Thực hiện chủ trương xã hội hóa của UBND thành phố Hải Phòng, Công ty Kim khí Hải Phòng đã đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng bến xe khách Thượng Lý để tiếp nhận hoạt động vận tải từ bến Tam Bạc, phục vụ mục tiêu chỉnh trang đô thị và lập lại trật tự an toàn giao thông. Thế nhưng, khi bến xe hoạt động từ văn bản “tiền hậu bất nhất” của Sở GTVT khiến tình trạng bến xe Thượng Lý thì đìu hiu, còn các cổ đông ngồi trên đống lửa.
Sau 1 năm đi vào hoạt động nhưng nay bến xe Thượng Lý vẫn trong cảnh đìu hiu.
Bến xe Thượng Lý được xây dựng theo Quyết định 332/QĐ-UBND ngày 24/1/2014 của UBND Thành phố Hải Phòng và Giấy chứng nhận đầu tư số 02121000445 ngày 16/4/2014 của Sở KH&ĐT Hải Phòng nhằm thay thế bến xe Tam Bạc. Bến xe Thượng Lý có tổng diện tích 11.600 m2, đảm bảo cho 300 lượt xe ra vào mỗi ngày và lưu lượng hành khách từ 1.500 đến 2.000 lượt người. Sau hơn một năm xây dựng, bến xe đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 2 cấp quốc gia, thuộc loại khang trang, hiện đại và được công bố đưa vào khai thác theo Quyết định số 588/QĐ-SGTVT ngày 13/5/2015 của Sở GTVT Hải Phòng.
Ngày 13/5/2015, Sở GTVT Hải Phòng đã có báo cáo và được thành phố chấp nhận phương án đóng cửa bến Tam Bạc và điều chuyển 63 phương tiện với lưu lượng 106 chuyến tuyến Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày về bến Thượng Lý. Đến 21/5/2015, Sở tiếp tục có thông báo về việc đóng cửa bến Tam Bạc vào ngày 31-5-2015. Tuy nhiên, sau đó, Sở lại đề nghị lùi thời gian đóng cửa bến Tam Bạc sang ngày 15-6-2015.
Ngày 15/6/2015, thay vì điều chuyển phương tiện từ Tam Bạc sang Thượng Lý như chủ trương ban đầu, Sở GTVT Hải Phòng lại có văn bản số 955/SGTVT-VT cho phép các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại bến xe Tam Bạc tuyến Hải Phòng - Hà Nội được lựa chọn giữa bến xe Niệm Nghĩa (thuộc Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng) và bến Thượng Lý.
Theo ông Vũ Đình Hưng, Phó tổng giám đốc thì chiến lược là như vậy nhưng do “tiền hậu bất nhất” của việc chỉ đạo nên đã vô tình đưa bến xe Thượng Lý vào thế “mắc kẹt” và đồng nghĩa với việc hàng trăm cổ đông đứng trước nguy cơ ra… đứng đường. Theo lý giải của ông Hưng cũng như việc tìm hiểu cho thấy, tuy quy định chiến lược và cho phép sự ra đời của bến xe Thượng Lý đã rõ ràng nhưng không hiểu sao ngày 23/6/2015, Sở GTVT Hải Phòng đã ra văn bản số 1142/SGTVT-QLVT gửi Bộ GTVT, Vụ Vận tải, Viện Chiến lược phát triển GTVT về quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ đến năm 2020. Văn bản này trái ngược với những báo cáo và chủ trương ban đầu. Từ việc cho phép mở, thay thế và tiếp nhận lượng xe của bến Tam Bạc thì nay văn bản này lại “định hướng”: Toàn bộ các tuyến đang khai thác tại bến xe Tam Bạc được điều chuyển về bến xe Niệm Nghĩa tiếp tục hoạt động từ ngày 16/6/2015. Đồng nghĩa như vậy, bến xe Thượng Lý đành rơi vào thế chơi vơi trước 50 tỷ đồng được ban giám đốc và các cổ đông “thắt lưng, buộc bụng”, vay mượn, thế chấp để có tiền đầu tư.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Duy Tùng- Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng. Theo ông Tùng, Quyết định 332/QĐ-UBND được hiểu là Bến xe Thượng Lý chỉ thay thế việc đón trả khách thay cho Bến xe Tam Bạc chứ không phải chuyển toàn bộ các hoạt động từ Bến xe Tam Bạc sang Bến xe Thượng Lý. Đối với văn bản 955/SGTVT-VT, theo ông Tùng là được ban hành phù hợp vì văn bản này được ra đời trong thời điểm Bộ GTVT đang triển khai làm quy hoạch chuyến, tuyến cho địa bàn thành phố Hải Phòng, nên các doanh nghiệp vận tải “có quyền” được lựa chọn bến, tuyến? Tuy nhiên ông Tùng không lý giải được việc đón trả khách mà không có phương tiện ra, vào bến thì lấy đâu ra khách mà đón, trả.
Phản ứng lại vấn đề này, theo ông Vũ Đình Hưng, Phó tổng Giám đốc Công ty Kim khí Hải Phòng thì đây chỉ là những lý do chưa thấu tình đạt lý. Việc giải thích này là cố tình hiểu sai để biện bạch cho việc làm không đúng của Sở GTVT Hải Phòng, bởi Quyết định 332/QĐ-UBND của UBND thành phố Hải Phòng là văn bản quy phạm pháp luật.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Bến xe Thượng Lý - Công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Hải Phòng giải phóng hiện nay chỉ có 61 chuyến/ngày. Mỗi tháng Cty Kim Khí lỗ 593 triệu đồng vì thu được 140 triệu đồng, số chi là thực tế là 733 triệu đồng. Trong đó trả lãi huy động góp vốn 460 triệu đồng, trả lương 195 triệu đồng, bảo hiểm 43 triệu đồng, điện nước 15 triệu đồng, chi khác 20 triệu đồng.