Giải đấu lớn nhất thế giới trên đất Nga đang đi tới những trận đấu cuối cùng để tìm ra nhà vua mới. Một mùa giải mà những ứng viên hàng đầu, những ngôi sao được kỳ vọng lần lượt nối gót nhau rời giải cùng nhiều bất ngờ lớn. Nhưng trên hết, đây là một giải đấu thành công cả về chất lượng chuyên môn cũng như ở công tác tổ chức của nước chủ nhà.
Nỗi buồn ông lớn
World Cup năm nay là một giải đấu với nhiều bất ngờ không thể đoán trước.
Những đội tuyển mạnh như Brazil, Đức, Tây Ban Nha, Argentina lần lượt lên đường về nước trước sự ngỡ ngàng của người hâm mộ.
Cùng với những ứng viên hàng đầu phải về nước sớm là những ngôi sao được kỳ vọng nhất cũng phải sớm chia tay giải đấu. World Cup 2018 thêm một lần cho thấy sự thất vọng lớn giành cho những nhà ĐKVĐ.
Đức trở thành nhà ĐKVĐ thứ 5 trong lịch sử bị loại ngay từ vòng bảng.
Thành tích tệ hại của nhà ĐKVĐ thế giới đã sớm được dự báo khi họ trắng tay trước Mexico, vật vã để giành chiến thắng 2-1 trước Thụy Điển trong những phút cuối, và cuối cùng bị Hàn Quốc đánh bại.
“Cỗ xe tăng” thậm chí còn bị xếp bét bảng chung cuộc với 3 điểm bằng đội bóng kim chi nhưng kém hơn về hiệu số bàn thắng bại.
Tại World Cup năm nay, thầy trò HLV Joachim Loew đến Nga với vị thế của một ứng cử viên nặng kí cho chức vô địch, nhờ dàn hảo thủ chất lượng và rất có chiều sâu, cộng với lối chơi rất kỷ luật, hiệu quả.
Thế nhưng, lối chơi của tuyển Đức năm nay thực sự rất có vấn đề, họ không còn những đường ban bật nhịp nhàng, họ thiếu đi những miếng tấn công hiệu quả, đặc biệt là việc hàng công không thể tạo áp lực đủ lớn lên khung thành đối phương.
Sau một thập kỷ “làm mưa làm gió” trên đấu trường châu lục và thế giới, đế chế bóng đá nước Đức đã sa sút với thành tích tồi tệ nhất tại World Cup.
Không đến nỗi bị loại ngay từ vòng bảng như tuyển Đức nhưng những ứng viên hàng đầu như Argentina, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng chỉ đi tới được vòng knock-out trước khi cùng dắt tay nhau về nước.
Tây Ban Nha chật vật lết vào vòng 16 đội nhưng lại trầy trật trước tuyển Nga và dừng bước ở loạt sút luân lưu.
Bồ Đào Nha, Argentina thua đầy đáng tiếc trước Uruguay, Pháp và cũng phải gác lại giấc mơ vô địch World Cup 2018.
Nhiều đội bóng lớn bị loại một phần do các ngôi sao được kỳ vọng không thể tỏa sáng. “Lionel Messi, Aguero (Argentina), Ronaldo (Bồ Đào Nha), Mesut Ozil (Đức), David Silva (Tây Ban Nha) đều là người truyền cảm hứng cho đồng đội.
Thế nhưng, bản thân họ chơi quá mờ nhạt. Thậm chí, Ozil hay Silva còn trở thành gánh nặng cho cả đội hình vì sự chậm chạp của mình. Những ngôi sao sáng nhất không thể tỏa sáng, cả tập thể bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu.
Thất vọng lớn được dành cho Argentina với ngôi sao lớn của bóng đá thế giới Messi ở giải đấu năm nay.
Những mâu thuẫn nội bộ, việc quá phụ thuộc vào Messi và HLV trưởng “bù nhìn” Sampaoli là những nguyên nhân khiến Argentina phải sớm dừng chân.
World Cup năm nay đã chứng minh bóng đá hiện đại không còn chỗ dành cho đội bóng một người.
