Những ngày qua dư luận xôn xao vụ bác sĩ “dỏm” Nguyễn Quốc Khiêm. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra xem rút cuộc Nguyễn Quốc Khiêm là sinh viên của trường nào? Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan tâm nhất chính là động cơ, mục đích khiến Nguyễn Quốc Khiêm xưng danh là bác sĩ khi tham gia chống dịch.
Một trong bảy sinh viên Trường Đại học Y Dược TP HCM tham gia tình nguyện chống dịch tại Trường Cao đẳng Điện lực thành phố cùng nhóm với bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm đã có những chia sẻ.
Theo sinh viên này, nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược được phân công nhiệm vụ ban đầu là lấy mẫu, phục vụ người dân. Do Khiêm lớn tuổi nên được bầu làm trưởng nhóm điều phối sinh viên lấy mẫu.
Qua trò chuyện với mọi người, Khiêm giới thiệu từng đi tình nguyện nhiều chỗ. Trong khi đó, quản lý khu cách ly thời điểm đó cũng tin tưởng Khiêm và để người này làm nhóm trưởng.
Cũng theo sinh viên cùng nhóm với Khiêm, một số F1 bị đau bụng hoặc các bệnh thông thường đến kê thuốc thì cũng được Khiêm cho thuốc. Từ kiến thức được học, sinh viên cùng nhóm thấy Khiêm kê thuốc cũng đúng nên không hề nghi ngờ.
Bên cạnh đó, theo phản ánh, Khiêm cũng biết về kỹ thuật khi thành thạo lắp ráp, vận hành máy thở, đặt nội khí quản, lấy ven và cho thuốc.
Sau đó ít ngày, nơi này được chuyển sang điều trị các ca F0 nặng và nhẹ, người quản lý ở đó chuyển đi, Khiêm với “uy tín” đã tạo sẵn nên mặc nhiên trở thành bác sĩ quản lý y tế chính ở đó. Người này nắm vai trò chính trong việc liên hệ với cấp trên, chuyển viện, tham mưu, điều động.
Liên quan đến mục đích khi xưng danh và đảm nhiệm các công việc trong khu điều trị F0, Nguyễn Quốc Khiêm khẳng định, chỉ muốn chống dịch chứ không trục lợi gì.
Từ vụ việc "bác sĩ giả" Nguyễn Quốc Khiêm, bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3 cho rằng, việc Khiêm lọt vào khu cách ly F0 hoàn toàn có thể hiểu được. Vì thời điểm đó, mọi nơi đều thiếu người trầm trọng, bệnh nhân cực kỳ đông, quản lý chắp vá chưa có quy trình chuẩn.
Bác sĩ Lam cho rằng, ở khu cách ly, thu dung ban đầu, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Do đó, các tình nguyện viên, nhân viên y tế cần nhất là sự nhiệt tình, thái độ tốt.
"Quan trọng nhất, môi trường của Khiêm làm việc là nơi F0 rất nhẹ. Hướng dẫn chăm sóc và các loại thuốc thông thường ở trên mạng, tìm thấy dễ dàng. Nếu Khiêm ở trong khu bệnh nhân nặng hơn, khu hồi sức, chắc chắn không tồn tại được”, bác sĩ Lam giải thích.
Tuy nhiên, bác sĩ Lam vẫn không thể hiểu tại sao "bác sĩ giả" Nguyễn Quốc Khiêm có thể ký được hồ sơ giấy tờ
Trước vụ việc "bác sĩ giả" Nguyễn Quốc Khiêm, Công an TP HCM đã phối hợp cùng Công an Quận 12 để kiểm tra, xác minh thông tin. Hiện Công an TP HCM tiếp tục làm việc với cá nhân, tổ chức có liên quan; làm rõ động cơ, mục đích của Nguyễn Quốc Khiêm và củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công an xác định, khoảng tháng 7/2021, căn cứ đề nghị của UBND Quận 12 về việc cử nhân sự tham gia hỗ trợ tại Khu cách ly trường Cao đẳng Điện lực TP HCM (Quận 12), trường Đại học Y dược TP HCM đã tạo lập nhóm “chat” trên mạng xã hội để sinh viên đăng ký tham gia theo hướng dẫn.
Lợi dụng sơ suất trong việc kiểm tra thông tin do sinh viên cung cấp, Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1998, quê Ninh Thuận, tạm trú Phường 15, Quận 10) đã tự tìm kiếm trên mạng mẫu thẻ sinh viên của trường Đại học Y dược TP HCM, sau đó chụp hình để đăng ký làm tình nguyện viên và đã được trường này tuyển chọn tham gia.
Ngày 16/8/2021, Trung tâm Y tế Quận 12 đã có quyết định về việc điều động, phân công nhân sự, trong đó có Nguyễn Quốc Khiêm hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại khu cách ly tập trung và điều trị Covid-19 ở trường Cao đẳng Điện lực TP HCM.
Tháng 9/2021, việc giả mạo sinh viên trường Đại học Y dược TP HCM bị lộ, Nguyễn Quốc Khiêm đã nghỉ việc tại khu cách ly và điều trị Covid-19 ở trường Cao đẳng Điện lực TP HCM.