Ngày 20/1, ông Võ Văn Dự- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tỉnh này đã phê duyệt khoản kinh phí 1 tỷ đồng để xây trạm quan sát, bảo vệ các bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu được phát hiện tại rừng Bắc Hải Vân (vào đầu tháng 11/2016).
Một bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu xuất hiện tại khu vực rừng
giáp Đà Nẵng đầu tháng 11/2016. (Ảnh: Thanh Tùng).
Cùng ngày ông Trần Văn Lộc- Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân cũng cho biết, 3 bầy đàn với ít nhất 70 cá thể Vọoc chà vá chân nâu nói trên đang đứng trước nhiều mối đe dọa - nếu không có giải pháp bảo vệ khẩn cấp.
Một trong những mối đe dọa trực tiếp với các bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu ở Hải Vân là bẫy bắt. Sau khi thông tin về Vọoc chà vá chân nâu xuất hiện ở Bắc Hải Vân được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đã tăng cường thêm nhân lực tuần tra, bảo vệ nhưng do địa hình rộng nên khó ngăn chặn triệt để việc bẫy, bắt thú rừng.
Mới đây, trong quá trình tuần tra, cán bộ BQL đã phát hiện, thu giữ 1 cá thể Cu li nhỏ (pháp danh khoa học: Nycticebus pygmaeus, nằm trong danh mục các loài động - thực vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) bị bẫy, bắt tại khu vực gần sinh cảnh sống của các bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu ở Bắc Hải Vân. Ông Trần Văn Lộc cho biết, do rừng Hải Vân được quản lý, bảo vệ phục hồi một cách khoa học trong thời gian dài nên các loài thực vật bản địa như chò chỉ, gõ lau, gõ, huỳnh, trâm xanh, sao đen…đã phát triển xanh tốt. Các loại cây bản địa được trồng phục hồi dưới tán keo là tràm tại nhiều nơi trên tổng diện tích 10.420 ha rừng phòng hộ Bắc Hải Vân từ năm 1987 đến nay đã có nhiều cây đạt đường kính thân từ 40 đến 50 cm. Đa dạng sinh học đặc trưng rừng nhiệt đới Bắc Hải Vân phục hồi dưới các tàn cây bản địa, thu hút các loài thú như nai, sơn dương, đặc biệt là các loài linh trưởng quý hiếm tìm về sinh sống.
Theo ông Trần Văn Lộc, đây là tín hiệu rất đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo bởi các loài thú, linh trưởng quý hiếm như Vọoc chà vá chân nâu, Cu li…luôn là mục tiêu của những đối tượng săn bắt chuyên nghiệp. Đáng lo ngại hơn là tần suất xuất hiện các bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu tại tiểu khu 250, 251 giáp với diện tích rừng Nam Hải Vân của Đà Nẵng đã thưa thớt. Những ngày đầu tháng 11-2016, Vọoc chà vá chân nâu thường ra ăn lá rừng tại những khu vực nói trên nhưng kể từ cuối tháng 11-2016 đến nay, rất hiếm khi thấy chúng xuất hiện.
Sự sinh tồn của 3 bầy Vọoc chà vá chân nâu với khoảng 70 cá thể (như thông tin được đưa ra bởi BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân vào những ngày đầu tháng 11/2016) đang rất mong manh - nếu như không có giải pháp khẩn cấp nào được đưa ra. Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân cho biết Trạm bảo vệ Vọoc chà vá chân nâu thiết kế theo mô hình đài quan sát ở tiểu khu 250, khu vực đỉnh Hải Vân, tiếp giáp với Đà Nẵng. Đài cao 10 m với 3 tầng kiên cố. Từ vị trí đài quan sát có thể bao quát cả khu vực rộng lớn rừng Bắc Hải Vân. Kinh phí 1 tỷ đồng đã được tỉnh phê duyệt nhưng nếu triển khai ngay thì ít nhất cũng phải đến tháng 6 năm nay mới hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ nay đến đó, việc bảo vệ loài linh trưởng đặc biêt quý hiếm này trước các mối đe dọa gần như trông chờ vào…may rủi