Những vụ việc xâm hại, cưỡng bức tình dục liên tiếp xảy ra gần đây đặt ra hồi chuông báo động về sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. PV Đại Đoàn Kết Online đã có những trao đổi về tình trạng này dưới góc nhìn văn hoá của nhà nghiên cứu văn hoá, TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
PV: Thưa TS. Nguyễn Ánh Hồng, thời gian gần đây báo chí liên tục thông tin về hàng loạt các vụ việc về xâm hại, cưỡng bức và bạo hành tình dục. Dưới góc nhìn văn hoá, bà có đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
TS Nguyễn Ánh Hồng: Dưới góc độ của văn hoá, chuyện xâm hại tình dục không phải bây giờ mới có, trước kia cũng có và bây giờ cũng có. Tuy nhiên do sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội mà giờ đây người ta được biết đến nhiều hơn. Tốc độ lan truyền quá lớn của thông tin khiến chúng ta tiếp nhận dễ dàng hơn và thấy sốc trước số lượng các vụ việc xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.
Trước đây các nạn nhân cũng không dám nói và lên tiếng vì xấu hổ, vì cái tôi cá nhân chưa phát triển đến mức người ta có thể lên tiếng với những vấn đề liên quan đến danh dự và nhân phẩm của mình.
Thời gian gần đây liên tục xuất hiện các vụ việc liên quan đến xâm hại, cưỡng bức, hiếp dâm…. Thậm chí những vụ xâm hại tình dục xảy ra ở trong phạm vi gia đình, có tính loạn luân như cha - con, ông - cháu, chú - cháu, bố dượng - con riêng… khiến tôi không khỏi rùng mình.
Tại Bắc Giang đã ghi nhận vụ việc của những đứa trẻ mới 13 tuổi đã biết yêu, đến phòng bạn trai rồi bị nhóm bạn của bạn trai thay nhau cưỡng bức… Đó là những sự việc hết sức đau lòng và đáng sợ.
Xét về góc độ văn hoá, đâu là yếu tố tác động đến sự gia tăng của tình trạng này, thưa TS?
- Mặt trái của quá trình mở cửa và hội nhập toàn cầu đã khiến văn hoá phương Tây tràn vào làm thay đổi nhận thức và lối sống của rất nhiều người. Trong đó một số sống buông thả với chủ nghĩa cá nhân được đề cao một cách lệch lạc.
Tất nhiên để xảy ra tình trạng đáng buồn này lỗi xuất phát từ nhiều phía. Tuy nhiên, một phần cũng không hẳn đã là từ phía những người đàn ông.
Cách giáo dục con cái, vai trò của người mẹ với tư cách người thầy giám sát, người bạn tâm lý đã không được hoàn thành tốt. Những bộ phim giải trí với ăn mặc phản cảm đã hình thành nên phong cách của nhiều bạn trẻ. Hiện nay nhiều bạn nữ không biết phòng vệ, hoặc khả năng phòng vệ quá kém.
Các loại hình văn hoá giải trí như quán bar, vũ trường, karaoke đèn mờ… tạo thành bức bình phong để che đậy những hành vi quá khích cũng là một trong những nguyên nhân.
Đặc biệt, tình dục học đường tăng lên trong thời gian gần đây cũng là một trong những nguyên nhân phải nhắc đến. Những đứa trẻ đã biết yêu từ rất sớm trong khi chương trình giáo dục giới tính vẫn chưa được thống nhất, kiến thức và hiểu biết của các em còn hạn chế. Điều này dẫn đến những tò mò, kích thích trong độ tuổi dậy thì khiến nhiều em có hành vi lệch lạc và sai lầm.
Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội và điện thoại thông minh cũng là yếu tố tác động rất lớn mà nhiều tài liệu và truyền thông, báo chí đã nhắc đến rất nhiều.
Đáng nói, thời gian gần đây, rất nhiều người có học vị cao, am hiểu pháp luật, có địa vị xã hội… bị tố cáo về hành vi xâm hại, cưỡng bức tình dục. TS nhận định ra sao?
- Đây thực sự là những trường hợp rất đáng buồn thời gian gần đây. Có thể coi đó là biểu hiện của suy thoái, băng hoại giá trị đạo đức và văn hoá.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng đây chỉ là hiện tượng cá biệt chứ chưa phải bản chất, không thể quy chụp. Một ông trưởng khoa trường luật, chủ một bệnh viện hay phó tổng biên tập của một tờ báo có hành vi băng hoại đạo đức này sẽ chỉ là một chiếc lá sâu trên một cây cổ thụ vững vàng.
