Hơn 2 tuần qua, gần 60 hộ dân tại thôn 6, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) phải sống trong tình cảnh bị cô lập với các vùng lân cận. Bởi nhẽ, cây cầu tạm bắc qua kênh Mười xã nối với con đường độc đạo dẫn vào thôn 6 bỗng nhiên bị phá bỏ. Trong khi các hộ dân ở đây đang hết sức lo lắng vì mọi hoạt động thường ngày bị đình trệ và đảo lộn thì chính quyền địa phương lại viện ra nhiều lý do để biện minh.
Người dân thôn 6 xã Thành Lộc cùng nhau “vượt khó”.
Xã “quên” lời hứa
Theo lá đơn kêu cứu của 56 hộ dân, tôi tìm về Thành Lộc đúng buổi bà con thôn 6 được chính quyền “mời” lên UBND xã làm việc về nội dung khiếu nại liên quan đến cây cầu. Cả đoàn người gồm già, trẻ, lớn, bé… đứng bên bờ con kênh Mười xã để chờ được đưa sang bên kia bờ. Ngay phía dưới chân họ là chiếc thang sắt cũ kỹ, mỏng manh, một đầu được gác tạm bợ lên bờ Nam, đầu còn lại bị chìm nghỉm xuống lòng kênh do không đủ vươn dài để nối đôi bờ. Vài thanh niên có sức vóc sang trước đứng chờ để dìu đỡ người già, phụ nữ, trẻ em sang sau. Bà con bức xúc cho biết: Tình trạng này kéo dài suốt hơn 10 ngày nay. Mọi hoạt động giao thương, mưu sinh của người dân trong thôn với bên ngoài gần như bị cắt đứt…
Ông Lê Minh Vũ, trú thôn 6, xã Thành Lộ cho biết: Từ năm 2008, do nhu cầu san hộ của người dân trong xã, chính quyền đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng và có chủ trương bán đất san hộ tại khu vực đồng Lưỡi A (thuộc thôn 6 ngày nay). Đợt 1, xã đã bán cho tổng cộng 24 hộ dân, với mức giá lô 1 là 32 triệu đồng, lô 2 là 17 triệu đồng. Ngoài mức giá này, người dân còn phải đóng thêm 5 triệu đồng cho UBND xã với lý do “thu để mở rộng đường giao thông trong thôn và làm cầu”.
Đến năm 2010, UBND xã Thành Lộ tiếp tục bán đất, mức giá một lô đất ở thời điểm này được nâng lên 40 triệu đồng/suất với lý do để “chung tay xây dựng nông thôn mới, có kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi, trong đó có nội dung làm cầu cống”. Với cách làm trên, các lô đất đã tăng vọt giá lên gấp đôi, thậm chí lên đến gần gấp 3 lần so với mức giá sàn do Nhà nước quy định. Nhiều hộ dân tại thôn 6 đã phải trả 115 triệu đồng cho một suất đất ở.
Sau khi 56 hộ dân chuyển vào đây sinh sống, do nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt và không chờ được xã làm đường giao thông như đã hứa, người dân trong thôn đã hợp sức chở đất từ núi Lưỡi A về tôn tạo đường giao thông nội thôn. Cũng trong năm 2010, Cty TNHH vận tải Xuân Thanh (Cty Xuân Thanh) được UBND huyện Hậu Lộc đồng ý cho khai thác đất núi tại xã Đại Lộc để san lấp mặt bằng, Cty này đã chọn đường vận chuyển qua thôn 6, xã Thành Lộc. Để thuận tiện cho công việc của mình, Cty Xuân Thanh làm một cây cầu tạm bắc qua kênh Mười xã phục vụ việc vận chuyển. Chính vì vậy, người dân thôn 6 cũng được “đi ké” trên cây cầu này và quên đi lời hứa “sẽ làm cầu” của chính quyền.
Huyện tắc trách
Sau khi Cty Xuân Thanh hoàn thành việc khai thác đất núi tại Đại Lộc, ngày 12/5/2017, UBND huyện Hậu Lộc bất ngờ có công văn chỉ đạo: Cty Xuân Thanh khẩn trương tháo dỡ cầu tạm, UBND xã Thành Lộc phải có trách nhiệm thông báo cho người dân thôn 6 chủ động việc làm cầu để đi lại, không được gây cản trở cho quá trình tháo dỡ cầu vì cây cầu gây cản trở… dòng chảy. “Tại sao suốt trong mấy năm trời Cty Xuân Thanh đặt cống, dựng cầu, rút ruột núi, huyện không nói cầu gây ắch tắc dòng chảy? Ngoài ra, khi người dân hỏi chính quyền xã về số tiền đã đóng để làm cầu thì được xã trả lời rằng: Số tiền trên đã sử dụng hết vào việc xây dựng các công trình phúc lợi, không còn nguồn để làm cầu! Đây là cách trả lời hết sức thiếu trách nhiệm đối với nhân dân!”- ông Lê Minh Vũ bức xúc nói.
Trước những bức xúc của người dân thôn 6, ông Phạm Duy Tấn – Chủ tịch UBND xã Thành Lộc cho biết: Đúng là trong tháng 5/2017, huyện có ra văn bản yêu cầu xã phối hợp với Cty Xuân Thanh tháo dỡ cầu tạm, khơi thông dòng chảy cho kênh Mười xã. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương, người dân thôn 6 đã không đồng ý vì đây là cây cầu duy nhất nối thôn 6 với bên ngoài. Xã cũng đã đề nghị người dân khắc phục con đường ven chân núi để đi tạm nhưng bà con vẫn không thuận vì con đường này vừa xa lại rất khó khăn cho việc đi lại.
Về số tiền UBND xã thu của dân để làm cầu thì đã sử dụng hết… cho các công trình phúc lợi khác như: Mở rộng giao thông nội thôn, xây dựng nhà văn hóa… “Còn về nội dung đấu thầu đất từ những năm 2010 như dân nêu, lúc ấy vì nhu cầu xây dựng nông thôn mới, xã chỉ vận động bà con “tự nguyện” đóng góp để có thêm kinh phí? Số tiền chênh lệch từ bán đất, chúng tôi cũng sử dụng hết vào việc xây dựng nông thôn mới rồi”– ông Tấn phân bua.
“Chúng tôi cũng đã đề xuất với UBND huyện Hậu Lộc làm cầu tạm cho bà con nhưng phương án này không được huyện đồng ý vì nó liên quan đến an toàn giao thông. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề bà con đang bức thiết là Nhà nước và nhân dân… cùng làm. Chúng tôi đồng ý góp 4 triệu đồng, phần còn lại nhân dân tự đóng góp để làm cầu!” – ông Tấn nói. Song khi được hỏi, để làm một cây cầu kiến cố qua kênh Mười xã phải tốn bao nhiêu chi phí (PV)? Ông Tấn cho biết: “Để làm một cây cầu kiên cố phải tiêu tốn gần… 1 tỉ đồng chứ không ít!”. Với cách trả lời có phần thiếu trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã Thành Lộc xem ra chuyện để có được một cây cầu tạo thuận tiện cho việc giao lưu với bên ngoài của người dân thôn 6 xã này sẽ khó thực hiện được.