Chiều ngày 10/10, gặp mặt các điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, muốn dân hiểu thì phải nói cho dân nghe, dành thời gian lắng nghe của ý kiến của dân. Thuyết phục và nêu gương là vấn đề quan trọng nhất trong lãnh đạo chứ không phải là dùng quyền lực.
Thủ tướng nhấn mạnh, sự nghiệp cách mạng của đất nước muốn thành công thì phải dựa vào dân, mà chính vì thế công tác dân vận rất quan trọng, có ý nghĩa lớn lao. Thủ tướng lấy ví dụ về thành tựu trong phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua.
Thủ tướng nêu vấn đề, nếu không có sự ủng hộ của người dân thì liệu chúng ta có trở thành một điểm sáng của thế giới về ngăn chặn đại dịch hay không? Đồng thời khẳng định: “Tôi nghĩ công này của người dân rất lớn lao”.
Trong tình hình hiện nay với nhiều thách thức, thì công tác dân vận lại đứng trước những khó khăn mới; đặc biệt với sự xuất hiện của những thông tin xấu độc trên mạng từng ngày từng giờ tác động tới suy nghĩ, nhận thức của xã hội.
Người làm công tác dân vận nói riêng và cán bộ các cấp nói chung càng cần phải gần dân, lắng nghe dân, chia sẻ với dân, chỉ có như thế những vướng mắc nếu có mới được tháo bỏ.
Một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua là khiếu kiện về đất đai. Nhiều nơi người dân tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây trường học… thì cũng không ít nơi người dân khiếu kiện về đền bù khi giải tỏa, thu hồi đất.
Điều đó khách quan cho thấy việc giải quyết mâu thuẫn quyền lợi đã không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng ở cơ sở, từ đó dẫn tới khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Trong những vụ khiếu kiện đất đai thì vụ việc xảy ra tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) được xem là điển hình.
Vụ việc kéo dài đã hơn 20 năm, nhiều cấp đã vào cuộc tìm hướng giải quyết, nhiều cán bộ sai phạm đã bị xử lý, nhưng vẫn chưa xong. Tại những cuộc tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ, của lãnh đạo TP HCM, ý kiến của người dân được ghi nhận nhưng cách giải quyết lại vẫn không thuyết phục được người dân. Đó là điều rất đáng suy nghĩ.
Muốn có sự đồng thuận của người dân thì trong bất cứ việc gì thì trước tiên phải là lắng nghe dân, rồi tiếp đó là nói cho dân hiểu, làm cho dân tin.
Suy cho cùng, gốc rễ của vấn đề cũng lại là ý thức trách nhiệm của cán bộ, từ cấp cơ sở trở lên. Làm dân vận mà không vận động được dân thì cũng có nghĩa là thất bại, dẫn tới những hậu quả khó lường.
Trong phát biểu tại buổi gặp mặt điển hình “Dân vận khéo”, Thủ tướng nhấn mạnh vừa qua chúng ta đã cố gắng sửa các khuyết điểm, nhất là bệnh quan liêu, xa dân, không minh bạch... Đã có chuyển biến tốt nhưng không được chủ quan, công tác dân vận cần tiếp tục nâng cao hiệu quả, chống bệnh hình thức, hành chính.
Dân vận là phải xắn tay áo vào lo việc cho dân, trong khi “cũng có chỗ, có nơi khi xảy ra sự việc thì không thấy người làm dân vận ở đâu mà chỉ thấy mấy anh công an”. Như thế là không được.
Nhân đây một lần nữa xin được nhắc lại tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 15/10/1949, với bút danh XYZ, Người đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, số 120.
Mở đầu bài viết, Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Người nhấn mạnh: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Đó cũng chính là quan điểm “Nước lấy dân làm gốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Dân vận là gì? Đồng thời Người giải thích: Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho.
Mà muốn có kết quả ấy thì cán bộ làm công tác dân vận phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.
Thời gian trôi qua những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị.
Dân vận không phải là công việc riêng của ai mà là của tất cả đội ngũ cán bộ, phải là công việc thường xuyên chứ không thể lúc làm lúc không, làm cũng được mà không làm cũng được. Đặc biệt, cũng cần cảnh giác với những người miệng nói nghe dân, chia sẻ với dân nhưng thực chất lại coi thường dân, nghe rồi bỏ đấy, có tai như điếc có mắt như mù.
Nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc rằng, nhân dân tinh lắm, không gì lọt qua được mắt người dân. Những hành động mị dân, những người không thực tâm vì dân thì sớm muộn gì cũng bị phát giác.
Cho nên, đó là điều cần hết sức tránh. Muốn để dân hiểu, dân tin thì không có cách nào khác phải thực thà lắng nghe dân, miệng nói, tay làm, xắn tay áo lo việc cho dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng cán bộ là công bộc của dân cũng chính từ ý nghĩa sâu xa và rất thực tế đó.