Đâu đó trong xã hội sẽ vẫn còn những trường hợp này, sẽ không gì hơn bằng việc cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý để răn đe cho người khác.
Các sự việc xảy ra gần đây có nên là những bài học cảnh tỉnh cho chúng ta về sự giáo dục giới tính, trang bị các kĩ năng cần thiết cho nữ giới và trẻ em tự bảo vệ mình, thưa bà?
- Rõ ràng, bất cứ gia đình nào cũng đang tồn tại những nỗi lo này, đặc biệt là với trẻ em, nỗi sợ bị xâm hại tình dục nói riêng và một loạt các hiện tượng xã hội khác như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội…có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Độ an toàn của con trẻ trong đời sống xã hội hiện đại đang ở mức báo động. Dưới góc nhìn văn hoá, văn hoá gia đình, văn hoá cộng đồng và văn hoá lối sống hiện nay đang bị đe doạ.
Một số bậc làm cha mẹ đang xao nhãng trong trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con. Họ “giao khoán” trách nhiệm này cho nhà trường, cho rằng con đi học rồi thì thầy cô phải là người giáo dục… Về đến nhà chỉ biết nhắc nhở: “Con học bài chưa, con học bài đi!” mà chẳng quan tâm con học cái gì, xem gì trên mạng.
Họ không quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con biến đổi thế nào, gặp phải vấn đề gì hay không…Điều này khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái gần như mất đi kết nối.
Do vậy khi xảy ra bất cứ tình trạng bị xâm hại nào, trẻ có xu hướng giữ im lặng và chịu đựng một mình. Chỉ đến khi giọt nước tràn ly thì người thân mới tá hoả, giật mình.
Như vậy, rõ ràng chúng ta cần thay đổi trong cách giáo dục trẻ trước tiên?
- Chắc chắn. Tìm ra nguyên nhân thì dễ nhưng bàn về giải pháp mới là điều khó. Chúng ta gặp trở ngại lớn từ mặt nhận thức cho đến hành động. Các lực lượng tham gia vào công cuộc này cũng được xem như một mặt trận để đem lại sự bình yên cho gia đình, cho xã hội là không hề dễ dàng.
Dưới góc độ văn hoá, điều đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao văn hoá gia đình, vì đây là tổ chức đầu tiên cũng như nơi sinh hoạt chủ yếu của mỗi cá nhân. Những năm đầu đời để giáo dục trẻ rất quan trọng. Hãy dạy con cách về cách phòng vệ giới tính, không để người lạ và cả người nhà được đụng chạm vào những vùng nhạy cảm… để trẻ có những phản vệ tự nhiên nhất.
Lớn hơn một chút, khi đến tuổi đi học, cần dạy cho trẻ biết cách chơi với các bạn nam. Cũng bắt đầu từ cấp 1, cần thêm một môn giáo dục kĩ năng sống cho các con.
Tôi gọi những ám ảnh của những nạn nhân bị xâm hại tình dục chẳng khác nào cái chết, một cái chết từ từ nhưng ghê rợn. Vậy tại sao không dạy cho các con có kĩ năng phòng vệ trước?
Còn sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì sao, thưa bà?
- Nhà trường nên kết hợp với các tổ chức chính trị, xã hội khác để thực hiện những buổi tập huấn, trao đổi kiến thức để trẻ có khả năng tự bảo vệ chính mình, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi đồi truỵ từ phía bên ngoài.
Về phía cơ quan quản lí, cần có những cơ chế trừng phạt hết sức nghiêm khắc với những kẻ thực hiện những hành vi này. Bởi biện pháp răn đe là phương pháp hữu hiệu hơn quả để nhắc nhở, cảnh cáo và răn đe.
Tôi thiết nghĩ phải coi nạn xâm hại, cưỡng bức tình dục này nguy hiểm và khủng khiếp như tội phạm ma tuý, sẵn sàng lập các phiên toà xét xử lưu động và công khai để đủ sức răn đe.
Những hành vi xâm hại, cưỡng bức tình dục chính là biểu hiện của suy thoái và biến chất đạo đức và văn hoá, làm tổn hại đến nhiều người và lan tràn nọc độc ra toàn xã hội nếu không kịp thời ngăn chặn.
Đội ngũ những người nắm cán cân công lý cần có bản lĩnh và dũng khí, lập luận chặt chẽ và kiên quyết để ngăn chặn những hành vi này, trả lại bình yên cho đời sống xã hội.
Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!