Góp ý kiến vào tổng kết việc triển khai, tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại, nhiều ĐBQH cho rằng, không được dùng tiền ngân sách để thực hiện chế định thừa phát lại.
ĐBQH Phạm Văn Hà (Nghệ An).
ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho biết: Trước thí điểm chế định thừa phát lại, công việc gửi văn bản liên quan đến pháp luật do một cô văn thư làm, nay thí điểm thì phải làm hợp đồng với văn phòng thừa phát lại. Có một thực tế, tiền ngân sách nhà nước phân bổ 1 tỷ tiêu không hết nên phải mời anh thừa phát lại đến làm dịch vụ và dịch vụ này rất đắt.
Ông Hà cho rằng, trước gửi một thư bình thường chỉ mất 2 ngàn, thư đảm bảo chỉ 10 ngàn, giờ 150 ngàn. Đắt thế nhưng vì thí điểm tiền ngân sách chuyển về nên phải tiêu cho hết.
Ông Hà lo ngại, nếu hết thí điểm, hết tiền làm sao tiếp tục thực hiện được? Về ý kiến có cơ quan thừa phát lại sẽ lập vi bằng ông Hà băn khoăn có nên thêm một cơ quan như vậy để tốn thêm biên chế không bởi, tất cả cấp xã đều có bộ máy chính quyền. Vì sao dân không mời chính quyền đến lập vi bằng làm sao tìm được thừa phát lại khi dân còn chưa biết cơ quan ấy ở đâu, có vai trò gì.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, không thể dùng tiền ngân sách cho một việc nên xã hội hóa. Bởi, ở TP HCM điều kiện địa lý gần còn ở các tỉnh miền núi điều kiện đi lại rất khó khăn, nếu dùng tiền ngân sách thì không có ngân sách nào chịu nổi.
Theo ĐB Thuyền, ở các nước cơ quan liên quan đến án thì tòa án phải xử, ta đã có hẳn một cơ quan thi hành án dân sự đã là nhiều rồi. Có bộ máy thì sinh ra anh thừa phát lại nữa là vô lý. Thêm bộ máy, tốn tiền ngân sách như thế làm sao giảm biên chế? Nếu xã hội hóa để giảm tiền Nhà nước thì nên làm không thì thôi.
Trong khi đó ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) có quan điểm trái ngược. Ông Nghĩa cho rằng, không thể để cơ quan công quyền lập vi bằng vì “đòi mời cơ quan công quyền xuống để chứng minh một việc tranh chấp nhỏ của công dân là không có thực tế”. Nhiều nơi cán bộ còn đi nhậu nhẹt, họp nhiều việc khác còn lâu mới xuống xác minh. Vì vậy có thừa phát lại để lập vi bằng rất cần thiết.
Cũng sáng qua, 20/11, với 83,2% tổng số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND gồm 5 chương 91 điều. Luật quy định chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát, kết luận, kiến nghị giám sát và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết về giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, HĐND có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Luật cũng nêu rõ, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu QH, ĐB HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có).