Chồng đi cứu giúp bà con, vợ ở nhà phải tự băng rừng vượt suối đi gùi hàng cứu trợ dẫn đến sảy thai. Nỗi đau đó làm sao có thể nói hết bằng lời, chỉ có thể nín lặng để hai hàng nước mắt cứ thế tuôn rơi. Có những con người xả thân vì nghĩa như vậy đó.
Bão số 9 quét qua làm hàng trăm hộ dân xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) thiệt hại nặng nề, mất nhà cửa cùng nhiều tài sản. Giờ đây, người dân xã Phước Thành gần như bị cô lập với bên ngoài do xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Vì thế, chính quyền xã đã phải huy động các lực lượng đi giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Anh Hồ Văn Luông là dân quân nên đương nhiên phải lên đường làm nhiệm vụ.
Đáng nói, gia đình anh Luông cũng đang rất khó khăn vì nằm trên địa bàn bị cô lập, trong khi vợ anh, chị Hồ Thị Phiêu đang mang thai 4 tháng. Dù vậy, không quản ngại khó khăn vất vả, không vì hoàn cảnh riêng của gia đình, anh Luông vẫn sẵn lòng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn người dân trong vùng. Chị Phiêu không những không ngăn cản còn động viên chồng giúp đỡ bà con, trong khi chính gia đình chị cũng cần sự giúp đỡ.
Lương thực thực phẩm cạn kiệt, dù đang mang thai 4 tháng nhưng vì không muốn phiền đến mọi người nên chị Phiêu chấp nhận lặn lội băng qua hơn 20 km đường rừng ra xã Phước Kim nhận hàng cứu trợ. Sau hơn 8 tiếng đi bộ cắt rừng cõng hàng cứu trợ về nhà, chị Phiêu bị động thai, dẫn đến không giữ được đứa con trong bụng. Còn nỗi đau nào hơn sự mất mát to lớn của vợ chồng anh Luông, chị Phiêu đây?
Nói một cách duy lý, anh Luông hoàn toàn có thể viện cớ gia đình khó khăn, vợ đang mang thai để từ chối việc đi cứu giúp bà con đang gặp hoạn nạn. Chị Phiêu vợ anh Luông hoàn toàn có lý do để ngăn cản chồng đi làm việc nghĩa, bởi chính gia đình mình còn không thể giúp được thì có thể giúp ai đây? Song, anh chị vẫn chọn việc hy sinh vì nghĩa, chấp nhận đặt quyền lợi gia đình xuống dưới lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
Có thể có một vài ý kiến cho rằng vợ chồng anh Luông, chị Phiêu là “ngốc” khi đi giúp người khác trong khi chính mình khó khăn. Song, tôi cho rằng anh chị đã có sự lựa chọn đúng về mặt đạo lý, bởi nếu ta không vì mọi người thì ai sẽ vì ta trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn đây? Nếu ai cũng chỉ vì tư lợi cá nhân, vì lợi ích của bản thân mà xem nhẹ cộng đồng thì sẽ không thể có sức mạnh đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn trở ngại.
Tất nhiên, việc anh Luông, chị Phiêu mất đi đứa con đầu lòng là điều vô cùng đau đớn. Song, thử hỏi rằng, nếu không có sự chung tay góp sức của anh Luông trong việc cứu hộ cứu nạn đồng bào đang trong cơn hoạn nạn, sẽ có thêm bao nhiêu người phải chết và bị thương đây? Nói như vậy không có nghĩa nếu anh Luông không tham gia cứu giúp người dân thì con số thương vong sẽ gia tăng, song cũng khó mà nói không phải như vậy.
Hành động của anh Luông, chị Phiêu chính là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Ông cha ta từ bao đời vẫn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng xả thân giúp đỡ đồng bào trong cơn hoạn nạn. Đó là lý do rất nhiều người bất chấp tính mạng lao vào lũ dữ cứu người đang bị cuốn trôi, dấn thân vào vùng nguy hiểm để giải cứu đồng bào gặp nạn.
Chẳng phải tấm gương hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ tại khu vực sạt lở Rào Trăng 3 đã là minh chứng sống động cho việc làm xả thân vì nghĩa đó sao? Biết là lao vào vùng sạt lở Rào Trăng 3 để cứu hộ cứu nạn cho các công nhân bị vùi lấp là rất nguy hiểm, vì sao từ chủ tịch huyện đến các cán bộ chiến sĩ quân đội đều vẫn vui vẻ lên đường? Điều đó chỉ có thể lý giải rằng họ sẵn sàng xả thân để cứu giúp đồng bào gặp hoạn nạn.
Thật mừng là trong xã hội còn rất nhiều những tấm gương như vợ chồng anh Luông, chị Phiêu, sẵn sàng gạt bỏ quyền lợi cá nhân sang một bên để phục vụ lợi ích của cộng đồng xã hội. Có thể lấy ví dụ từ một cậu bé người dân tộc đã băng rừng vượt suối “vác” một cây măng “to tổ bố” đi bộ hàng vài chục km để ủng hộ các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch tại Đà Nẵng trong làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 2.
Nói như vậy để thấy, chúng ta chia sẻ với sự mất mát của vợ chồng anh Luông, chị Phiêu, đồng thời càng cảm thấy nghĩa đồng bào của anh chị là hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Cũng vì những tấm gương như anh chị, chúng ta phải tự hứa với lòng sẽ cố gắng hơn nữa trong việc chung tay góp sức giúp đồng bào miền Trung sớm khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai. Xả thân vì nghĩa phải bằng hành động chứ không chỉ là lời nói suông.