Quốc hội

Xác định rõ số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung trong giai đoạn 2026 - 2030

Việt Thắng 22/05/2025 10:54

Ngày 22/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hằng năm, cả nước có trên 5,1 triệu trẻ mầm non (4,56 triệu trẻ từ 3-5 tuổi) đang học tại trên 15.000 trường và hơn 17.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tuy nhiên, còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn nghèo nàn. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non. Trong khi đó, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi.

Vì vậy, việc xây dựng nghị quyết nhằm thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo. Bảo đảm trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.

Dự thảo nghị quyết gồm 6 Điều áp dụng đối với người học là trẻ em trong độ tuổi từ 3-5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mục tiêu của nghị quyết là hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030. Việc phổ cập được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm các điều kiện phổ cập theo quy định. Đồng thời, huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục mầm non dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết, trong đó tập trung vào các nội dung cụ thể như: đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu; bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định; bảo đảm đầy đủ kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập; bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với trẻ em; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên cấp học mầm non; chính sách đột phá về đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Để bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi, Chính phủ đề xuất bổ sung ngân sách Nhà nước tăng thêm ngoài 20% tổng chi cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục, kết hợp các nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

vinh22-5.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ.

Về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, Ủy ban tán thành giao Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ quy định về đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu để tránh trùng lặp với các chương trình, đề án đang triển khai.

Về nguồn lực thực hiện, Ủy ban cho rằng, để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi vào năm 2030, cần nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.

Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ông Vinh cho hay, tổng dự toán kinh phí để thực hiện giai đoạn 2026-2030 là 116.314,1 tỷ đồng. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định lộ trình giai đoạn 2026 - 2030.

Về đội ngũ giáo viên, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét, quyết định.

“Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, nhất là các địa phương có điều kiện khó khăn”, ông Vinh nói và đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết do ngân sách Trung ương hỗ trợ tăng thêm ngoài tổng chi ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xác định rõ số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung trong giai đoạn 2026 - 2030