Bốn năm vừa qua được coi là những năm nóng nhất kể từ khi thế giới bắt đầu cập nhật hồ sơ nhiệt độ toàn cầu.
Trẻ em tránh nóng tại vòi phun nước ở Melbourne, Australia, ngày 24/1. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Đây là khẳng định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), cơ quan thuộc Liên hợp quốc, trong báo cáo phân tích mà cơ quan này chỉ ra "dấu hiệu rõ nhất" cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu kéo dài vẫn đang tiếp diễn.
Theo báo cáo công bố ngày 6/2, tháng 11/2018 là thời điểm đánh dấu năm thứ tư liên tiếp nóng nhất trong lịch sử khí hậu được ghi nhận, nhấn mạnh tính cấp bách cần hành động để hạn chế sự nóng lên của Trái Đất.
Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong năm 2018 cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2016, do hiện tượng khí hậu El Nino phát triển mạnh, đây được coi là năm nóng nhất được ghi nhận.
Theo WMO, 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong vòng 22 năm qua. Tổng Thư ký WMO, ông Petteri Taalas, khẳng định xu hướng nhiệt độ về lâu dài sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc xếp hạng từng năm và đó vẫn là xu hướng tăng. Theo ông Taalas, mức độ ấm lên trong bốn năm qua là khác thường, cả trên đất liền và đại dương.
WMO cho rằng nhiệt độ tăng cao cũng là nguyên nhân "góp phần" làm gia tăng số các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán và lũ quét. Ông Taalas nói: "Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra đúng với dự đoán về biến đổi khí hậu và đây là thực trạng mà chúng ta cần phải đối phó trong tương lai."
Cơ quan Liên hợp quốc cũng cho biết năm 2019 lại là một năm kỷ lục mới, với Australia đã trải qua tháng nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. WMO cảnh báo rằng những cơn sóng nhiệt, những giai đoạn thời tiết nóng nhất đi kèm với độ ẩm cao, đang trở nên thường xuyên hơn do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Các báo cáo tương tự về xu hướng khí hậu do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố và Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cũng khẳng định rằng 2018 là năm nóng thứ tư liên tiếp trong lịch sử hiện đại. Lớp băng bao phủ tại cả hai đầu Bắc Cực và Nam Cực đều được ghi nhận mức thấp nhất lần thứ hai.
Trong khi đó, cũng theo các báo cáo trên, năm 2018, có tới 14 thảm họa thiên tai gây thiệt hại trên 1 tỷ USD. Tổng số 14 thảm họa trên đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 247 người và gây thiệt hại ít nhất 91 tỷ USD.