Việt Nam luôn tự hào là quốc gia đi đầu về sản lượng gạo xuất khẩu. Ngành lúa gạo năm nào cũng đưa về kim ngạch gạo xuất khẩu trong nhóm tỷ đô. Tuy nhiên, hạt gạo Việt Nam đứng ở vị trí nào trên bản đồ thế giới, đó vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Đặc biệt, thời gian qua, biến đổi khí hậu gây xâm nhập mặn, hạn hán ở 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang trở thành áp lực với bài toán xuất khẩu gạo cũng như vấn đề an ninh lương thực quốc gia.
Xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề ở ĐBSCL.
Vẫn mờ mịt thương hiệu
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng trong top đầu các cường quốc xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Mặc dù trong những tháng cuối năm 2015, sản lượng gạo xuất khẩu có dấu hiệu sụt giảm, song hai tháng đầu năm 2016, gạo xuất khẩu đã có những dấu hiệu khởi sắc. Số liệu của VFA cho biết, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2016, cả nước xuất khẩu trên 856.000 tấn gạo. Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu gạo tháng 2 vượt kế hoạch đề ra là 400.000 tấn, cao hơn tháng trước đó 5,44% và cao hơn cùng kỳ năm trước 117%. Lũy kế xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm nay cũng cao hơn so cùng kỳ năm trước gần 102%.
Nguyên nhân của sự gia tăng này được VFA lý giải, là do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng tập trung với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc.
“Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu gạo trong 2 tháng tăng mạnh nhưng hợp đồng còn lại chưa thực hiện vẫn còn nhiều, gần 1,4 triệu tấn. Điều này sẽ giúp giữ được tiến độ xuất khẩu trong vài tháng tới, chưa tính các hợp đồng ký mới. Hiện tại, giá lúa gạo trong nước được nhận định có xu hướng tiếp tục tăng”- VFA nhận định.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA đưa ra dự báo, xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm 2016 có nhiều dấu hiệu bứt phá do các thị trường tiềm năng của ta như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia... sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước. Theo Chủ tịch VFA, cuối năm vẫn còn khoảng 500.000-600.000 tấn gạo cần giao cho các hợp đồng tập trung và 200.000 tấn hợp đồng thương mại mà các DN đã ký kết trong quý 1-2016.
Mặc dù có dấu hiệu gia tăng khá mạnh mẽ về sản lượng xuất khẩu, song, gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung về số lượng chứ chưa chú trọng nhiều vào giá trị và thương hiệu. Đó là lý do vì sao, gạo Việt xuất khẩu với số lượng lớn nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn nhiều trên thị trường thế giới. Đáng chú ý, Trung Quốc được đánh giá là thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam lớn nhất. Tính trung bình, mỗi năm, thị trường này tiêu thụ khoảng hơn 3 triệu tấn gạo của nước ta. Riêng năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu 3,350 triệu tấn gạo… Thế nhưng, theo ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán thương mại Việt Nam ở Trung Quốc, tìm mỏi mắt tại thị trường này không thấy gạo xuất xứ từ Việt Nam (?!)
Nguyên nhân của nghịch lý này được ông Bùi Huy Hoàng lý giải, xuất phát từ hai vấn đề. Thứ nhất, Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là những loại gạo có chất lượng thấp với mục đích để chế biến thành các sản phẩm như mì và các loại bánh có thành phần là gạo... Thứ hai, trên thực tế lâu nay, các DN Việt hầu như chưa có một hoạt động nào nhằm mục tiêu quảng bá, xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Đây là nguyên do khiến cho gạo Việt muốn tiêu thụ được ở thị trường này buộc phải chấp nhận nằm dưới nhãn mác thương hiệu khác.
Theo ông Hoàng, đây là thực tế đáng buồn của hạt gạo Việt không chỉ tồn tại ở thị trường Trung Quốc mà còn ở nhiều thị trường khác trên thế giới, và rốt cuộc gạo của chúng ta mới chỉ được tiếng về sản lượng xuất khẩu mà chưa hề có tiếng về chất lượng, chưa tạo được thương hiệu riêng trên bản đồ thế giới.
Ai cũng biết câu chuyện xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chưa gắn sát với việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu tại thị trường thế giới. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khuyến cáo: “Các DN Việt cần nhanh chóng xây dựng hình ảnh, thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường thế giới, nếu chậm chân, chúng ta sẽ bị các đối thủ mạnh như Thái Lan và Campuchia “qua mặt”.
An ninh lương thực quốc gia bị ảnh hưởng?
Ở một khía cạnh khác, bài toán xuất khẩu gạo thời gian tới, mặc dù được đánh giá là đã có chiều hướng tốt lên, song, không thể không thừa nhận, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia nói chung và đến mục tiêu xuất khẩu của ngành lúa gạo nói riêng. Theo kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL cho thấy, vụ đông xuân 2015-2016, diện tích lúa có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán là 339.234ha, chiếm 21% diện tích xuống giống của toàn vùng ĐBSCL. Trong số này, tới 70% diện tích bị mất trắng.
Rõ ràng, đây không phải là một con số an toàn nữa. Bởi Đồng bằng Sông Cửu Long chính là vựa lúa, là nơi cung cấp chính lượng gạo cho toàn ngành xuất khẩu cũng như đối với vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tình hình cũng chưa tới mức nghiêm trọng như vậy, đây mới là vụ đầu năm, các địa phương sẽ tìm mọi cách để điều chỉnh diện tích gieo trồng các vụ tiếp theo để bù lại sản lượng bị thiếu”. Theo vị Cục trưởng, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong năm 2016, các địa phương cần bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng, xâm nhập mặn được xem là kẻ thù của cây lúa, tuy nhiên, cần phải thay đổi tư duy này, bằng cách biến nước mặn trở thành một sản phẩm hữu ích cho ngành nông nghiệp, thì chắc chắn diện mạo sẽ khác đi, nguy cơ an ninh lương thực quốc gia bị ảnh hưởng cũng sẽ bị đẩy lùi. Nói như GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực trồng trọt, trong thời đại tái cơ cấu nông nghiệp khi khí hậu biến đổi khó lường, nước ngọt là tài nguyên thiên nhiên quý hiếm không tái tạo được thì chúng ta không nên xem nước mặn là kẻ thù mà là bạn tốt. Từ đó, chọn hướng sản xuất thâm canh những cây trồng, vật nuôi theo các hệ thống canh tác làm giàu bền vững tại vùng nhiễm mặn.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, để đảm bảo an ninh lương thực, đối phó với biến đổi khí hậu, việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chuyển đổi và đa dạng hóa cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi… chính là một trong những giải pháp căn cơ để ngành nông nghiệp có thể bứt phá trước thách thức của thiên trong thời gian tới.
An Giang: Lúa được mùa, được giá Từ giữa tháng 3/2016, trên nhiều cánh đồng lúa ở huyện Thoại Sơn (An Giang) đã bắt đầu vào vụ thu hoạch chính vụ đông xuân. Năm nay lúa được mùa, được giá nên nhiều nông dân rất phấn khởi. Giá lúa tươi tại ruộng được thu mua dao động khoảng từ 5100 – 5.300đồng/kg (tăng khoảng 300-400đồng/kg). Giá lúa IR50404 hạt ngắn từ 4.400 đồng/kg nay đã lên mức 4.950 đồng/kg. Theo một thương lái mua lúa gạo tại An Giang, giá lúa gạo kể từ sau tết âm lịch đã tăng lên rất nhanh do nhu cầu của các nhà máy xay xát lớn. Lúa chín đến đâu được thương lái gom hết để chuyển cho các nhà máy. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định giá lúa gạo trong nước tăng là do nhu cầu mua lúa gạo lớn và giá trên thị trường xuất khẩu tăng so với trước. TT |