Ðảng và Nhà nước ta luôn xác định biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân.
Trong đó, MTTQ và các tổ chức đoàn thể là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, Bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến toàn diện về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, thực hiện “mỗi người dân là một cột mốc sống” ở khu vực biên giới để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Thực hiện nội dung Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", nhận thức được vị trí, vai trò của mình, MTTQ Việt Nam đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng trên địa bàn tuyến biên giới tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia triển khai phong trào trên cơ sở lồng ghép thực hiện nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hướng mạnh về cơ sở; xây dựng các tổ tự quản ở khu dân cư như: "Tổ tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới", "Tổ tự quản đường biên, cột mốc quốc giới", "Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản", "Khu dân cư đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình “Ánh sáng vùng biên”, mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, mô hình “Công trình vệ sinh vì cộng đồng”, mô hình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”…
Trên toàn tuyến biên giới đất liền đã thành lập được 1.587 tổ tự quản, có 49.724 hộ gia đình và 60.493 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 4.215,844 km đường biên giới, 3.141 mốc quốc giới, 78 công trình biên giới. Thông qua hoạt động của các tổ tự quản, các mô hình tự quản và lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm an ninh quốc gia; đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, vi phạm quy chế biên giới, vận chuyển trái phép hàng hóa và các chất ma túy qua biên giới. Điển hình như: Mặt trận các cấp tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ đội biên phòng và các xã biên giới xây dựng 743 tổ an ninh trật tự thôn, bản với 3.335 thành viên tham gia; xây dựng và duy trì 17 cặp bản kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, tổ chức kết nghĩa 5 cặp đơn vị Đồn Biên phòng hai bên biên giới giữa Thanh Hóa với Biên phòng nước bạn Lào; tổ chức 2 tập thể và 108 cá nhân đăng ký tự quản 192m đường biên giới, 92 mốc giới và 7 công trình biên giới.
Mặt trận các cấp ở các khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đã vận động nhân dân 100% các thôn, bản, hộ gia đình khu vực biên giới cam kết tham gia tự quản đường biên, cột mốc; thành lập 347 tổ/1.716 thành viên tự quản về an ninh, trật tự, tham gia hàng ngàn lượt tuần tra biên giới...
Theo thống kê từ năm 2018 – 2023 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể triển khai nhiều hoạt động hướng về đồng bào ở khu vực biên giới như: Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao tặng 25.098 con bò giống cho người nghèo biên giới, với tổng giá trị trên 376 tỷ đồng; Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” với kinh phí tổ chức trên 107 tỷ đồng; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã huy động kinh phí hơn 150 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động mô hình sinh kế, vốn khởi nghiệp, công trình dân sinh, sổ tiết kiệm, chăn nuôi gia súc... vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia các tổ tự quản, các mô hình tự quản, các thành viên của tổ tự quản và người có uy tín đã phát hiện, cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng bắt giữ 58.283 vụ/144.795 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật, thu giữ 11,82 tấn ma túy các loại; khởi tố 3.648 vụ/4.957 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 24.561 vụ/62.685 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước 210,03 tỷ đồng.
Để tôn vinh những tấm gương tiêu biểu thực hiện phong trào, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Chương trình “Điểm tựa của bản làng”, lần thứ II, năm 2024 trên quy mô toàn quốc với sự tham dự của 200 đại biểu tiêu biểu đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển, đảo đại diện cho 47 dân tộc thiểu số trên toàn tuyến biên giới.
Đại biểu cao tuổi nhất là ông Đinh Văn Ranh, sinh năm 1940 (84 tuổi), dân tộc Hre, trú tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định; đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Cao Xuân Long, sinh năm 1996 (28 tuổi), dân tộc Chứt, Trưởng thôn Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; 8 đại biểu là chức sắc tôn giáo; 7 đại biểu là cán bộ Bộ đội Biên phòng.
Trong buổi gặp mặt Chủ tịch nước ở Phủ Chủ tịch năm 2024, các đại biểu tham dự Chương trình đã báo cáo với Chủ tịch nước Tô Lâm những công việc cụ thể, thiết thực gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào tự quản bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, bản.
Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, biển, đảo trong thời gian vừa qua và bày tỏ mong muốn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy vai trò, tín nhiệm của mình, thực sự là những nhà ngoại giao nhân dân, những sứ giả hòa bình, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng Mặt trận, đoàn thể, tổ chức đảng, chi bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường xuyên nâng cao cảnh giác, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; tích cực tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở, không để trở thành điểm nóng, phức tạp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, bảo vệ vững chắc, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc.
Để tiếp tục xây dựng biên giới lòng dân vững chắc, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", trong đó, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, Bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến toàn diện về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, thực hiện “mỗi người dân là một cột mốc sống” ở khu vực biên giới để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Nước ta có đường biên giới trên đất liền trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và Đông Bắc; tiếp giáp với Lào ở phía Tây và Tây Bắc; tiếp giáp với Campuchia ở phía Nam và Tây Nam thuộc địa bàn của 25 tỉnh, 103 huyện, 435 xã; với dân số khoảng 2,4 triệu hộ với 9,7 triệu khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 16,15%; có 51 thành phần dân tộc, 6 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo.