Theo một tài liệu mới được Wikileaks công bố trong ngày 31/7, Mỹ đã theo dõi và nghe lén giới chính trị gia Nhật Bản, các quan chức chóp bu ngành ngân hàng cùng nhiều tập đoàn lớn như Mitsubishi…
Wikileaks cho biết Mỹ đã theo dõi Chính phủ Nhật Bản
kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Shinzo Abe. (Nguồn: BBC).
Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt vụ bê bối nghe lén mà chính quyền Washington thực hiện với cả các đồng minh của mình.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trở thành tâm điểm trong hàng loạt các vụ bê bối sau khi có chứng cớ bị rò rỉ cho thấy cơ quan này đã theo dõi hàng loạt các nước đồng minh của Mỹ, trong đó có cả Pháp và Đức, khiến mối quan hệ giữa các bên trở nên căng thẳng.
Nhật Bản là một trong số các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và hai nước thường xuyên thảo luận chung về hàng loạt vấn đề như quốc phòng, kinh tế và thương mại.
“Một số tài liệu cho thấy chương trình do thám của Mỹ đã thâm nhập sâu vào Chính phủ Nhật Bản. Thông tin tình báo được thu thập và xử lý từ vô số các Bộ ngành và văn phòng làm việc của Chính phủ Nhật Bản” – Wikileaks cho biết.
Website trên còn cho hay “các tài liệu này cho thấy nhiều thông tin nội bộ của Chính phủ Nhật Bản” về các vấn đề thương mại, hạt nhân và chính sách về biến đổi khí hậu, cùng mối quan hệ giữa Tokyo và Washington.
Ngoài ra, báo cáo mới của Wikileaks còn nói rằng họ phát hiện ra các tài liệu của NSA ghi lại các cuộc nghe lén thông tin về “chiến lược đối phó biến đổi khí hậu” của Chính phủ Nhật, và nội dung “các cuộc trao đổi diễn ra tại khu vực nhà riêng của Thủ tướng Shinzo Abe”.
Wikileaks không đề cập đến khả năng ông Abe bị nghe lén điện thoại riêng hay không, nhưng NSA có nhắm tới nhiều chính trị gia cấp cao trong Nội các của ông Abe, trong đó gồm Bộ trưởng Thương mại Yoichi Miyazawa. Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kurroda cũng nằm trong danh sách mục tiêu tình báo của Mỹ.
Thông tin phanh phui chương trình do thám của Mỹ đối với giới chức thương mại Nhật Bản xuất hiện trong một bối cảnh nhạy cảm, sau khi các cuộc đàm phán cấp cao có sự góp mặt của giới chức hai bên tham dự mới được khởi động đầu tuần này ở Hawaii, nhằm gỡ bỏ một số rào cản trong Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mỹ, Nhật Bản cùng 10 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương dự kiến sẽ đi đến một thỏa thuận thương mại được xem là tham vọng nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua. Washington và Tokyo hiện đang là hai nền kinh tế lớn nhất tham gia vào các cuộc đàm phán TPP, nhưng lại đang bất đồng xung quanh việc nhập khẩu xe hơi cũng như việc Nhật Bản quyết bảo vệ các mặt hàng nông sản trong nước. Hiện phía Nhật Bản chưa có phản ứng gì trước thông tin vụ nghe lén nói trên.
Theo Wikileaks, NSA đã bắt đầu nghe lén giới chức Nhật Bản kể từ khi ông Abe bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình trong văn phòng Thủ tướng hồi năm 2006. Nhóm được mệnh danh là “Người thổi còi” này nói rằng họ nắm trong tay 4 tài liệu được dán nhãn “tuyệt mật” và 1 trong số đó nói rằng các thông tin nghe lén trên còn được chuyển cho một số đồng minh khác của Mỹ như Anh, Australia, Canada và New Zealand.
“Trong các tài liệu này, chúng tôi còn thấy rằng Chính phủ Nhật Bản lo lắng về khả năng các chính sách về biến đổi khí hậu hoặc quan hệ ngoại giao với Mỹ của họ có thể bị ảnh hưởng nếu đem ra thảo luận với phía Mỹ” – Người đứng đầu Uwikileaks Julian Assange nói trong một tuyên bố.
Assange cũng thêm rằng, giờ thì ai cũng biết được rằng Mỹ đã nghe thấy và đọc được mọi thứ từ chính phủ và các công ty lớn của Nhật, và sau đó còn chuyển cho các nước đồng minh khác như Australia, Canada, New Zealand và Anh – và gọi đây là nhóm “5 con mắt”.