Bồ Đào Nha vô địch EURO nhờ sức mạnh tập thể nhưng lực lượng cách đây 2 năm rơi rụng và xuống phong độ quá nhiều nên họ buộc phải trông vào Ronaldo.
Và khi Ronaldo không thể trận nào cũng tỏa sáng thì ngay lập tức họ phải gánh chịu hậu quả.
Cũng như vậy với Argetina khi thiếu hụt lực lượng để tạo ra lối chơi toàn diện và buộc phải trông chờ một mình Messi gánh cả đội.
Hệ quả, hai đội tuyển này sớm kết thúc hành trình World Cup 2018.
Một ứng viên khác cũng nối gót rời giải đấu ngay sau vòng tứ kết chính là các vũ công Brazil.
Dù chơi mỗi lúc một tốt lên nhưng họ đã bị tuyển Bỉ tiễn về nước trong một trận đấu đầy kịch tính. Brazil về nước cùng sự thất vọng với ngôi sao của họ Neymar khi luôn được biết đến như một kịch sĩ.
Nhớ về Brazil tại giải đấu năm nay có lẽ người ta sẽ chỉ nhớ nhất về một hình ảnh chủ đạo: thói ăn vạ của Neymar, xuyên suốt 5 trận tại World Cup này.
Các ông lớn thay nhau bị loại đều có điểm chung dễ thấy là họ sở hữu những cầu thủ cùng một thế hệ đã và đang đi qua đỉnh cao sự nghiệp.
Sự tỏa sáng của họ giờ chỉ còn tính bằng những khoảnh khắc xuất thần. Họ đã cống hiến cả một tuổi trẻ cuồng nhiệt cho những trận cầu đỉnh cao và giờ là lúc họ dần rút lui vào lịch sử. Một cuộc thay máu toàn diện sẽ diễn ra.
Một kỳ World Cup đầy những điều đặc biệt
World Cup lần này là lần đầu tiên FIFA áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) trong các trận đấu và nó cũng là tâm điểm tranh cãi. FIFA cho rằng, áp dụng VAR sẽ mang lại công bằng cho trận đấu, hỗ trợ trọng tài sửa sai các quyết định bắt sai trên sân để điều chỉnh lại cho đúng, hoặc đang phân vân thì sẽ dùng VAR để xác định.
Tuy nhiên, vẫn có những quyết định gây rất nhiều tranh cãi đến từ các ông vua sân cỏ.
Cho dù tạo ra một số tranh cãi nhưng nhìn chung, VAR đã hoàn thành nhiệm vụ của nó khi đem lại các quyết định công bằng hơn, đặc biệt trong các tình huống thổi phạt đền và xác định bàn thắng hợp lệ.
Nhiều người lo ngại VAR sẽ triệt tiêu đi cảm xúc vui buồn khi trọng tài phải xem lại băng hình rồi đưa ra quyết định thì thực tế chứng minh, đây lại là một điều đặc biệt.
VAR đã và đang mang lại những điều thú vị bên cạnh yếu tố hữu ích với nguyên tắc đảm bảo tính công bằng cao hơn.
VAR cũng là một phần nguyên nhân khiến World Cup năm nay có số lượng phạt đền nhiều nhất trong lịch sử.
Chỉ riêng vòng bảng, đã có 24 lần các trọng tài chỉ tay vào chấm 11m, nhiều hơn bất cứ giải đấu nào từ trước đến nay.
World Cup năm nay cũng là lần đầu tiên một đội bóng bị loại vì... nhận nhiều thẻ vàng hơn.
Senegal trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử World Cup phải rời cuộc chơi bởi hiệu số Fair-play. Họ có các chỉ số ngang bằng với Nhật Bản ngoại trừ việc nhận nhiều thẻ vàng hơn (6 so với 4 của Nhật Bản).
Sân chơi lớn nhất thế giới năm nay cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1982 không có một đại diện nào của bóng đá Lục địa đen trụ lại sau vòng đấu bảng.
Cả Morocco, Nigeria, Ai Cập, Senegal và Tunisia đều phải xách vali về nước ngay trước khi vòng 16 đội diễn ra.
