Sau khi một doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội phải xin hủy 5 tuyến xe buýt do thua lỗ, nhiều trung tâm quản lý giao thông công cộng trên cả nước cũng báo cáo tình trạng hoạt động ế ẩm giai đoạn “hậu” Covid-19, dẫn đến nguy cơ phải tạm ngừng.
Nói về nguyên nhân vận tải hành khách công cộng ế ẩm, thua lỗ kéo dài, TS Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, một phần DN vận tải xe buýt bị lỗ là do đơn giá trợ giá cho xe buýt thấp, không đủ bù đắp chi phí. Số hành khách đi lại bằng xe buýt trong những năm gần đây liên tục sụt giảm.
Theo ông Mười, dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm 2020, 2021 đã khiến hoạt động vận tải hành khách công cộng tại hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM (chiếm 90% số xe buýt cả nước) bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TPHCM) cho biết, nửa năm 2022 đã qua nhưng khối lượng vận tải hành khách của thành phố mới chỉ đạt trên 148 triệu lượt, giảm 2,4% so với cùng kỳ và mới chỉ đạt 37% so với kế hoạch.
Tổng số chuyến xe buýt có trợ giá hoạt động đến nay thấp hơn so với năm 2021, chỉ đạt 1,9 triệu chuyến, giảm 11% so với cùng kỳ, trong khi đối với các tuyến không trợ giá đến nay cũng chỉ mới phục hồi được 23/36 tuyến.
Còn theo ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, giao thông đô thị Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn giai đoạn “hậu” Covid-19. Ngoài dịch bệnh, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội cũng phải đối mặt với tình hình gia tăng phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ông Phương cho biết, để vượt qua thách thức, sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề phát sinh và phát triển hệ thống giao thông đô thị, trong đó phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, tiên tiến và thân thiện môi trường.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngành vận tải hành khách công cộng tự “nuôi sống”, giảm trợ giá từ ngân sách nhà nước thì phải xã hội hóa hoạt động xe buýt, cho DN vào đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Nói như ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM thì cần thiết phải tận dụng nguồn lực từ xã hội hóa để phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó liên quan đến vấn đề trợ giá, một mặt cần thoả thuận với DN, một mặt phải thảo luận với UBND thành phố để sao cho với sản lượng này tương ứng với số kinh phí trợ giá kia thì các cơ quan quản lý kinh phí thống nhất được với nhau ngay từ đầu.
Trong khi đó, ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM nêu quan điểm, làm cách nào để giá vé chỉ chiếm 3-5% thu nhập bình quân của người dân, để mạng lưới giao thông tổ chức lại theo mô hình vùng giao thông liên tục, nối tiếp, thì mới phát triển được vận tải hành khách công cộng, nhất là ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM.