Theo Bộ Quốc phòng, những quy định về hình xăm, chữ xăm trên cơ thể là một trong những nội dung thuộc tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ.
Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020 với nội dung: “Cử tri phản ánh tình trạng một số thanh niên lợi dụng việc xăm hình để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Bộ Quốc phòng có các quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo đúng tính công bằng cho công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
Ngày 9/9/2020, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, để bảo đảm sự công bằng xã hội, kịp thời ngăn chặn tình trạng công dân lợi dụng việc xăm hình lên cơ thể để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự:
- Ngày 9/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; khoản 2, Điều 6 Nghị định này đã quy định: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; sau khi nộp phạt, buộc cưỡng chế phải thực hiện việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”.
- Ngày 15/4/2016, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA); trong đó, tại khoản 9, Điều 5 đã quy định không tuyển chọn nhập ngũ những trường hợp sau: “… trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên”.
- Hằng năm, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức rút kinh nghiệm và có hướng dẫn chi tiết về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (trong đó có tiêu chí cụ thể về hình xăm, chữ xăm); do đó, chất lượng công tác tuyển quân từng bước được nâng lên, hạn chế việc công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm trên cơ thể để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, những quy định về hình xăm, chữ xăm trên cơ thể là một trong những nội dung thuộc tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ; vì vậy, quá trình tuyển chọn công dân nhập ngũ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự và Hội đồng Khám sức khỏe của các địa phương có trách nhiệm tổ chức sơ tuyển, khám tuyển, xét tuyển chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA, không để bị lợi dụng hoặc để lọt những công dân có hình xăm, chữ xăm trái với quy định nhập ngũ vào Quân đội gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng.
Trân trọng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri; Bộ Quốc phòng đề nghị: Cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyển quân hằng năm; trong đó, thực hiện đúng quy trình, quy định và kết hợp vận động, giáo dục với bắt buộc tẩy xóa hình xăm, chữ xăm, nếu cố ý vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật hoặc buộc phải cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ quân sự; làm tốt công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; cơ quan Quân sự địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an cùng cấp và Hội đồng khám sức khỏe để xem xét, phân loại tính chất từng hình xăm, chữ xăm, không để công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm hoặc các hành vi gian dối, làm sai lệch kết quả khám sức khỏe và các hành vi khác để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; bảo đảm công bằng xã hội trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm tại các địa phương.