Cùng với đó, rất nhiều kỷ lục được thiết lập như Ronaldo là cầu thủ già nhất lập được hattrick.
Thủ thành Essam El-Hadary của ĐT Ai Cập đã trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất ra sân tại 1 kỳ World Cup (45 tuổi, 5 tháng và 11 ngày).
Kỷ lục cũ thuộc về Faryd Mondragón của ĐT Colombia (43 tuổi, 3 ngày). World Cup 2018 cũng thiết lập kỷ lục chuỗi trận có bàn thắng dài nhất lịch sử World Cup.
Đã có tới 37 trận đấu liên tiếp tại World Cup có bàn thắng xuất hiện và chuỗi trận này chỉ dừng lại sau cuộc đối đầu giữa Pháp với Đan Mạch. Đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu của giải.
Một giải đấu thành công
World Cup lần này diễn ra trong bối cảnh nước Nga vẫn bị phương Tây cô lập, sau hàng loạt căng thẳng từ sự kiện Crime, bầu cử Mỹ cho đến vụ cựu điệp viên Nga bị nghi đầu độc ở Anh, World Cup đến xứ bạch dương trong sự lo lắng và nghi ngại. Rồi tất cả đã dần được xóa bỏ.
Trước đây, việc Nga trở thành nước chủ nhà của World Cup 2018 đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia phương Tây do lo ngại về tính an toàn của giải bóng đá lớn nhất hành tinh này.
Tuy nhiên, đến nay, trong bối cảnh World Cup 2018 đã bước qua vòng tứ kết, chưa có một sự cố an ninh lớn nào xảy ra.
Tinh thần thể thao và tinh thần ái quốc tăng cao trên khắp nước Nga.
Dù ước tính có khoảng 8 triệu khách du lịch, cũng như các cổ động viên của các đội đến đây để cổ vũ cho đội nhà, nhưng tại các thành phố nơi diễn ra các trận đấu không xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Trước khi World Cup diễn ra tại 11 thành phố ở Nga, có nhiều quan ngại về tình trạng phân biệt chủng tộc và nạn hooligan.
Nhưng tới nay, những hành động bạo loạn, quậy phá của các holligan dường như không xuất hiện như tại các kỳ World Cup trước.
Không có mối lo nào về việc sân vận động chưa hoàn thiện hay biểu tình như World Cup 2014 ở Brazil và cũng không có trận chiến đường phố nào như EURO ở Pháp năm 2016.
World Cup đã cho thấy sự cởi mởi của người Nga đón chào các vị khách từ các nơi trên thế giới tới với đất nước mình.
Tình yêu thể thao, tình yêu bóng đá và tình yêu đối với những trận đấu ngoạn mục, đẹp mắt đã khiến nước Nga trở nên thân thiện hơn, gần gũi hơn.
Thế giới phải thán phục vì chất lượng tổ chức World Cup, từ những quy định ưu tiên trong kiểm soát đối với người hâm mộ nước ngoài, từ việc di chuyển thuận lợi giữa 11 thành phố của đất nước rộng lớn, từ an ninh bảo đảm trước và sau trận đấu, các tình nguyện viên nhiệt tình và chuyên nghiệp, cho đến cách tiếp cận linh động và kịp thời trong giải quyết vấn đề phát sinh.
Chính Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã lên tiếng cho biết “Tất cả chúng tôi đều yêu nước Nga.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở đây, mọi người đã phát hiện ra một đất nước mà chúng tôi chưa được biết. Nga đã trở thành một quốc gia bóng đá thực sự. “Virus bóng đá” đã xâm nhập vào cơ thể của từng người dân Nga”.
Công tác chuẩn bị của Nga cho VCK World Cup 2018 bị “soi” rất kỹ với thái độ bới lông tìm vết. Nhưng đến lúc này tất cả phải cùng thừa nhận nước chủ nhà đã làm quá tốt nhiệm vụ đăng cai ngày hội bóng đá của hành tinh.
Có thể khẳng định, nước chủ nhà Nga đã chuẩn bị rất tốt về cơ sở vật chất và tổ chức thành công World Cup 2018, đồng thời coi đây là một bước chuẩn bị quan trọng nữa cho EURO 2020.