Xăng E5, bao giờ 'hồi tỉnh'? Bài 2: Từ kỳ vọng ... đến thất vọng

Nhóm PV 13/04/2016 10:10

Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân là nhà máy lớn nhất ở Việt Nam sản xuất xăng sinh học. Còn nhà máy Bio Ethanol Dung Quất có công suất 100 triệu lít ethanol/năm, hai nhà máy không chỉ là sự kỳ vọng sản xuất xăng E5 thay thế dần xăng truyền thống mà còn là nơi giải quyết hàng ngàn lao động và tiêu thụ sắn của hàng chục ngàn nông dân. Thế nhưng sự  kỳ vọng bỗng chốc biến thành nỗi thất vọng ê chề  vì các nhà máy này đều đã đóng cửa.

Xăng E5, bao giờ 'hồi tỉnh'? Bài 2: Từ kỳ vọng ... đến thất vọng

Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân nay đã đóng cửa.

Kỳ vọng…

Không chỉ người dân Quảng Nam mà cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên vô cùng hân hoan khi Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân ra đời. Bởi nhà máy có công suất thiết kết 100.000 tấn Ethanol/năm. Đây là nhà máy Ethanol rất, được khởi công năm 2007 và năm 2010 thì chính thức đưa vào sản xuất. Còn nhà máy Bio Ethanol Dung Quất có vốn gần 1.900 tỷ đồng, công suất 100 triệu lít ethanol/năm. Khi mới đi vào hoạt động, sản phẩm của các nhà máy được cung cấp cho các công ty xăng dầu ở khu vực miền Trung và xuất khẩu sang Philippines, Malaysia, Nhật Bản. Cùng với đó Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân tạo việc làm cho gần 400 lao động địa phương và tiêu thụ nguyên liệu như khoai, sắn cho khoảng 20.000 nông dân trong khu vực.

Còn Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất là dự án nằm trong Đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007. Kỳ vọng của các nhà máy này là khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp Bio Ethanol chất lượng cao dùng để pha xăng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nhiên liệu sạch, bảo vệ mội trường; góp phần thay thế việc xuất khẩu sản phẩm sắn có giá trị kinh tế thấp bằng việc sản xuất Bio Ethanol là dòng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng nguồn đóng góp ngân sách nhà nước hàng năm, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương,…

Chúng tôi nhớ lại những năm 2010 đi đâu cũng nghe người dân bàn về việc trồng sắn. Cây sắn giờ đây không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà con vươn lên giàu có. Tại các nhà máy này thời điểm đó xe sắn khắp nơi tấp nập đổ về nhà máy để bán.

… Và thất vọng

Thế nhưng sau vài năm hoạt động Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân vỡ nợ, người dân dựng lều trước nhà máy đòi nợ. Các sở ban ngành và cả UBND tỉnh liên tiếp tổ chức các cuộc họp để giải cứu nhà máy. Cuối cùng nhà máy cũng đóng cửa. Ngay sau đó là Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất cũng “sập tiệm”.

7 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đều dừng hoạt động

Theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước có 7 nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học (ethanol), nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vốn đầu tư ban đầu gần 1.900 tỷ đồng, nhà máy ethanol Bình Phước vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ) vốn đầu tư (tạm tính) 2.484 tỷ đồng, nhà máy ethanol Đại Tân (Quảng Nam) vốn đầu tư 575 tỷ đồng, nhà máy ethanol Đại Việt (Đăk Nông) vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nhà máy ethanol Đăk Tô (Kon Tum), nhà máy ethanol Tùng Lâm (Đồng Nai) vốn đầu tư 928 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này,7 nhà máy đều dừng hoạt động vì thua lỗ, bế tắc đầu ra.

Sau đó, liên tiếp xảy ra tình trạng hàng chục hộ dân đến từ các tỉnh, thành Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định... gửi đơn cầu cứu lên các cấp chính quyền từ xã đến trung ương vì cho rằng bán sắn nhưng không lấy được tiền. Khi đó phóng viên có mặt tại đây gặp bà Phạm Thị Ngọc Thanh, ở tỉnh Kon Tum đến đòi nợ đã cho biết: Nhà máy nợ tôi tới 6 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn với chúng tôi. Đó không riêng là tiền tôi mà còn là tiền của những nông dân đã bán sắn cho chúng tôi. Rất mong các ngành các cấp sớm giải quyết vấn đề này.

Hai nhà máy đóng cửa cũng đồng nghĩa gần 600 lao động thất nghiệp. Theo ông Phạm Văn Vượng- Giám đốc Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất cho hay, nguyên nhân nhà máy đóng cửa là do giá bán Ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng/lít so với giá thành sản xuất. Nhà máy hoạt động cầm chừng dẫn đến chi phí tiêu hao nguyên liệu càng tăng nên đành ngừng hoạt động, 128 kỹ sư đành phải nghỉ việc không lương từ giữa tháng 3/2016. 50 nhân sự được giữ lại để bảo quản, xử lý các vấn đề liên quan.

Đắng lòng nhất là sự kỳ vọng của hàng chục ngàn người trồng sắn ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ông Nguyễn Muộn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: Thời cao điểm, Quảng Nam có diện tích sắn lên đến trên 14.000 ha, còn năm 2016 chưa thống kê, nhưng chắc chắn một điều diện tích sắn bây giờ đã tụt giảm rất nhiều.

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước việc Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân đóng cửa, UBND tỉnh đã tích cực làm việc với các bên, với mục đích ưu tiên khôi phục hoạt động sản xuất cho nhà máy. Đây là hướng đi tốt nhất để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đang thất nghiệp. Đối tác mới là một công ty trong nước, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt để đối tác mới này khôi phục hoạt động sản xuất của nhà máy.

Tuy nhiên, hiện hai nhà máy vẫn đóng cửa. Bài toán về xăng E5, công ăn việc làm cho các công nhân ở các nhà máy này, cũng như người trồng sắn vẫn đang trông chờ lời giải…

Tháng 9/2009, Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung khởi công xây dựng nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng vốn gần 1.900 tỷ đồng. Nhà máy có công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol mỗi năm, đưa vào vận hành thương mại vào tháng 2/2012. Thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay, nhà máy không phát huy hiệu quả, thua lỗ lớn. Đến cuối tháng 3/2016, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất tuyên bố dừng hoạt động và hiện vẫn chưa có kế hoạch chạy lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xăng E5, bao giờ 'hồi tỉnh'? Bài 2: Từ kỳ vọng ... đến thất vọng