Với mục tiêu là quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ, phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học gắn với xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, hơn 4 năm qua, dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ được triển khai tại Ninh Thuận đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc trồng, chăm sóc rừng phòng hộ, góp phần giảm nhẹ thiên tai, từng bước xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng nông thôn, miền núi.
Việc trồng rừng tại Ninh Thuận được đánh giá đạt hiệu quả cao.
Ninh Thuận có 5 xã của 3 huyện và 3 ban quản lý rừng phòng hộ là Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang và Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam được thực hiện dự án với 5 hợp phần gồm: Phát triển rừng; hỗ trợ phát triển sinh kế; phát triển cơ sở hạ tầng sinh kế; phát triển cơ sở hạ tầng lâm sinh và hợp phần kiểm soát cháy rừng.
Được triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 139 tỷ đồng; trong đó, vốn vay JICA hơn 120 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh hơn 18 tỷ đồng, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã trồng được 1.760 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 660 ha; bảo vệ gần 5.000 ha rừng phòng hộ; xây dựng 13km đường lâm nghiệp, 22km đường ranh cản lửa, 3 chòi canh lửa, 3 trạm bảo vệ rừng, 1 vườn ươm; xây dựng 1 hệ thống cấp nước sạch, 4 hệ thống kênh tưới và 8km đường bê tông nông thôn. Đặc biệt, dự án còn hỗ trợ người dân vùng hưởng lợi phát triển sinh kế thông qua các mô hình trồng thâm canh cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, mô hình chăn nuôi dưới tán rừng, đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống.
Theo Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang Lê Minh Hiền, đến nay Ban quản lý đã triển khai cho người dân trồng được hơn 470 ha rừng, đồng thời đã giao khoán hơn 4.900 ha rừng cho các tổ nhận khoán. Được kinh phí từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng đã trích 60% trong tổng kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng để mua bò phát cho các hội viên nuôi sinh sản. Riêng tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, 5 tổ nhận khoán (66 hộ) của xã đã mua và đã có tổng cộng 66 con bò trao cho hội viên chăn nuôi.
Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam Trần Ngọc Hiếu cho biết, nhờ dự án hỗ trợ, đến cuối năm 2016, Ban quản lý đã trồng và chăm sóc 284 ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 660 ha rừng. Hiện Ban quản lý đang triển khai trồng với diện tích hơn 130 ha, hỗ trợ người dân trồng xen cây ăn trái, đồng thời tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho người dân.
Ông Phạm Thiều, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Ninh Thuận (Ban quản lý dự án JICA 2 Ninh Thuận) cho biết, dự án JICA 2 nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản trên lĩnh vực phát triển ngành lâm nghiệp nhằm thực hiện trồng, khoanh nuôi, chăm sóc rừng phòng hộ, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã miền núi khó khăn, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Đến thời điểm này, hầu hết các hợp phần được triển khai thực hiện tại Ninh Thuận đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Việc trồng rừng của dự án được đánh giá đạt hiệu quả cao về môi trường và xã hội. Dự án không những giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, mà còn xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa bàn khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong việc tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống…