đó là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm được sự đồng thuận. Chủ đề WEF 2023 là "Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh" đã nói lên điều đó”- ông Schwab nói.
Đài Deutsche Welle (Đức) dẫn thông tin từ WEF 2023 cho rằng, nếu như không tìm được giải pháp cụ thể, tiếng nói chung thì sản lượng kinh tế toàn cầu năm 2023 có thẻ giảm tới 7%, thậm chí lên tới 8%-12% ở một số nền kinh tế nếu tách rời công nghệ. Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp có thể hứng chịu rủi ro cao nhất khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển sang "khu vực hóa" và hệ thống thanh toán toàn cầu bị phân mảnh. Tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu cũng có thể làm suy yếu khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các quốc gia đang gặp khủng hoảng và làm phức tạp thêm việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai.
Chưa hết, đại diện IMF còn cho rằng kinh tế ảm đạm đã phủ bóng WEF 2023, đặc biệt "bóng ma suy thoái" mang đến các cuộc họp bầu không khí nặng nề. Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva dự đoán kinh tế thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023 và tăng trưởng kinh tế sẽ chạm đáy, ở mức 2,7%.
Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết những năm trước WEF đều xác định vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu là các mối bận tâm lớn nhất. Thì năm nay, những tình trạng khẩn cấp ngắn hạn đã trở thành nguy cơ lớn nhất, thay cho tình trạng đe dọa về dài hạn. Đó là mức sống của người dân trên phạm vi toàn cầu bị khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị đe dọa bởi tình trạng giá năng lượng và lương thực ở mức quá cao. Đáng chú ý, các dự báo được đưa ra cho biết giá năng lượng và lương thực ở mức quá cao có thể tiếp diễn trong 2 năm tới.
Nhưng, sự hợp tác dường như đang gặp rất nhiều thách thức khi WEF năm nay thiếu vắng khá nhiều nguyên thủ các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. Trong số Nhóm nước công nghiệp phát triển G7, chỉ có Thủ tướng Đức tham dự.
“Vì vậy, cơ hội cho bất kỳ "giải pháp thần tốc" nào tại Davos là rất mờ nhạt. Nhưng chúng ta không bao giờ mất hy vọng nếu như khắc phục được tình trạng kinh tế toàn cầu phân mảnh và khôi phục lại niềm tin đã bị xói mòn” - ông Zahidi kêu gọi.
WEF do Klaus Schwab, Giáo sư kinh tế tại Đại học Geneva, thành lập năm 1971 với tên gọi Diễn đàn Quản trị châu Âu (EMF). Mục đích tổ chức ban đầu của WEF là để thảo luận về các khái niệm quản lý hiện đại. Từ năm 1987, EMF đã đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Các chính trị gia mới chỉ tham gia cuộc họp từ năm 1994 và WEF chính thức có tư cách là một tổ chức quốc tế độc lập từ năm 2015. Đến nay, diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Cùng với hội nghị tại Davos, hằng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á (nay là WEF ASEAN), Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ Latinh, Hội nghị WEF về Trung Đông…
Đây đều là những cơ hội lớn để các đại biểu trao đổi về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.